Sớm gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông Bình Thuận
Nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục được cân đối nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, phục vụ phát triển kinh tế.
Cân đối vốn nâng cấp quốc lộ, rốt ráo gỡ điểm nghẽn mặt bằng
Chiều nay (26/7), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Bình Thuận về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp thẩm quyền địa phương, 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế của tỉnh Bình Thuận tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở cả ba trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.
Đặc biệt quan tâm đến kiến nghị của địa phương về việc nâng cấp hai tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, Bộ trưởng cho biết, đối với các dự án nâng cấp, mở rộng QL55 từ Km 52+640 - Km 97+692; QL28 đoạn từ nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến quốc lộ 1, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ GTVT đã thấy việc nâng cấp, mở rộng là cần thiết, đã có văn bản gửi các bộ chuyên ngành trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào danh mục dự án trung hạn 2021-2025.
“
Với vai trò là Trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các bộ liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền, hỗ trợ địa phương giải quyết một số kiến nghị của địa phương như: Xử lý tro xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân; Quy định về chi phí lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án có cấu phần xây dựng; Cho phép bàn giao mặt bằng tại mỏ titan - zicon Nam Suối Nhum để thi công tuyến đường ĐT.719B; Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường…
”
Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn ưu tiên các công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia nên chưa thể bố trí nguồn vốn triển khai nâng cấp các tuyến quốc lộ trên.
“Bộ GTVT sẽ tiếp tục, nghiên cứu, phối hợp báo cáo Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng theo đề xuất đáp ứng nhu cầu đi lại trên tuyến”, Bộ trưởng khẳng định.
Đối với tuyến ven biển phía Nam kết nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến ven biển phía Bắc kết nối với Ninh Thuận và tuyến đường ĐT.711 kết nối cao tốc với đường ven biển, theo quy định thuộc thẩm quyền địa phương quản lý và đầu tư.
“Tỉnh Bình Thuận cần chủ động rà soát cân đối từ nguồn lực của địa phương. Trường hợp khó khăn, tỉnh báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ”, bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông, đặc biệt là công tác GPMB của các dự án đường bộ, đường sắt, đảm bảo tiến độ dự án.
Trước đó, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, sau khi đưa vào khai thác tuyến chính, hiện tại, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn phát sinh hệ thống đường gom, thoát nước. Khó khăn nhất là công tác GPMB ở địa phương vẫn chưa hoàn thiện.
“Nếu việc này hoàn thành trong tháng 8/2023, Ban QLDA sẽ chỉ đạo nhà thầu hoàn thành các hạng mục trong một tháng. Trường hợp đến ngày 30/9/2023, mặt bằng phục vụ thi công chưa được giải quyết xong, chủ đầu tư sẽ bàn giao cho địa phương thực hiện tiếp”, ông Minh nói.
Mặt bằng cũng đang là điểm nghẽn của dự án đường sắt qua tỉnh Bình Thuận. Ông Trần Thiện Cảnh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt VN cho biết, dự án cải tạo nâng cấp các đoạn thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn đã triển khai 4 năm nhưng việc cải tạo đường sắt khu vực ga Sông Lũy, xóa nút thắt cổ chai trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện vẫn vướng mặt bằng ba hộ dân.
Với các hộ dân này, UBND huyện Bắc Bình có kế hoạch cưỡng chế nhưng hiện nay vẫn chưa xong, trong khi đó, dự án phải đáp ứng tiến độ hoàn thành vào cuối năm nay.
Nêu khó khăn của dự án hàng hải tại địa phương, theo ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải VN, năm 2018, luồng hàng hải Phan Thiết được nạo vét với độ sâu chuẩn tắc -4m. Đến nay, luồng bị bồi lắng với độ sâu chỉ còn -1,6m đến -3m.
Việc duy tu, nạo vét luồng đặt ra cấp thiết nhưng chưa thể triển khai do đến nay, vị trí đổ thải vẫn chưa thỏa thuận được với địa phương.
Phản hồi vấn đề trên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, phục vụ duy tu luồng Phan Thiết, địa phương đã thống nhất vị trí đổ thải tại bãi tạm dự án Trường Phúc Hải.
Tuy nhiên, do một số vướng mắc phát sinh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị cảng vụ hàng hải Bình Thuận phối hợp với cơ quan chức năng TP Phan Thiết tìm vị trí khả thi hơn.
“Trường hợp không thể tìm vị trí thay thế, cơ quan chức năng tỉnh sẽ phối hợp nghiên cứu hồ sơ thủ tục để sử dụng bãi tạm dự án Trường Phúc Hải phục vụ thi công nạo vét tuyến luồng”, vị này nói.
Về vướng mắc mặt bằng dự án đường sắt, theo ông Nguyễn Quốc Nam, giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, sau khi có quyết định cưỡng chễ, đến nay, có 2/3 hộ dân còn vướng đã tự nguyện tháo dỡ công trình. Một hộ dân còn lại đang được tiếp tục vận động bàn giao mặt bằng cho dự án.
Nâng hiệu quả kết nối cao tốc mới
Trước đó, thông tin tại buổi làm việc, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Thuận đã tập trung nguồn lực đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm của tỉnh như: Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh, cảng hàng không Phan Thiết.
Nhằm tiếp tục khơi thông điểm nghẽn hạ tầng, phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ GTVT tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu khẩn trương thi công, hoàn thành các công trình cầu vượt, đường gom dân sinh, trạm dừng nghỉ, hàng rào bảo vệ phục vụ tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
“Bộ GTVT cũng cần quan tâm, xem xét sớm đầu tư xây dựng cầu vượt trên tuyến quốc lộ 1 qua vị trí nút giao giữa đường dẫn vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và quốc lộ 1 (tại Km 1717+593).
Đồng thời, xây dựng tuyến nhánh rẽ phải theo hướng Dầu Giây - Phan Thiết trước khi đến nút giao Ba Bàu để đảm bảo dòng phương tiện ra khỏi cao tốc không xung đột với dòng phương tiện lên cao tốc về TP.HCM”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị.
Liên quan đến đề xuất của địa phương, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long Đinh Công Minh cho biết, giải quyết xung đột đoạn đường nối từ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ra QL1 (nhánh N1), Ban QLDA đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu lắp đặt đèn tín hiệu phân lưu, giảm xung đột. Dự kiến, hạng mục này được đưa vào sử dụng sau hai tuần nữa.
“Về việc đầu tư cầu vượt nút giao quốc lộ 1, đơn vị QLDA cũng đang chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, đầu tháng 8/2023 sẽ báo cáo Bộ GTVT chủ trương đầu tư”, ông Minh thông tin.