Sắp đối thoại để nâng cao năng lực ngành logistics

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 dự kiến được tổ chức tại Cần Thơ ngày 1-2/12, với chủ đề 'Logistics và chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long'.

Tại họp báo chiều nay (23/11), ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết chủ đề năm nay nhằm mục tiêu định hướng và khuyến khích doanh nghiệp logistics đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số.

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Hơn 5.000 doanh nghiệp trong số này cung cấp dịch vụ logistics 3PL. Trong số này, có những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như: DHL, Kuehne + Nagel, DSV DB Schenker…

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực, cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế.

Bộ GTVT tập trung phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics ở TP.HCM (Ảnh minh họa).

Bộ GTVT tập trung phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics ở TP.HCM (Ảnh minh họa).

Ông Trần Thanh Hải đánh giá, hạn chế của doanh nghiệp Việt là chưa có liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: Vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ thuê chỗ trên tàu...

So với các doanh nghiệp nước ngoài, ông Hải nhận xét, doanh nghiệp Việt hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics (trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển, cảng cạn, sân bay, đường sắt, toa xe, xe tải...); Có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa. Song, lại hoạt động đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics...

Bởi vậy, trong tình trạng cạnh tranh đơn hàng trở nên gay gắt hơn, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, thị trường cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam trước yêu cầu đổi mới.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, logistics là một ngành dịch vụ trải dài trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, đòi hỏi mức độ ứng dụng công nghệ lớn. Do đó, diễn đàn logistics Việt Nam năm nay sẽ là sự kết nối chặt chẽ và đối thoại thẳng thắn ở cả ba cấp độ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương với các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam để cùng hướng đến xu hướng tất yếu là chuyển đổi số.

Xu hướng này sẽ giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng hằng năm ngưỡng 14-16%.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sap-doi-thoai-de-nang-cao-nang-luc-nganh-logistics-192231123194527187.htm