Siết chặt quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm
Càng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm tại các địa phương càng lớn. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng tăng cường thực hiện. Trong đó, các đơn vị tập trung tuyên truyền, xây dựng mô hình cung cấp thực phẩm an toàn; kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm.
Sản phẩm măng của Công ty CP Kim Bôi (Lạc Thủy) được sản xuất với quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018.
Nhằm giới thiệu, quảng bá và bán nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh, vừa qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh và Bưu điện tỉnh phối hợp tổ chức khai trương cửa hàng nông sản tiêu biểu - OCOP. Cửa hàng đặt tại Bưu cục Hòa Bình, Bưu điện TP Hòa Bình. Tại đây bày bán 39 sản phẩm nông nghiệp do nông dân, HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất; sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả hợp lý, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận VietGAP, hữu cơ, được công nhận là sản phẩm OCOP. Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Cửa hàng kết nối tiêu thụ nông sản an toàn được khai trương là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng tìm hiểu, sử dụng nông sản sạch, an toàn, chất lượng cao, đặc trưng vùng miền của nông dân trong và ngoài tỉnh. Nhất là các nông sản của tỉnh đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước cũng như xuất khẩu như: Bưởi đỏ Tân Lạc, măng Kim Bôi, chè Lạc Thủy...
Ngay từ đầu năm 2022, Sở NN&PTNT đã ban hành 67 văn bản liên quan đến công tác quản lý chất lượng ATTP NLTS trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền được tăng cường, nhất là phổ biến tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, thiệt hại cho nhà sản xuất, kinh doanh (SX-KD) thực phẩm khi sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu nông sản, thực phẩm sạch thông qua các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của các huyện, thành phố... nhằm bảo đảm tốt nguồn thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Để thực hiện tốt công tác quản lý vệ sinh ATTP, việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực SX-KD nông sản được quan tâm. Trong năm 2022, lực lượng chức năng đã thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, 2 cuộc kiểm tra chuyên ngành theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, 4 cuộc truy xuất nguồn gốc sản phẩm về ATTP trong SX-KD sản phẩm NLTS. Qua đó, thanh kiểm tra 247 cơ sở; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 7 cơ sở với tổng số tiền trên 45,6 triệu đồng. Các đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra, giám sát 73 cơ sở được cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; ban hành quyết định hủy bỏ 9 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của 9 cơ sở SX-KD nông sản.
Hoạt động lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP NLTS được thực hiện thường xuyên. Năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức lấy 281 mẫu NLTS để kiểm định chất lượng, ATTP phục vụ công tác thanh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Kết quả, 274/281 mẫu đảm bảo chất lượng ATTP (đạt 97,51%); 7 mẫu vi phạm chỉ tiêu ATTP (chiếm 2,49%). Ngoài ra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động SX-KD dịch vụ, ăn uống với 19 cơ sở, 19/19 cơ sở đều chấp hành tốt.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Thời điểm gần Tết, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tăng cao, việc SX-KD, vận chuyển hàng hóa tăng lên. Vì thế tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP đối với thực phẩm, nông sản trên thị trường. Yêu cầu đặt ra là cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng để hạn chế tối đa thực phẩm, nông sản mất vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, Chi cục tích cực tham mưu Sở NN&PTNT trong công tác chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các huyện, thành phố; yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan phối kết hợp chặt chẽ trong thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo... nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng NLTS, hạn chế tối đa vi phạm, nhất là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng trong thời gian đón Tết cổ truyền.