Sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị không phải là 'cắt gọt' hay sáp nhập cơ học
Các đại biểu nhìn nhận thực tế bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, còn nhiều bộ phận hoạt động không hiệu quả, gây ra lãng phí và đây là thời điểm chín muồi để thực thiện chủ trương 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'.
Quyết tâm tinh gọn bộ máy
Để thực hiện được kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập một chuỗi 7 nhóm vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau và cần phải giải quyết đồng bộ. Trước nhất là nhóm vấn đề thể chế hóa để xây dựng hệ thống chính trị tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả.
Tổng Bí thư cho rằng, đây là "nút thắt của nút thắt" và để thể chế hóa thực chất trước hết phải thực hiện một bước rất quan trọng là tinh gọn lại tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, khối mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế vừa diễn ra vào sáng 1/12 Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Bộ Chính trị xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện, ĐBQH đoàn Thái Nguyên bày tỏ tâm đắc với bài viết "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo ông, đây là cuộc "cách mạng" đổi mới tương đối toàn diện, quyết liệt và mang ý nghĩa rất lớn trong đổi mới bộ máy, đổi mới đất nước.
Ông Công cho hay, vấn đề tinh gọn bộ máy xây dựng theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" là chủ trương đúng đắn và đến giai đoạn này chúng ta phải quyết tâm làm mạnh hơn.
"Hiện, bộ máy đang quá cồng kềnh nên đầu tiên là phải tháo gỡ được sự cồng kềnh của bộ máy", ông Công nói và phân tích, hiện nay ngân sách chi cho bộ máy cũng quá lớn, thêm nữa bộ máy cồng kềnh dẫn đến các bộ phận, các cấu thành trong bộ máy lại triệt tiêu lẫn nhau, cản trở sự phát triển.
Phó trưởng Ban Dân Nguyện nêu thực tế: "Một việc lại quá nhiều cơ quan làm, cuối cùng không biết ai chủ trì, dẫn đến "chuyện công thì ai cũng nhận nhưng lỗi thì không ai nhận cả"".
Theo ông Công vấn muốn phát triển thì cần có hành trang gọn nhẹ "Mạnh – Tinh", còn nếu không có hành trang gọn nhẹ thì bản thân các cỗ máy đó sẽ tự ngăn cản nhau không phát triển được.
"Do vậy, tôi rất đồng tình và phải xây dựng, tinh gọn bộ máy đầu tiên là từ các cơ quan Trung ương, những cơ quan có chức năng tương đồng thì nên gộp lại, theo mô hình quản lý đa ngành đa lĩnh vực", ông Công nói và cho rằng cần tiếp tục đổi mới tư duy quản lý, sắp xếp lại bộ máy đảm bảo không có sự chồng chéo, mâu thuẫn gây cản trở.
Khi tinh gọn bộ máy thì bài toán về sắp xếp cán bộ dôi dư cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, về vấn đề này, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng đây là bài toán khó vì động chạm đến quyền lợi của con người, nhất là cán bộ đã làm lâu năm có quá trình cống hiến.
"Nhưng, tôi nghĩ rằng mọi thứ đều có thể làm được. Đầu tiên là xuất phát từ yêu cầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ; hai là phải sắp xếp lại khoa học; ba là phải có những chính sách vận động, tạo điều kiện cho những cán bộ sắp nghỉ", ông Công nói và cho hay thị trường lao động rộng không phải chỉ trong khối Nhà nước. Vì vậy, nếu chúng ta quyết tâm làm và làm với tinh thần nhân văn thì sẽ làm được.
Thời điểm chín muồi
ĐBQH Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng đây là chủ trương lớn đã được thực hiện ở nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây và đã làm rất quyết liệt.
Thời gian qua, việc tinh giản bộ máy, tinh gọn biên chế đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt từ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, xóa bỏ các Tổng Cục, các cấp tầng nấc trung gian ở các Bộ ngành cũng được thực hiện rất quyết liệt.
Tuy nhiên, theo ông Hạ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy liên quan đến con người, liên quan đến bộ máy là một việc khó, nhạy cảm và phức tạp. Do đó, đòi hỏi cần có sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất.
"Tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp. Bởi, chúng ta đã có thời gian dài thử nghiệm, áp dụng, sơ tổng kết và rút ra được những kinh nghiệm. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là phép thử cho việc tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ", ông Hạ nói và nhấn mạnh điều đó càng khẳng định cả về cơ sở lý luận, thực tiễn và xu thế cũng đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ tinh gọn bộ máy như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu việc hiện ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Do đó, ông Hạ cho rằng để tinh gọn bộ máy không phải chỉ cắt gọt, "sáp nhập cơ học", "xóa bỏ một cách cơ học" mà cần phải tính đến một cách tổng thể và toàn diện.
"Cùng với tinh gọn bộ máy thì phải được thực hiện đồng bộ trong cải cách đổi mới xây dựng thể chế pháp luật và hoàn thiện chính sách pháp luật", ông Hạ cho biết.
Song song với đó, trong công tác cán bộ thì con người là quan trọng nhất. Do vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cần phải đổi mới cả tuyển chọn con người.
"Làm sao có cơ chế "tinh, gọn" nhưng phải "chủ động, linh hoạt"", ông Hạ nói và cho rằng cần tránh câu chuyện "người được làm việc và người làm được việc", cần khuyến khích những người làm được việc.
Hiện nay, chi thường xuyên và chi cho lương chiếm tỉ lệ lớn trong tổng ngân sách chi hằng năm (70%) của Việt Nam, cao hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ còn 30% chi cho đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội, như vậy đất nước sẽ khó phát triển được.
Do vậy, các đại biểu cho rằng, tinh giản phải đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, gần gũi với người dân, tạo niềm tin của người dân và mục đích cuối cùng là giảm chi thường xuyên, giảm chi lương và những khoản kèm theo lương để chi cho đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội.
ĐBQH Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) đề xuất, với việc tinh gọn ở cơ sở, cần cân nhắc tùy vào từng ngành nghề, không chia tỉ lệ tinh giản cào bằng như hiện nay.
Ví dụ, trong ngành giáo dục không nên tinh giảm cơ học 10% theo từng năm, mà cần căn cứ vào tỉ lệ học sinh, để thực hiện chủ trương của Đảng là nơi nào có học trò, nơi đó có giáo viên.
Vì vậy, trong bài viết và ý tưởng của Tổng Bí thư đã nêu rõ tất cả các bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu cần sắp xếp, tinh gọn để bộ máy cấp trên và cơ sở có sự thống nhất trong công tác điều hành.
Còn các bộ phận trung gian tham mưu nếu không cần thiết có thể tinh gọn để thời gian tới, khi xếp ngạch bậc lương theo chính sách tiền lương mới, theo vị trí việc làm sẽ mang lại hiệu quả và đảm bảo đời sống cho cán bộ.
"Có một số bộ ngành khẳng định, nếu tinh giản vài ba chục cán bộ vẫn có thể hoạt động thông suốt, vậy tại sao chúng ta không quyết liệt làm ngay sau khi Tổng Bí thư chỉ đạo", bà Minh nói.
Theo nữ đại biểu, thời gian qua, có một số nơi đã tinh giản cơ học theo kiểu cán bộ nghỉ hưu và không tuyển dụng mới. Vì vậy, để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, cần rà soát và cơ chế phù hợp đối với đối tượng thuộc diện tinh giản.
Cùng với đó, có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ, làm cơ sở thực hiện tinh giản đúng đối tượng, đảm bảo tinh gọn cả bộ máy và nhân lực.