Sao Ta (FMC) cài số lùi kế hoạch lợi nhuận năm 2025
Kế hoạch lợi nhuận đi lùi của Sao Ta đặt trong bối cảnh xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đối mặt với 2 vụ kiện chống bán phá giá và vụ kiện chống trợ cấp; biến đổi khí hậu gia tăng rủi ro nuôi tôm.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) mới công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Đại hội dự kiến tổ chức vào chiều ngày 18/4 tại tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, sang năm 2025, Sao Ta đặt mục tiêu sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ 22.000 tấn và 1.300 tấn nông sản tiêu thụ. Doanh số chung ước đạt 255 triệu USD, tăng gần 2% so với mức kỷ lục năm 2024; song tổng lợi nhuận trước thuế là 420 tỷ đồng, giảm nhẹ so với ngoái.
Nhận định về năm nay, ban lãnh đạo cho biết sẽ có nhiều thuận lợi khi xung đột thương mại gia tăng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội để FMC thâm nhập thị trường. Công ty có điều kiện tập trung chuyên môn hóa sản phẩm ở từng nhà máy nhằm giảm chi phí và tăng năng suất.
Sao Ta cũng đang sở hữu vùng nuôi ASC (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản) có diện tích lớn, đủ để đáp ứng nguồn cung cho các hệ thống lớn; trong khi phía khách hàng, thị trường và chất lượng sản phẩm được ổn định.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đối mặt với 2 vụ kiện chống bán phá giá và vụ kiện chống trợ cấp; biến đổi khí hậu gia tăng rủi ro nuôi tôm. Đặc biệt là lạm phát suy thoái vẫn chưa cải thiện đáng kể, tình hình cung cầu tôm thế giới gây bất lợi cho tôm Việt Nam.
Năm 2024, ngành tôm đã gặp nhiều khó khăn do lạm phát kéo dài, suy thoái kinh tế và những bất ổn tại kênh đào Suez khiến chi phí vận chuyển gia tăng. Dịch bệnh trong ngành tôm cũng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản lượng. Ngoài ra, nguồn cung tôm từ các nước như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia tăng mạnh, gây áp lực lên thị trường tiêu thụ.

Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, tình trạng thời tiết bất lợi, con giống kém chất lượng và chi phí nuôi tăng cao khiến nhiều người nuôi không mặn mà với việc tái đàn, dẫn đến nguồn cung tôm nguyên liệu khan hiếm. Hệ quả là giá tôm thương phẩm tăng mạnh từ giữa tháng 9/2024, kéo dài trong thời gian qua và gây khó khăn trong việc lập kế hoạch kinh doanh.
Tuy vậy, nhìn lại năm 2024, ban tổng giám đốc FMC cho biết công ty đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ đạt 22.164 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, sản lượng nông sản tiêu thụ đạt 1.309 tấn, bằng 66% so với năm trước.
Tổng doanh số tiêu thụ chung năm 2024 đạt 250,8 triệu USD, tăng 25% so với năm 2023 và vượt 19% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lập kỷ lục mới với 422 tỷ đồng, cao hơn 38% so với kết quả năm 2023 và vượt 32% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Về tình hình kinh doanh trong năm 2025, kết thúc 2 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số đạt 46,9 triệu USD, tương ứng hoàn thành hơn 18% kế hoạch năm.
Về hoạt động nuôi tôm, doanh nghiệp cho biết đã hoàn tất thu hoạch ở khu nuôi mới, đang thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ. Tôm thu hoạch kịp bổ sung cho các nhà máy chế biến, tạo sự yên tâm trong việc lên kế hoạch tăng tốc chế biến và tăng tính hiệu quả hơn.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Hội đồng quản trị trình cổ đông phương án trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, tương đương với hơn 130 tỷ đồng (duy trì tỷ lệ này năm thứ 5 liên tiếp). Kế hoạch cổ tức cho năm 2025 tối thiểu là 20%.