Saigonbank đẩy mạnh tăng vốn, tham vọng lãi lớn 2025 nhưng nợ xấu đang tăng

Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng gấp ba lần so với năm 2024, tiến gần mức kỷ lục năm 2023, mặc dù lợi nhuận năm trước giảm 70% và chỉ đạt 27% so với chỉ tiêu. Ngân hàng cũng đẩy mạnh việc tăng vốn điều lệ, do hiện đáp ứng yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu theo Quyết định 689/QĐ-TT là 5.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank - mã Ck: SGB) dự kiến tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vào ngày 24/04 tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều chỉ tiêu tăng ổn định, riêng lợi nhuận bứt phá

Theo tài liệu công bố trước đại hội, Hội đồng Quản trị Saigonbank sẽ trình các cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3 lần

Saigonbank đề ra mục tiêu năm 2025 đạt tổng tài sản 34.900 tỷ đồng, tăng 5%. Vốn huy động đạt 30.100 tỷ đồng, tăng 5% và dư nợ cho vay đạt 24.700 tỷ đồng, tăng 10%. Đáng chú ý, ngân hàng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng trong năm 2025, gấp 3 lần năm trước, chỉ thấp hơn mức kỷ lục từng đạt được năm 2023 (332,2 tỷ đồng).

Theo đó, năm 2025, Saigonbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 34.900 tỷ đồng, tăng nhẹ 5%; vốn huy động và dư nợ cho vay lần lượt tăng 5% và 10%.

Trong khi đó, nhà băng này lại đặt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 300 tỷ đồng trong năm 2025, cao hơn rất nhiều so với con số thực hiện năm 2024 và tiến sát tới mốc kỷ lục đã đạt được năm 2023.

Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Saigonbank cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản và tối ưu hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, áp dụng nhiều kênh huy động vốn đa dạng phát triển trên nền tảng số, thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất…

Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản; triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hồi các khoản nợ tồn đọng nhằm tăng thu nhập cho ngân hàng; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ theo quy định.

Saigonbank đẩy mạnh tăng vốn, tham vọng lãi lớn 2025 nhưng nợ xấu đang tăng. Ảnh tư liệu.

Saigonbank đẩy mạnh tăng vốn, tham vọng lãi lớn 2025 nhưng nợ xấu đang tăng. Ảnh tư liệu.

Năm 2025, Saigonbank phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tỷ lệ phát hành là 10%, tổng giá trị là 338,799 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 3.726,8 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng số vốn tăng thêm để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đầu tư đổi mới hạ tầng công nghệ thông tin chuyển đổi số; từng bước đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ của NHNN; mở rộng quy mô tín dụng, kinh doanh vốn…

Danh sách cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của Saigonbank gồm: Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (18,18%), Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh Nhà Phú Nhuận (16,64%), Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa (16,35%), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh. Các cổ đông này có tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, vấn đề này đã và đang được Saigonbank phối hợp với các cổ đông quan tâm, thực hiện từ các năm trước.

Ngoài ra, đầu năm 2025, Công ty cổ phần Phát Đại Cát đã trở thành cổ đông lớn thứ 5 của Saigonbank khi nắm giữ 33,5 triệu cổ phiếu SGB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,889%. Được thành lập vào tháng 1/2022, Phát Đại Cát có trụ sở tại 198 Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hồ Chí Minh, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim nắm giữ 95% vốn; Công ty TNHH MTV Nguyễn Kim Express & Logistics sở hữu 2% vốn; Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Hoàng Kim nắm giữ 3% vốn.

Trong báo cáo trình đại hội, Ban kiểm soát Saigonbank cho rằng, Ngân hàng cần tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ đồng và phối hợp với các cổ đông lớn có giải pháp để khắc phục tồn tại về tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm đảm bảo tuân thủ quy định.

Lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu dềnh lên

Về tình hình kinh doanh, trong quý IV/2024, Saigonbank ghi nhận khoản lỗ trước thuế gần 114 tỷ đồng do các nguồn thu sụt giảm và chi phí hoạt động tăng. Lũy kế cả năm, ngân hàng lãi trước thuế hơn 99 tỷ đồng, giảm 70% so với năm trước và đạt 27% chỉ tiêu kế hoạch.

Nguồn: Saigonbank.

Nguồn: Saigonbank.

Năm 2024, tổng tài sản của Saigonbank đạt 33.260,4 tỷ đồng, tăng 5,59% so với đầu năm, đạt 103% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, trong đó vốn điều lệ là 3.387,99 tỷ đồng. Vốn huy động là 28.641,12 tỷ đồng, tăng 7,64% và đạt 105% so với kế hoạch. Trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp và dân cư là 24.413,12 tỷ đồng, chiếm 85,24% tổng nguồn vốn huy động và tăng 3,64%.

Kinh tế biến động khiến nợ xấu tại Saigonbank gia tăng

Trong báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2024, Tổng Giám đốc Saigonbank Trần Thanh Giang cho biết, tình hình kinh tế biến động bất lợi ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập, trả nợ của khách hàng. Thu nhập bị sụt giảm so với kế hoạch nên dòng tiền trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng, dẫn đến việc chậm thanh toán nợ tại Saigonbank và các tổ chức tín dụng khác, làm cho nợ nhóm 3 - 5 có xu hướng tăng.

Dư nợ tín dụng đến cuối năm 2024 đạt 22.494,54 tỷ đồng, tăng 10,39% so với đầu năm, hoàn thành 98% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.

Chất lượng tài sản của Saigonbank có dấu hiệu suy giảm khi nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) đạt 580 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với đầu năm.

Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 73% lên 400 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nợ xấu. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng gần 2,7 lần, khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 2,02% lên 2,66%.

Trong năm 2024, Saigonbank nỗ lực xử lý nợ bằng nhiều biện pháp linh hoạt, kiện toàn ban chỉ đạo, xử lý, thu hồi nợ xấu tại Saigonbank; thành lập tổ xử lý nợ xấu tại các chi nhánh có nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC, nợ nội bảng và tiềm ẩn rủi ro trên 3%. Đồng thời, tiếp tục triển khai các công việc có liên quan theo kế hoạch xử lý nợ, nợ VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu, đảm bảo thấp hơn theo chỉ đạo của NHNN.

Trong năm 2024, Saigonbank thực hiện tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chỉ trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu (307,99 tỷ đồng), nâng vốn điều lệ lên 3.387,99 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đáp ứng vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ đồng đến năm 2025 theo quy định tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/saigonbank-day-manh-tang-von-tham-vong-lai-lon-2025-nhung-no-xau-dang-tang-174069.html