Sắp trình Quốc hội dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hơn 25.500 tỷ đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành tại kỳ họp thứ 7.
Ngày 17/4, tại phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được quy hoạch với quy mô 6 làn xe. Giai đoạn phân kỳ đầu tư với chiều dài khoảng 128,8km (đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km; qua địa phận tỉnh Bình Phước 101km), quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần 6 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án này khoảng 25.540 tỷ đồng, gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư thu xếp.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025.
Thẩm tra dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí việc cần thiết đầu tư dự án, nhưng đề nghị phân tích rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt chi phí liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lúa.
Có ý kiến cho rằng, đề xuất bố trí 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là không khả thi. Bởi vì, theo quy định thì số vốn trên chỉ được thực hiện đến ngày 31/1/2026 trong khi dự án dự kiến đến hết năm 2026 mới hoàn thành.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng dẫn đến phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công làm kéo dài thời gian, giảm hiệu quả đầu tư.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án hết sức quan trọng, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn trình sớm hơn nhưng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo các yếu tố nên đến nay mới xem xét trình Quốc hội. Công tác chuẩn bị đến nay cơ bản đảm bảo, ông đề nghị ủng hộ bổ sung dự án này vào chương trình kỳ họp thứ 7.
Trước băn khoăn về vấn đề giải ngân, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa nhận nguồn vốn dự án rất lớn nên để đảm bảo được lộ trình cơ bản hoàn thành vào 2026 cũng là một vấn đề. Kinh nghiệm cho thấy, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì các địa phương phải triển khai mạnh mẽ để đảm bảo các điều kiện, trong đó có giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Về tính khả thi của hình thức đầu tư PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo phân tích phương án tài chính và kinh nghiệm của Bộ GTVT thì dự án này là tương đối khả thi, vì có phần của Nhà nước tham gia, phương án thu hồi vốn chỉ 18 năm.
Kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 7.