Sản xuất, tiêu dùng bền vững còn nhiều thách thức
Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững đã được doanh nghiệp, Chính phủ quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức ở phía trước, đòi hỏi các chính sách, pháp luật cần sớm đi vào thực tiễn...
Tại diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững 2024” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức ngày 27 - 28/7/2024, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, sản xuất, tiêu dùng bền vững chính là sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; lưu thông, phân phối xanh; tiêu dùng xanh…
VẪN CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI
Nhận thức được điều đó, từ năm 2015 với vai trò là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu thứ 12 về bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã chủ động và thực hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay, ông Thi cho rằng hệ thống chính sách, pháp luật về sản xuất, tiêu dùng bền vững đã và đang ngày càng được hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và đang triển khai các luật có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch…
Mặc dù vậy, ông Thi thừa nhận, vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức ở phía trước, làm sao để sớm đưa các chính sách, pháp luật đi vào thực tiễn là bài toán đặt ra.
Bởi hiện nay, đa số doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với sự tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tìm kiếm, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh.
Một số tổ chức tín dụng đã chủ động thiết kế các gói ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất bền vững, thực hiện chính sách về tín dụng xanh nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp, ít thu hút được sự quan tâm và hấp dẫn các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp lưu thông, phân phối, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, các đại siêu thị đã từng bước xanh hóa quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; sớm sử dụng, phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường. Tuy vậy, các hoạt động này chưa có tính bền vững, việc sử dụng túi nilong, bao bì khó phân hủy vẫn còn phổ biển, chưa có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh; chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận các sản phẩm, bao bì thải bỏ để đem đi tái chế…
Đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, người tiêu dùng ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh, nhưng giá thành sản phẩm xanh vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Trong khi đó các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng.
Hơn nữa, thói quen và ý thức tuần hoàn tài nguyên chưa được hình thành nên quá trình hình thành phong trào người tiêu dùng thông thái còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, chúng ta còn những hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, thiếu những quy định và chế tài cụ thể trong thi hành pháp luật cũng như thiếu các công cụ, phương tiện trong công tác quản lý.
Đồng quan điểm, ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, hiện người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà với sản phẩm xanh, sản phẩm bền vững. Lý do là do giá sản phẩm xanh cao (có sản phẩm cao hơn sản phẩm thông thường tới 40%), chưa phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người tiêu dùng.
Hơn nữa, thói quen, nhận thức của tiêu dùng của người Việt Nam về sản phẩm xanh chưa sâu. Chưa có chính sách cho người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm xanh.
DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT CẦN "CHUYỂN MÌNH" MẠNH MẼ HƠN NỮA
Để bắt kịp xu hướng tiêu dùng, sản xuất bền vững, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp phải "chuyển mình" mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, bao gồm các thiết bị tiết kiệm năng lượng và công nghệ xử lý chất thải hiệu quả, hướng tới đạt được các chứng nhận quốc tế về bền vững và bảo vệ môi trường, như chứng nhận ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường hoặc chứng nhận của tổ chức như B Corporation.
Đồng thời triển khai các dự án năng lượng mặt trời, gió, và các nguồn năng lượng tái tạo khác để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới với ít tác động môi trường hơn, chẳng hạn như sản phẩm từ nguyên liệu tái chế hoặc sản phẩm có tuổi thọ dài hơn.
Mặt khác, doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo rằng toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Sử dụng công nghệ số và IoT để theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu lãng phí.
Đặc biệt, đào tạo nhân viên về các phương pháp và quy trình bền vững để tăng cường ý thức về bảo vệ môi trường trong toàn bộ tổ chức. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tìm kiếm các phương pháp và công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện hiệu quả sản xuất.
“Những chuyển mình này không chỉ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường mà còn có thể mở ra cơ hội mới cho sự phát triển bền vững và tăng cường sự cạnh tranh trong thị trường quốc tế”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ, ngành dệt may hiện phải nhập khẩu trên 70% nguyên phụ liệu cho sản xuất. Vì vậy, làm thế nào để biết nguồn nguyên phụ liệu có đảm bảo xanh, sạch hay không là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải truy xuất nguồn gốc bông, sợi…
Ý thức được vấn đề phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, nên ngay từ đầu năm 2018 Vitas đã thành lập Ủy ban phát triển bền vững với mô hình “3 chữ P” gồm: phát triển có lãi; nguồn lực bền vững và bảo vệ môi trường. Vitas cũng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế tập huấn nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và cả người lao động về vấn đề phát triển bền vững.
Song ông Cẩm cũng khuyến cáo sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là xu hướng tất yếu. Nếu phù hợp với khả năng và nguồn lực của mình, các doanh nghiệp có thể triển khai làm sớm, từ đó tăng thêm cơ hội khai thác những thị trường đẳng cấp, khó tính, mở rộng thêm thị trường.
Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng giám đốc tư vấn Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam góp ý, chúng ta cần có chương trình dán nhãn xanh cho sản phẩm để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, đây cũng là cơ sở cấp tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất xanh.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/san-xuat-tieu-dung-ben-vung-con-nhieu-thach-thuc.htm