Sản lượng khai thác hải sản của tỉnh Ninh Thuận vượt kế hoạch
Vào từng thời điểm tại Ninh Thuận, các sản phẩm cá cơm có giá từ 10.000-20.000 đồng/kg; cá nục từ 20.000-40.000 đồng/kg; cá hố các loại từ 50.000-80.000 đồng/kg; cá bạc má từ 30.000-45.000 đồng/kg...
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, mặc dù trong điều kiện giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao, nhưng thời tiết năm 2022 khá thuận lợi nên số lượng tàu cá tham gia khai thác đông, bình quân chiếm khoảng 90% tàu cá toàn tỉnh. Nhờ đó, sản lượng khai thác đạt cao, ước đạt 126.879 tấn, tăng 2,54% so năm 2021, vượt 2,7% kế hoạch.
Vào từng thời điểm, các sản phẩm như cá cơm có giá từ 10.000-20.000 đồng/kg; cá nục từ 20.000-40.000 đồng/kg; cá hố các loại từ 50.000-80.000 đồng/kg; cá bạc má từ 30.000-45.000 đồng/kg; cá đổng từ 30.000-50.000 đồng/kg; cá ngừ sọc dưa từ 25.000-40.000 đồng/kg; mực nang có giá 140.000-220.000 đồng/kg; mực ống từ 90.000-140.000 đồng/kg; tôm biển từ 140.000-250.000 đồng/kg; ghẹ từ 120.000-260.000 đồng/kg tùy loại.
Ngư dân Võ Hồng Lý (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), chủ tàu cá NT 90834 TS, công suất trên 400CV hành nghề lưới rê cho biết năm nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi và được Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin dự báo tình hình ngư trường kịp thời nên đã giúp ngư dân chủ động đánh bắt hiệu quả.
Các tàu khai thác đạt sản lượng khá, sản phẩm được thu mua với giá tương đối cao đã tạo động lực cho bà con ngư dân vươn khơi, bám biển.
“Bình quân một tháng tàu cá của gia đình đi biển được hai chuyến, mỗi chuyến khai thác được từ 2-3 tấn hải sản các loại, cho thu nhập từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu có nhiều tháng trải qua nhiều đợt tăng làm ảnh hưởng đến chi phí chuyến biển nên trừ chi phí đầu tư đánh bắt còn lãi khoảng một nửa.” ông Võ Hồng Lý chia sẻ.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 98,3% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tất cả các tàu cá đều đã đăng ký, cấp phép khai thác, được cập nhật đầy đủ lên phần mềm VNfishbase của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Qua đánh giá, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đã có nhiều tiến bộ, đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác. Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, tỉnh cũng chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận.
Theo ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, năm 2023, Ninh Thuận đặt chỉ tiêu khai thác trên 124.000 tấn hải sản các loại. Để đạt kế hoạch đề ra, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các chủ phương tiện sửa chữa, nâng cấp đội tàu cá công suất lớn với trang thiết bị hàng hải hiện đại giúp bà con ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ.
Cùng với đó, Chi cục Thủy sản cũng tăng cường hỗ trợ, vận động chủ tàu cá thành lập các tổ đội tham gia khai thác hải sản; hướng dẫn cụ thể và đầy đủ về cách thức ghi chép nội dung hoạt động khai thác thủy sản trong sổ nhật ký khai thác đến ngư dân khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Chi cục Thủy sản tỉnh cùng các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) gắn với dự báo thông tin ngư trường để toàn thể ngư dân trong tỉnh được biết và sớm có kế hoạch di chuyển thuyền nghề khai thác hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với từng địa bàn vùng biển.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng tổ chức cho ngư dân ký cam kết chấp hành các quy định trong hoạt động đánh bắt theo Luật Thủy sản; phối hợp cùng các tỉnh phía Nam và các cấp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về khai thác IUU; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong khai thác hải sản./.