Rộn ràng lễ hội mùa xuân

Mỗi độ xuân về, đâu đâu cũng vang lên những thanh âm rộn ràng của lễ hội truyền thống. Thông qua lễ hội, không chỉ để bày tỏ lòng thành kính của người dân với tổ tiên, những người có công với dân với nước, mà còn góp phần làm tăng thêm tình đoàn kết, cố kết cộng đồng.

Lễ hội bánh chưng - bánh giầy đền Độc Cước (TP Sầm Sơn).

Lễ hội bánh chưng - bánh giầy đền Độc Cước (TP Sầm Sơn).

Nếu đến với thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) vào dịp đầu năm mới, du khách sẽ được tham dự Lễ hội Khai hạ đặc sắc và độc đáo, tổ chức vào ngày mùng 7 - 8 tháng Giêng hàng năm. Trưởng thôn Lê Văn Tuấn cho biết: "Lương Ngọc có tới 85% dân tộc Mường. Lễ hội Khai hạ được tổ chức hàng năm gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước và là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào ở đây. Lễ hội đã có từ lâu đời, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử nhưng đến nay vẫn được giữ nguyên bản, nhất là ở phần lễ. Theo thông lệ, vào sáng sớm mùng 8 tháng Giêng, người dân trong thôn và ở các thôn trong xã đều có mặt từ rất sớm để thực hiện nghi thức rước thần rắn từ đền thờ Thủy phủ Long vương (suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh) về nhà văn hóa thôn Lương Ngọc để báo công với thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất của người dân địa phương và những ước nguyện của năm mới. Sau đó, thần rắn được đưa về đền thờ Thủy phủ Long vương để cúng tế.

Sau phần lễ, các đại biểu và du khách sẽ được hòa vào phần hội với nhiều hoạt động hấp dẫn như thi đấu bóng chuyền, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, chọi gà, tung còn, chơi đu, đẩy gậy... Việc tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường tại địa phương. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch, nhất là suối cá thần Cẩm Lương đến đông đảo bạn bè, du khách.

Tại xã Yên Ninh (Yên Định), du khách có thể hòa mình vào lễ hội Trò Chiềng với phần lễ và hội độc đáo, đặc sắc, được người dân ở đây tổ chức vào ngày mùng 10 - 12 tháng Giêng. Cụ Trịnh Đình Quý, người dân trong xã, cho biết: Đây là trò diễn dân gian phát tích từ làng Trịnh Xá cách đây gần 1.000 năm, gắn liền với tên tuổi của Tam công Trịnh Quốc Bảo - vị quan văn võ toàn tài dưới triều Lý đã tham gia dẹp giặc Tống ở phía Bắc và hai lần phò vua dẹp loạn quân Chiêm Thành ở phía Nam. Ông được vua Lý Nhân Tông phong là Thượng thượng đẳng phúc thần làng Trịnh Xá, hiệu Đông phương Hắc quang Đại vương. Lễ hội được tổ chức hàng năm, gồm 4 phần rước đó là, rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước thành hoàng và lễ rước phụng hoàn, cùng hệ thống 12 trò diễn tiêu biểu, đặc sắc thu hút rất đông người dân, du khách. Các trò diễn tái hiện một cách sinh động và chân thực cuộc sống lao động và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mở mang bờ cõi của Nhân dân ta. Đồng thời thể hiện ước vọng về đời sống no đủ, mùa màng bội thu, đất nước bình yên. Phần hội được tổ chức sôi nổi với phần thi làm bánh nhãn, bánh lá răng bừa và thi đấu, giao lưu bóng chuyền, đá bóng...

Từ miền núi, trung du, xuống đồng bằng và ra miền biển của tỉnh, nơi đâu cũng có những lễ hội truyền thống được người dân tổ chức vào dịp đầu năm mới. Nếu người Mông mở hội Gàu Tào mừng lúa đầy rẫy, thóc đầy nhà; thì người Mường, người Thổ mở hội Khai Hạ cầu cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống đủ đầy. Xuôi xuống vùng đồng bằng, các lễ hội càng đa dạng và phong phú như Lễ hội Phủ Trịnh, Lễ hội đền thờ Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc); lễ hội đền thờ Tướng quân Cao Lỗ (Hoằng Hóa)... Với cư dân miền biển thì đầu năm lại rộn ràng mở hội cầu Ngư, đua thuyền ở Hậu Lộc hay Lễ hội đền Độc Cước ở TP Sầm Sơn, Lễ hội Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn)... với mong ước cho những chuyến vươn khơi sóng yên bể lặng, cá tôm đầy thuyền.

Dù mang nhiều nét riêng, độc đáo gắn với đặc trưng vùng, miền hay tộc người, song các lễ hội được tổ chức đều thể hiện tín ngưỡng tốt lành, lòng biết ơn chân thành của đồng bào các dân tộc đối với những vị thần có công lập làng, tạo bản, xây dựng đất nước.

Việc tổ chức lễ hội mùa xuân không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc, nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn thu hút người dân, du khách đến tham dự, từ đó thúc đẩy du lịch của địa phương ngày càng phát triển. Để các lễ hội diễn ra an toàn, giữ được bản sắc, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, quản lý việc tổ chức lễ hội theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc. Khuyến khích người dân tích cực tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian vào lễ hội để tăng thêm sức hấp dẫn du khách. Đồng thời, vận động Nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, hướng dẫn việc sắp xếp nơi thờ tự, đảm bảo phòng cháy chữa cháy trong di tích...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ron-rang-le-hoi-mua-xuan-35332.htm