Sống lại plung
Gắn mình trên mặt hồ rộng lớn bậc nhất Tây Nguyên, plung - những thuyền độc mộc chứa cả văn hóa và nếp sống xứ sở, mang chở cả những kiếp người đi về mưu sinh, sống thác bao đời. Cùng với sự biến đổi của thời cuộc, tưởng như sẽ mai một theo thời gian, nhưng giờ đây plung đã được xướng danh, trở lại hoạt động phục vụ lễ hội.

Du lịch thuyền độc mộc trên hồ Lắk (ảnh: Trần Thị Mùi)
“Linh hồn” hồ Lắk
Dường như Tây Nguyên với cộng đồng cư dân bản địa có một ức niệm với dòng sông, con suối gắn chặt với thuyền độc mộc. Trên các con sông ở Trường Sơn Tây Nguyên, thuyền độc mộc hay còn gọi là plung không chỉ là loại phương tiện di chuyển, mà còn là kế mưu sinh, là văn hóa tộc người, là sự gửi gắm vào đất vào trời những nỗi niềm mênh mông nhất. Khắp Pô Kô, Sê San, Krông Ana, Sê Rê Pốk... chằng chịt vết thời gian với những con thuyền độc mộc và những bon, buôn, plei sinh sống bên dòng nước mẹ.
Với người Tây Nguyên, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là linh hồn của cuộc sống, là sợi dây bền chặt kết nối con người với thiên nhiên. Ở nơi nào còn thấp thoáng bóng dáng plung, nơi đó vẫn giữ được vẻ bình yên nguyên sơ, nơi con người và rừng núi cùng chung sống hài hòa. Và hồ Lắk, một trong những hồ nước tự nhiên lớn của miền bazan, nơi dòng sông Krông Nô và Krông Ana hội tụ cũng có những buôn làng M’Nông, Ê Đê ríu ran với thuyền độc mộc.

Thuyền độc mộc là một loại thuyền truyền thống có lịch sử từ lâu đời ở hồ Lắk
Bên hồ Lắk, tại những buôn M’Liêng, buôn Jun, buôn Triết, buôn Trấp..., thuyền độc mộc từng rất phổ biến. Ngày qua ngày, người M’Nông hay Ê Đê sống bên hồ vẫn băng qua hồ trên những chiếc plung, vượt hồ nước để đến rẫy bên kia núi. Họ mang theo những câu chuyện từ buôn làng, những tiếng cười rộn rã, để lại sau lưng âm vang của mái chèo khua nước như một bản nhạc không lời của núi rừng. Khi ánh chiều buông xuống, mặt hồ khoác lên mình tấm áo lụa đỏ rực, những chiếc thuyền độc mộc nằm nghiêng nghiêng bên bờ như những người bạn tri kỷ của đất trời, lặng lẽ dõi theo dòng chảy thời gian.
Thuyền độc mộc là sản phẩm thủ công độc đáo của người dân ở huyện Lắk. Từ những thân cây gỗ sao to lớn, được cẩn thận đẽo gọt từng chút một để tạo nên những chiếc thuyền vững chãi, đủ sức chống chọi với những con nước thấp cao. Người thợ dùng các loại rìu, đục và kết hợp giữa đục đẽo với đốt lửa để khoét lòng thuyền, mũi thuyền rất tỉ mỉ, tinh tường và biết tính toán bảo đảm con thuyền phải cân đối. Có khi các công đoạn phải mất cả tháng trời mới hoàn thành. Không chỉ đơn thuần là phương tiện, mỗi con thuyền còn là một tác phẩm nghệ thuật, mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân của người làm thuyền M’Nông và Ê Đê, của những tháng ngày miệt mài bên thân gỗ, của tình yêu dành cho hồ nước và những chuyến đi xa, đi gần.

