Sóc Trăng tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển văn hóa lễ hội sông nước

Ngày 29.5, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Giải pháp phát triển sản phẩm văn hóa lễ hội sông nước Sóc Trăng, giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn 2035'.

Vùng đất giàu bản sắc văn hóa

Sóc Trăng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của 3 dân tộc anh em: Kinh - Khmer - Hoa. Đây là một trong những tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt và văn hóa đa dạng, có tiềm năng lớn để phát triển các lễ hội sông nước. Lợi thế đó đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là tỉnh cần phải có sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc riêng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ khách du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương và nâng cao doanh thu du lịch của tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức, quản lý, khai thác lễ hội văn hóa sông nước để phát triển du lịch tại các địa phương; đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspero và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội của chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng).

Ghe Cà Hâu trên sông Maspero - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ghe Cà Hâu trên sông Maspero - Ảnh: Lương Xuân Cao

TS Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng nói: “Văn hóa lễ hội sông nước là sản phẩm khá mới đối với Sóc Trăng và đa số các tỉnh vùng ĐBSCL, do đó cần nghiên cứu và học tập kinh nghiệm, gần đây nhất là của TP.HCM. Cần đánh giá đúng thế mạnh và nguồn lực của Sóc Trăng để triển khai dự án. Nếu tổ chức tốt, việc cho ra đời sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspero sẽ là bước tiến mới của du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong điều kiện các tỉnh cũng đang tìm lối ra cho ngành du lịch”.

TS Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Lương Xuân Cao

TS Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Lương Xuân Cao

TS Trịnh Công Lý nhận định, ĐBSCL có vị trí địa lý và hệ thống kênh rạch chằng chịt, rất thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội gắn liền với sông nước. Toàn vùng ĐBSCL có hơn 1.230 lễ hội nhưng rất ít lễ hội gắn với sông nước. Một vài tỉnh cũng có lễ hội gắn với sông nước nhưng chưa nhiều như: Lễ hội Sông nước miệt vườn của Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang...

Nhiều chợ nổi ở ĐBSCL đang vắng khách - Ảnh: Lương Xuân Cao

Nhiều chợ nổi ở ĐBSCL đang vắng khách - Ảnh: Lương Xuân Cao

Mặt khác, loại hình du lịch văn hóa lễ hội gắn với sông nước chưa được phát huy đúng mức. Hơn 10 năm trước, loại hình du lịch chợ nổi thu hút đông du khách quốc tế và trong nước, sôi nổi nhất ở Vĩnh Long, Tiền Giang, TP.Cần Thơ... Tất cả còn thuần túy ở giới thiệu các sản phẩm trái cây, các loại bánh miệt vườn, cù lao cùng một số loại hình ẩm thực, văn nghệ, thể thao truyền thống. Đến nay, do nhiều nguyên nhân, chợ nổi gần như kết thúc vai trò thu hút du khách. Trong bối cảnh trên, việc tổ chức nghiên cứu đề tài này là một hướng đi để tìm ra sản phẩm du lịch mới về văn hóa lễ hội gắn với sông nước Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

Một điểm đến văn hóa tâm linh ở Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Một điểm đến văn hóa tâm linh ở Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội của Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), Sở VH-TT-DL Sóc Trăng đã nhấn mạnh chợ nổi này là nơi có cảnh quan sông nước hữu tình, mang đậm nét văn hóa giao thương trên miền sông nước xưa của người Nam Bộ nên thu hút du khách. Chợ nổi Ngã Năm là một sản phẩm du lịch tiêu biểu của thị xã Ngã Năm, mang nét đẹp văn hóa miền sông nước, hội tụ đủ điều kiện giá trị tiềm năng để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội nên cần đầu tư, định hướng phát triển trong thời gian tới.

Sóc Trăng là tỉnh có nhiều chùa Khmer cổ kính - Ảnh: Lương Xuân Cao

Sóc Trăng là tỉnh có nhiều chùa Khmer cổ kính - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Ngã Năm được quy hoạch là trung tâm của vùng nội địa phía tây nam tỉnh Sóc Trăng, là đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước, chợ nổi truyền thống. Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai đề án tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm là 1 trong 10 sản phẩm du lịch chủ lực được tỉnh tập trung thực hiện.

Hướng phát triển du lịch sông nước

ThS Lê Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Sóc Trăng, cho rằng Sóc Trăng đã hình thành các lễ hội truyền thống như Festival Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, Lễ hội Nghinh Ông (Trần Đề), Lễ hội cúng Phước Biển (Vĩnh Châu). Các lễ hội này thường được kết hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống của 3 dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa) cùng các trò chơi dân gian sông nước.

Lễ hội đua ghe Ngo hằng năm thu hút hàng trăm ngàn du khách - Ảnh: Văn Kim Khanh

Lễ hội đua ghe Ngo hằng năm thu hút hàng trăm ngàn du khách - Ảnh: Văn Kim Khanh

Đặc biệt, trong số các lễ hội trên địa bàn tỉnh là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer. Lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Năm 2005, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo được Tổ chức Guinness trao quyết định và bằng công nhận Sóc Trăng là tỉnh có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam. Bộ VH-TT-DL cũng công nhận lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể và tổ chức thành festival truyền thống tại ĐBSCL.

Tại hội thảo, TS Hà Kiên Tân đưa ra ý tưởng về sản phẩm du lịch “Đêm di sản văn hóa trên dòng sông Maspero” có thể được xem là cách tiếp cận mới theo hướng phát triển du lịch bền vững tập trung vào các di sản văn hóa. Đây còn là nơi tập trung các lễ hội của 3 cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa; là trung tâm của các hoạt động nghệ thuật ca, múa nhạc truyền thống của 3 dân tộc, trong đó, nghệ thuật sân khấu Rô băm (của cộng đồng Khmer) và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (của người Kinh) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chùa La Hán ở Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Chùa La Hán ở Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ngoài ra, nơi đây còn là một trung tâm văn hóa ẩm thực của tỉnh. Khu vực này có mật độ nhà hàng, quán xá đông đúc, nơi hội tụ hầu hết các đặc sản của tỉnh như: bánh pía, lạp xưởng, bánh phồng tôm, mè láo, các loại bánh dân gian truyền thống, các loại khô cá và ẩm thực đặc sản như bún nước lèo…

Theo Giám đốc Sở VH-TT-DL Sóc Trăng Trần Minh Lý: “Chúng tôi mong rằng hội thảo sẽ đề xuất hướng đi mới cho ngành du lịch Sóc Trăng cùng những sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; xây dựng sản phẩm lễ hội văn hóa sông nước. Từ đó mở ra hướng đi mới khai thác tiềm năng văn hóa đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng".

Cũng theo ông Lý, trên sông Maspero có thể xây dựng sản phẩm "lễ hội Sông Trăng" hàng năm. Những lễ hội trong năm có chủ đề riêng để giới thiệu về tiềm năng, sản phẩm du lịch và các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa...

Mỗi lễ hội là sự tích hợp các tiềm năng, sản phẩm và dịch vụ du lịch nhất định, vừa có tính truyền thông hình ảnh Sóc Trăng, vừa kích cầu du lịch, mang nét độc đáo cho du lịch tỉnh nhà.

VKK - Lương Xuân Cao

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/soc-trang-to-chuc-hoi-thao-ban-giai-phap-phat-trien-van-hoa-le-hoi-song-nuoc-217784.html