Sớm hoàn thiện Đề án Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương
Sáng 11-4, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo Đề án Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu phát biểu tại cuộc họp.
Sau khi nghe lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo, ý kiến của các cơ quan, đơn vị dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu đề nghị các sở, ngành liên quan cần cố gắng để hoàn thành mục tiêu cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương. Sự ra đời của trung tâm phù hợp chủ trương, cũng như cơ sở thực tiễn, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong việc thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đến thời điểm này, Đề án Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, Sở Khoa học và Công nghệ cần bổ sung một số căn cứ pháp lý; địa điểm trụ sở và diện tích của trung tâm; đưa thêm một số chức năng, nhiệm vụ vào đề án một cách rõ ràng, cụ thể, nhất là những lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của tỉnh Khánh Hòa.… Phấn đấu trong thời gian ngắn nhất hoàn thiện đề án để UBND tỉnh xem xét, trình Bộ Nội vụ thẩm định.
Đề án Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương xuất phát từ yêu cầu triển khai Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung tâm được định hướng thành lập dưới mô hình tổ chức khoa học và công nghệ công lập thông thường. Đây là mô hình áp dụng cơ chế tài chính linh hoạt, đồng thời huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phục vụ cho hoạt động và đầu tư của trung tâm, tương tự như mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) quản lý. Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương là cần thiết, nhằm tập trung phát triển các hướng nghiên cứu mới về công nghệ đại dương tại Việt Nam; thúc đẩy định hướng thương mại hóa, đổi mới sáng tạo; thử nghiệm các cơ chế đầu tư mới cho nghiên cứu; hình thành một hệ sinh thái công nghệ đại dương gắn với phát triển kinh tế biển…