Lễ cúng bến thuyền độc mộc hồ Lắk đã có từ lâu đời
Theo ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk, ngoài tri thức dân gian được tích lũy về chọn lựa gỗ, quy trình chế tác, cách thức sử dụng, người M’Nông huyện Lắk còn những nghi lễ, phong tục tập quán thể hiện cách ứng xử giữa con người với tự nhiên, rừng và sông nước.
Y Sớ Ênuôl ở buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) mấy chục năm qua vẫn “chòng chành” với độc mộc bộc bạch, để làm một plung đẹp đòi hỏi cả một quá trình chuẩn bị và thực hiện tỉ mỉ, công phu. Trước khi chặt cây, phải cúng Yang, xin phép thần rừng. Sau khi thủ tục cúng tế xong mọi người sẽ tổ chức chặt cây. Với mong muốn có sự may mắn, an toàn cho gia chủ và chiếc thuyền, nên trước khi hạ thủy thường tổ chức cúng thủy thần hay còn gọi là lễ cúng hạ thủy thuyền. Thuyền có hình dáng thon dài, với đầu và đuôi hơi nhọn, giúp dễ dàng lướt trên mặt nước. Dù thiết kế có vẻ đơn giản, nhưng để tạo ra một chiếc thuyền cân bằng, vững chắc trên nước lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ năng cao.

Thuyền độc mộc trên hồ Lắk (ảnh: Trần Công)
Già làng Y Thanh (buôn Jun) chia sẻ, plung không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là biểu tượng văn hóa quan trọng, xuất hiện trong các nghi lễ truyền thống như lễ cúng thần sông, lễ hội đua thuyền và là minh chứng cho mối quan hệ gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Nơi đồng bào neo đậu plung cũng được tâm niệm là nơi linh thiêng, có thần nước, thần núi coi giữ để buôn làng đi thuyền được bình an, thuận buồm xuôi gió. Chính vì thế, lễ cúng bến thuyền độc mộc đã trở thành một phong tục tập quán độc đáo của người M’Nông. Và lễ cúng bến thuyền độc mộc hồ Lắk là nét đẹp văn hóa truyền thống, được người dân M’Nông nơi đây đặc biệt coi trọng.
Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho hay, việc cúng bến thuyền độc mộc hồ Lắk sẽ được giữ gìn và phát huy, sẽ như bảo tàng sống để giữ nguyên giá trị văn hóa bản sắc của đồng bào, qua đó góp phần tạo sự đoàn kết gắn bó giữa mọi người trong buôn làng.

Hiện nay, thuyền độc mộc cũng đã trở thành phương tiện du lịch rất được yêu thích
Mùa vui cùng con nước
Mùa này, hồ Lắk lộng gió trong sáng sớm se lạnh, những đám mây trắng lửng lơ ôm lấy dãy Chư Yăng Sin xanh ngắt. Dưới bến, những chiếc thuyền độc mộc buông neo chờ mặt trời lên đưa từng người lao động qua phần đất bên kia hồ Lắk chăm sóc các loại cây trồng lúa, cà phê, bắp… tốt tươi, lần lượt cho hoa lợi quanh năm. Thi thoảng vẫn có những lão nông người M’Nông lướt nhẹ chiếc thuyền độc mộc trên sóng nước. Hình ảnh đó như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên thủy mặc kỳ vĩ quanh hồ.
Những chiếc thuyền độc mộc tưởng chừng đã kết thúc sứ mệnh lịch sử mấy trăm năm của mình khi nhiều loại phương tiện thủy như ca nô, xuồng máy cao tốc dần chiếm hữu mặt hồ. Và cũng từng có thời gian, nhiều con thuyền “buồn thỉu buồn thiu” nằm cắm sào ven mặt hồ, để mặc gió mưa và sự quên lãng. Nhiều người đã bán thuyền, lên bờ làm nương rẫy. Những plung còn lại bên hồ đều là những chứng nhân của quá khứ, di sản của vài thập niên, có khi cả trăm năm trước để lại. Nhiều chiếc giờ đây đã được gia cố bằng vật liệu hiện đại để tiếp tục chống chọi với thời gian.

