Số vụ phá sản trong nửa đầu năm tại Nhật Bản chạm mức cao nhất 11 năm
Đáng chú ý, có tới 172 công ty viện dẫn các vấn đề về lao động là nguyên nhân dẫn đến phá sản, chẳng hạn như khó khăn trong tuyển dụng và tình trạng nhân viên nghỉ việc.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Tochigi, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research được công bố ngày 8/7 cho thấy, số vụ phá sản doanh nghiệp tại Nhật Bản trong nửa đầu năm 2025 đã lên tới 4.990 vụ, mức cao nhất trong 11 năm.
Đáng chú ý, số công ty phá sản do bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động đã ghi nhận sự gia tăng rõ rệt.
Tổng cộng có 172 công ty viện dẫn các vấn đề về lao động là nguyên nhân dẫn đến phá sản, chẳng hạn như khó khăn trong tuyển dụng và tình trạng nhân viên nghỉ việc. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn sáu tháng, tăng so với con số 146 vụ của cùng kỳ năm ngoái.
Theo công ty Tokyo Shoko Research, số vụ phá sản liên quan đến các khoản nợ từ 10 triệu yen (tương đương 68.000 USD) trở lên đã tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu năm tăng thứ tư liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, tổng các khoản nợ phải trả đã giảm 4,3%, xuống còn 690,2 tỷ yen.
Số đơn xin phá sản đang có xu hướng gia tăng do tình trạng thiếu lao động, giá nguyên vật liệu và lãi suất tăng cao đã tác động mạnh đến các công ty vừa và nhỏ.
Các công ty có dưới 10 nhân viên chiếm tới 89,8% tổng số vụ phá sản. Các doanh nghiệp này đang đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng do cuộc khủng hoảng lao động tiếp tục gây áp lực tăng lương.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc chấm dứt các ưu đãi thuế đặc biệt được áp dụng từ thời đại dịch COVID-19 cũng đã gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ./.