Sinh nhật đầu đời của con, nhưng mời mẹ chồng đến hay không lại khiến tôi trăn trở đến phát khóc

Khi đứa trẻ chuẩn bị bước sang tuổi đầu tiên, ai cũng mong muốn tổ chức một bữa tiệc thật ấm cúng, đầy yêu thương. Thế nhưng với người phụ nữ này, chỉ riêng chuyện có nên mời mẹ chồng hay không cũng đủ khiến cô rơi vào khủng hoảng.

Mối quan hệ không bắt đầu bằng tình thương

Trong bài viết được chia sẻ ẩn danh trên diễn đàn Reddit, người phụ nữ kể rằng ngay từ lần đầu gặp gỡ, bố mẹ chồng đã không có thiện cảm với cô. Họ không chỉ tỏ ra lạnh nhạt mà còn gây áp lực đến mức khiến mối quan hệ của cô và chồng từng đứng trước bờ vực tan vỡ.

“Thời kỳ đính hôn, chuẩn bị cưới, lẽ ra là khoảng thời gian hạnh phúc nhất nhưng lại trở thành cơn ác mộng. Chồng tôi từng bảo sau khi kết hôn sẽ khác. Nhưng rồi chẳng có gì thay đổi", cô chia sẻ.

Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi cô mang thai ở tháng thứ 7. Một lần vì không muốn mẹ chồng liên tục cãi vã với chồng, cô đã nhẹ nhàng đề nghị bà kiềm chế hơn. Kết quả là một cuộc gọi kéo dài 20 phút với tiếng la hét và những lời lẽ tổn thương.

“Chỉ 5 ngày sau cuộc gọi đó, tôi phải nhập viện vì ra máu do quá căng thẳng. Mẹ chồng còn bảo tôi nên rời khỏi gia đình này. Vậy mà khi con chào đời, tôi vẫn để bà được gặp cháu", cô tiếp lời.

Dù vậy, cô quyết định cắt đứt liên lạc hoàn toàn từ sau đó. Đã gần 10 tháng trôi qua, không ai gặp ai. Cô cảm thấy ổn hơn, thậm chí bắt đầu cảm nhận được niềm vui sống sau nhiều lần rơi vào trầm cảm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dẫu vậy, ngày sinh nhật đầu tiên của con đang đến gần, người phụ nữ rơi vào thế khó. Cô muốn giữ vững giới hạn, không mời bố mẹ chồng đến, nhưng thấy chồng buồn rõ rệt.

“Tôi biết điều này khiến anh ấy tổn thương. Nhưng tôi thật sự không còn đủ sức để tiếp tục chịu đựng. Tôi đã phải vật lộn để chữa lành bản thân, và giờ tôi cảm thấy ổn. Tôi sợ mời họ đến sẽ phá vỡ tất cả", người phụ nữ lo lắng.

Giữa tình cảm gia đình và giới hạn bản thân, cô không biết đâu mới là lựa chọn đúng. Liệu có ích kỷ khi ngăn cản bà nội đến mừng sinh nhật cháu? Hay là dũng cảm khi chọn bảo vệ sự an yên của chính mình và con nhỏ?

Cộng đồng mạng: “Đừng hy sinh niềm vui của mình vì những người luôn làm bạn tổn thương”

Bài viết đã nhận được sự đồng cảm mạnh mẽ từ cộng đồng. Hầu hết người dùng Reddit khuyên cô không nên phá vỡ quyết định "no-contact", nhất là khi sức khỏe tinh thần đã tạm ổn.

Một người chia sẻ: “Tôi từng mời mẹ chồng đến mọi dịp lễ, sinh nhật – chỉ để rồi lần nào cũng rơi vào kịch bản cũ: tôi chuẩn bị mọi thứ, lo toan từ đầu đến cuối, và chẳng thể tận hưởng được gì vì bà luôn tìm cách gây căng thẳng. Sau này, tôi quyết định không mời nữa. Thà ít người nhưng vui còn hơn đông mà đau đầu.”

Một lời khuyên khác đưa ra phương án trung lập: “Nếu chồng bạn thật sự muốn bố mẹ mình có chút kỷ niệm, có thể sắp xếp một buổi gặp riêng ở công viên hoặc quán café, nơi có thể rút lui bất cứ lúc nào và có người ngoài làm “trọng tài”. Đừng biến sinh nhật con thành một ngày đầy nước mắt và áp lực.”

Có lẽ, trong hành trình làm mẹ, người phụ nữ ấy đang học một điều khó khăn nhưng cần thiết: yêu thương bản thân không phải là ích kỷ. Bảo vệ con khỏi những cảm xúc tiêu cực, chọn bình yên thay vì "đủ đầy giả tạo" cũng là một dạng của sự tử tế.

Sinh nhật đầu tiên của con, thay vì mời người từng khiến mình phải nhập viện vì stress, có lẽ cô cần chọn ở bên những người khiến mình mỉm cười, và dạy con điều đầu tiên về tình yêu: yêu là không gây tổn thương.

NB (Theo People)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/sinh-nhat-dau-doi-cua-con-nhung-moi-me-chong-den-hay-khong-lai-khien-toi-tran-tro-den-phat-khoc-19541.html