Voi tắm mát và thuyền độc mộc là hình ảnh đặc trưng trên hồ Lắk
Nhưng, là một phần không thể thiếu trong huyết mạch M’Nông, Ê Đê, những con thuyền độc mộc cũ kỹ giờ đây lại ngày ngày lướt trên mặt hồ giúp đồng bào mưu sinh. Với những người M’Nông, Ê Đê bên hồ Lắk, con thuyền độc mộc là tài sản quý giá nhất được cha ông để lại. Họ rất đỗi tự hào khi có tuổi thơ gắn liền với đời sông nước và con thuyền độc mộc. Trên chiếc thuyền độc mộc, tuổi thơ bao lớp người được vẫy vùng, tung cánh dọc dài con nước với những đêm những ngày giăng lưới mơ về mùa xuân no ấm trên miền non cao. Con thuyền độc mộc là chứng nhân còn lại về một đời sống thuận theo đất trời, tôn trọng thiên nhiên. Khi mái chèo khua nhẹ, thuyền lướt đi êm ái trên mặt nước trong xanh. Tiếng mái chèo khẽ khuấy động mặt hồ tĩnh lặng, hòa cùng tiếng chim hót và gió nhẹ thổi qua, tạo nên một bản hòa ca của thiên nhiên. Cũng có khi rộn rã trong những ngày lễ hội, trong những cuộc đua thuyền.
Những năm trở lại đây, thuyền độc mộc hồ Lắk đã được đưa vào phục vụ du lịch, những chiếc thuyền có thể chở được 3-5 du khách. Chính quyền các cấp cũng tổ chức đua thuyền độc mộc định kỳ 2 năm 1 lần. Trong mùa lễ hội cà phê nổi tiếng, thuyền độc mộc lại được xướng danh trở thành một trong những hoạt động phục vụ lễ hội thu hút rất nhiều người quan tâm. Theo Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Lắk, trong ngày hội đua thuyền độc mộc truyền thống, người của những buôn làng xung quanh rộn ràng kéo nhau ra hồ Lắk reo hò. Hội đua thuyền độc mộc đã đánh dấu bước đổi mới trong công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời và tốt đẹp của các dân tộc tại địa phương, đưa các giá trị văn hóa trở lại đời sống cộng đồng phục vụ người dân và du khách.
Hướng đến Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 - năm 2025, huyện Lắk sẽ tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc nhằm giới thiệu văn hóa, con người và tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Nổi bật trong đó là Hội đua thuyền độc mộc, tôn vinh giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào Tây Nguyên.
Hiện nay, thuyền độc mộc đã trở thành phương tiện du lịch rất được yêu thích. Ông Y Poan, Buôn trưởng buôn M’Liêng bộc bạch, nhận thức được giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là vốn quý, những năm trở lại đây, Ban Tự quản buôn, già làng và người có uy tín trong buôn vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục duy trì, gìn giữ nét đẹp truyền thống để cho con cháu mai sau. Đặc biệt, dân làng cùng nhắc nhở nhau bảo tồn bản sắc dân tộc để làm du lịch cộng đồng.
Vậy là, những chiếc plung lại chòng chành chở người đi thả lưới bắt cá, chở khách du lịch đi tham quan hồ hay đưa chủ nhân băng qua hồ Lắk để xuống đồng vào rẫy trồng lúa trỉa bắp. Cứ vậy, thuyền độc mộc vẫn đều đặn mang lại thu nhập cho nhiều gia đình.
Người chèo thuyền Y Chông cười tươi khi con thuyền của mình lướt trên mặt hồ. Gần 40 năm, Y Chông đã duy trì nghề lưới đơm bằng thuyền độc mộc, không hẳn là kế sinh nhai, mà vì anh vẫn nặng lòng với con nước hồ Lắk ngày ngày phả gió, phả sương. Dẫu không còn phải tất tả ngược xuôi cùng chủ nhân chạy lo từng bữa cơm cho gia đình như ngày xưa, nhưng chiếc thuyền độc mộc và cây chèo vẫn như một người bạn đồng hành thân thiết với Y Chông mỗi ngày. Và dường như, những người chèo thuyền độc mộc trên hồ Lắk có một niềm vui không thể nói thành lời, là mỗi ngày được chống plung ra giữa hồ, được hít hà làn gió mát lành, được ngắm đàn voi lừng lững tung nước tắm mát đã là điều ý nghĩa.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/song-lai-plung-725632.html