Sacombank không có kế hoạch gia tăng sở hữu tại Chứng khoán SBS

Liên quan đến việc chi 1.500 tỷ đồng mua công ty chứng khoán, lãnh đạo Sacombank khẳng định ngân hàng không có kế hoạch gia tăng sở hữu tại SBS. Thay vào đó, Sacombank sẽ lựa chọn một công ty chứng khoán khác có tiềm năng phát triển và phù hợp hơn với định hướng chiến lược.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Sacombank. Ảnh: Sacombank

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Sacombank. Ảnh: Sacombank

Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Tại thời điểm tiến hành đại hội, Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết đại hội có sự tham dự của 1.031 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền), đại diện sở hữu hơn 1,2 tỷ cổ phần, tương đương 66,37% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 14.650 tỷ đồng năm 2025

Tại đại hội, HĐQT Sacombank trình các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2024.

Tổng tài sản tăng 10% lên 819.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.

Chia sẻ về chiến lược để tăng 10% huy động vốn và tổng tài sản, Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, dự kiến năm 2025, chi phí vốn khó kéo giảm trong bối cảnh nhiều biến động về tỷ giá, thuế quan. Do đó, ngay đầu năm, ngân hàng đã chuẩn bị phương án gia tăng nguồn vốn giá tốt thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) có thể tăng trưởng đến 30%, trong khi thị trường 1 (thị trường với doanh nghiệp, dân cư) chỉ tăng 9-10%, ưu tiên nguồn vốn ngắn hạn, khách hàng nhỏ lẻ, vẫn đảm bảo an toàn hoạt động.

Về vấn đề tăng tổng tài sản, Sacombank vẫn chú trọng tăng tổng tài sản một cách an toàn, tăng trưởng những tài sản khó sinh lời, kéo giảm những tài sản tồn động. Theo đó, tổng tài sản dự kiến tăng ở mức 10%, chủ yếu tăng từ công tác cung ứng vốn cho nền kinh tế và đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Lợi nhuận lũy kế giữ lại 25.352 tỷ đồng, trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu

Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước, Sacombank có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông, HĐQT trình ĐHĐCĐ chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Sacombank.

Nguồn vốn sử dụng từ nguồn lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế còn lại sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024.

Sau khi được NHNN chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Sacombank sẽ lựa chọn một công ty chứng khoán khác, không phải SBS

Tại đại hội, Sacombank cũng trình cổ đông nội dung góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán. Sacombank đánh giá hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cao cấp, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả thông qua việc sở hữu các công ty chứng khoán.

Với mong muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh cho Sacombank, ngân hàng có chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của Sacombank. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ/cổ phần tại công ty chứng khoán trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm với cổ đông về nội dung này, theo bà Diễm, đây là bước đi chiến lược nhằm đón đầu xu hướng tích hợp hoạt động ngân hàng đầu tư, mô hình mà nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai và ghi nhận hiệu quả tích cực. Việc đầu tư này được kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu từ phí dịch vụ cho ngân hàng.

Liên quan đến nhân sự cho mảng kinh doanh mới, bà Diễm cho biết Sacombank từng sở hữu một công ty chứng khoán nhưng đã thoái vốn trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, đội ngũ nhân sự tại ngân hàng vẫn còn kinh nghiệm trong lĩnh vực này và Sacombank sẽ tiếp tục tuyển dụng bổ sung theo đúng lộ trình sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về khả năng mua lại CTCP Chứng khoán SBS, doanh nghiệp mà Sacombank từng thoái vốn, bà Diễm khẳng định ngân hàng không có kế hoạch gia tăng sở hữu tại SBS. Thay vào đó, Sacombank sẽ lựa chọn một công ty chứng khoán khác có tiềm năng phát triển và phù hợp hơn với định hướng chiến lược. Hiện Sacombank là cổ đông lớn nhất tại CTCP Chứng khoán SBS (Mã: SBS) với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%.

Hơn 1.000 cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên Sacombank năm 2025.

Hơn 1.000 cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên Sacombank năm 2025.

Đã thu hồi 25.600 tỷ đồng nợ xấu liên quan ông Trầm Bê

Về khoản nợ xấu liên quan ông Trầm Bê, vấn đề được cổ đông quan tâm trong nhiều năm, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý cụ thể và phù hợp, đồng thời đã báo cáo với cơ quan thanh tra giám sát.

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng nợ gốc liên quan đến ông Trầm Bê là 35.400 tỷ đồng; lãi dự thu theo đề án là hơn 12.900 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến hết năm 2024, Sacombank đã thu hồi được 25.600 tỷ đồng, trong đó 23.300 tỷ đồng là nợ gốc, còn lại hơn 2.200 tỷ đồng là tiền lãi.

Dư nợ còn lại là hơn 12.000 tỷ đồng, bao gồm 10.538 tỷ đồng đã bán cho VAMC và 1.454 tỷ đồng dưới dạng các khoản repo và khoản phải thu. Tổng lãi theo hợp đồng tính đến cuối năm 2024 là hơn 57.600 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ của ông Trầm Bê và các bên liên quan được bảo đảm bằng cổ phiếu STB đang do Công ty quản lý tài sản (VAMC) nhận ủy quyền có giá trị hơn 6.100 tỷ đồng, còn khoản lãi phát sinh theo hợp đồng đến cuối năm 2024 là khoảng 13.450 tỷ đồng.

Tổng số cổ phiếu STB đang được dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay và phải thu là 604,94 triệu cổ phiếu, tương đương 32% vốn điều lệ Sacombank. Ngân hàng cho biết đã trích lập dự phòng đầy đủ cho toàn bộ các khoản nợ gốc và repo. Số tiền thu được từ việc đấu giá 32% cổ phần này sẽ được sử dụng để xử lý toàn bộ gốc và lãi, trước khi trình phương án lên Ngân hàng Nhà nước.

Bà Diễm nhấn mạnh với khoản lãi treo hơn 57.000 tỷ đồng, khả năng thu được phần vượt là rất thấp, đồng nghĩa với việc ngân hàng chỉ có thể thu hồi đủ số nợ gốc và một phần lãi.

"Hiện tại, Sacombank chỉ còn vướng mắc cuối cùng là chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB theo đề án tái cơ cấu. Trong năm 2025, chúng tôi tự tin hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đề ra và quyết tâm thúc đẩy tiến trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chính thức công bố hoàn tất đề án tái cơ cấu sau sáp nhập," bà Diễm cho biết.

Đối với khoản nợ tại KCN Phong Phú, trong năm 2024, Sacombank đã thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng trong năm 2024, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu và hoàn nhập chi phí dự phòng. Trong năm 2025, ngân hàng sẽ tiếp tục làm việc với khách hàng đã trúng đấu giá để thu hồi thêm 30% - 40% giá trị khoản nợ, và đặt mục tiêu thu hồi hoàn toàn phần còn lại trong năm 2026.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/sacombank-khong-co-ke-hoach-gia-tang-so-huu-tai-chung-khoan-sbs-40831.html