Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:
Mục tiêu của kế hoạch là từ năm học 2022 - 2023 đến 2025 - 2026, số lượng đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập trên địa bàn tỉnh giảm 10% trở lên so với tổng số đơn vị sự nghiệp toàn ngành; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp thực hiện theo nguyên tắc: Đối với cấp mầm non, tiểu học và THCS, mỗi địa bàn cấp xã chỉ tổ chức 1 trường và các điểm trường trực thuộc (nếu có) cho mỗi cấp học. Những địa bàn có số lượng lớp, trường vượt quá định mức tối đa hoặc nếu sáp nhập sẽ vượt quá định mức thì cho phép tổ chức 2 trường nhưng phải đảm bảo số lượng trường học tương đương với số đơn vị hành chính theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập nhiều trường liên cấp trên cơ sở sáp nhập các dự án trường THPT đã được phê duyệt với các trường THCS có quy mô nhỏ trên địa bàn, đảm bảo lộ trình giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2022 - 2025.
- Xin ông cho biết cụ thể về kế hoạch sắp xếp?
- Theo kế hoạch, sau khi thực hiện sắp xếp, đến năm học 2025 - 2026, mạng lưới cơ sở giáo dục công lập theo địa bàn tỉnh dự kiến giảm 66 trường trên tổng số 491 trường, đạt 13,4%. Cụ thể, đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở GD-ĐT, giữ nguyên các trường THPT, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh; giảm 2 trung tâm cấp tỉnh (Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nha Trang, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nha Trang), tăng 5 trường liên cấp THCS và THPT trên cơ sở sáp nhập trường THCS thuộc UBND cấp huyện với dự án trường THPT đã được phê duyệt trên địa bàn TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và huyện Vạn Ninh. Tổng số đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở sau khi sắp xếp là 37, tăng 3 đơn vị. Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, dự kiến TP. Nha Trang giảm 22 trường; TP. Cam Ranh giảm 6 trường; huyện Cam Lâm giảm 7 trường; huyện Diên Khánh giảm 6 trường; thị xã Ninh Hòa giảm 8 trường; huyện Vạn Ninh giảm 13 trường; huyện Khánh Vĩnh giảm 6 trường; huyện Khánh Sơn giảm 1 trường.
- Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch trên như thế nào, thưa ông?
- Từ năm học 2022 - 2023 đến nay, toàn ngành Giáo dục đã tiến hành rà soát, sắp xếp một số trường. Chẳng hạn như tại TP. Nha Trang, đã sáp nhập Trường Mầm non Tân Lập và Mầm non 8-3; Mầm non Phước Tiến và Mầm non Võ Trứ; Tiểu học Phước Tân 1 và Tiểu học Phước Tân 2; THCS Bạch Đằng và THCS Bùi Thị Xuân; hợp nhất Trường Bổ túc Trung học Nha Trang 2, Trung Tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Nha Trang. Tại huyện Khánh Vĩnh, đã sáp nhập Trường Tiểu học Cầu Bà và điểm nhô của Trường THCS thị trấn Khánh Vĩnh; Trường Tiểu học Khánh Hiệp và Tiểu học Khánh Hiệp 1; Tiểu học Khánh Trung và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại TP. Cam Ranh, đã sáp nhập Trường Tiểu học Cam Thịnh Đông và Tiểu học Cam Thịnh 1; Tiểu học Cam Thành Nam và THCS Phan Chu Trinh. Tại huyện Vạn Ninh, đã sáp nhập Trường Tiểu học Vạn Thọ 1 và Tiểu học Vạn Thọ 2; Tiểu học Vạn Khánh 1 và Tiểu học Vạn Khánh 2; Tiểu học Vạn Phú 1, Tiểu học Vạn Phú 2 và Tiểu học Vạn Phú 3. Tại huyện Diên Khánh, đã sáp nhập Trường Tiểu học Diên Phú 1 và Tiểu học Diên Phú 2. Mới đây, UBND thị xã Ninh Hòa cũng đã có quyết định sáp nhập Trường Tiểu học số 1 Ninh Ích và Tiểu học số 2 Ninh Ích; Trường Tiểu học số 1 Ninh Quang và Tiểu học số 2 Ninh Quang kể từ ngày 15-9…
Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát mạng lưới trường, điểm trường phù hợp, khả thi, theo hướng tập trung tinh gọn đầu mối, đảm bảo đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, tránh gây xáo trộn, đảm bảo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao. Đồng thời, sở xây dựng phương án bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sau khi sắp xếp mạng lưới để đảm bảo định mức, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm của từng loại hình trường theo quy định của Bộ GD-ĐT. Cùng với đó, sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị dôi dư; xây dựng kế hoạch và phân bổ số lượng người làm việc; rà soát và trình phê duyệt vị trí việc làm theo đúng nguyên tắc và thủ tục hiện hành. Sở đã và đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các dự án đầu tư xây dựng trường THPT theo hướng sáp nhập với trường THCS trên địa bàn để giảm đầu mối trường THCS thuộc UBND cấp huyện. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp sẽ được điều chỉnh linh động theo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Nội vụ xây dựng sau khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và yêu cầu thực tế phát sinh.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)