Sự do dự đáng tiếc
Trong suốt mười năm qua, như mọi tuần, tôi dạo bước giữa dòng người đông đúc của phiên chợ sáng thứ Bảy.
Đó là một nghi thức thường nhật được rất nhiều người yêu thích, nơi mọi người đến không chỉ để lấp đầy giỏ hàng, mà còn để gặp gỡ, thường trò chuyện nhiều hơn là mua sắm. Thói quen giản dị đó đã trở thành nét đặc trưng của vùng đất này, được xem như cách hiệu quả nhất để hòa nhập và xây dựng kết nối cộng đồng.
Tôi đã chuyển đến vùng đất đẹp đẽ ở Auvergne này, nơi mà nhiều người vẫn gọi với cái tên “vùng đất đậm chất Pháp” (la France profonde), với một trái tim đầy hy vọng. Tôi tin chắc rằng mình sẽ nhanh chóng kết thân với rất nhiều bạn mới.
Vào tháng Ba năm 2012, sau một thời gian nằm viện khó khăn ở vùng Paris, tôi đặt chân đến đây gần như không quen biết một ai. Nhưng tôi tự nhủ rằng, mọi thứ chỉ là vấn đề thời gian. Khi đó, tôi chỉ ao ước duy nhất một điều: Rời xa Paris – thủ đô buồn bã đã không còn chút gì giống với thành phố mà tôi từng yêu mến thời thơ ấu.
Khác xa với những ký ức ngây thơ ngày xưa, tôi không còn thích mùi của tàu điện ngầm; cũng không còn thấy yên bình trong những công viên nhỏ rải rác khắp các con đường, thậm chí cả các công trình lịch sử giờ đây trở thành nơi chen lấn và chật chội. Không, tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi buộc phải rời khỏi Paris – thành phố từng là biểu tượng của ánh sáng - giờ đây chỉ còn lấp lánh trong ký ức của riêng tôi.
Vậy là tôi đã đặt hành lý xuống nơi này – một thành phố với mật độ dân số trung bình, không quá đông đúc. Những con đường lát đá cổ kính, những tòa nhà đá xưa cũ, tất cả đều cuốn hút tôi. Những ngôi nhà kiên cố với lịch sử làm tôi không ngừng tò mò.
Có ngôi nhà từng chứng kiến sự hiện diện của Thánh Dominic, Thánh Agnes of Langeac, hay Thánh John Francis Regis. Đây là một thành phố hành hương từ thời Trung Cổ, nơi hàng ngàn khách hành hương tụ hội mỗi năm để bắt đầu hành trình đến Santiago de Compostela. Tôi tin rằng mình sẽ cảm thấy yên ổn và thuộc về nơi này, không chút hoài nghi.
Những ngày cuối tuần, tôi thong thả bước qua những gian hàng đầy màu sắc của các tiểu thương. Trong không gian đậm chất lịch sử nhưng giản dị ấy, nhịp sống chậm rãi thật phù hợp với tâm trạng mệt mỏi của tôi. Tôi đi dọc theo các gian hàng với những tiếng rao hàng vang lên khắp nơi.
Tiểu thương lớn tiếng mời chào thu hút khách hàng, trong khi người mua mỉm cười, cân nhắc lựa chọn món hời nhất. Đến góc quảng trường trước Tòa thị chính, tôi tiếp tục hành trình. Đích đến của tôi là nhà thờ – nơi tôi hy vọng có thể tạm rời xa tiếng ồn và tìm lại sự bình yên.
Vừa bước qua cánh cửa lớn với bản lề khổng lồ, cùng những bức phù điêu chạm khắc trên từng cánh cửa, tôi liền bị choáng ngợp khi bóng tối bao trùm.
Tháng Hai này, cái lạnh thấm vào toàn bộ cơ thể, từ chiếc mũ len trên đầu, khăn quàng cổ và nhất là đôi chân. Hơi thở của tôi tạo thành từng làn sương mờ mỗi lần thở ra. Các cơ bắp cứng lại vì độ ẩm trong không khí, rất khó để thả lỏng.
Phải mất một lúc lâu tôi mới thích nghi được. Tôi nhận ra ngay rằng nhà thờ này không được sưởi ấm. Chi phí năng lượng khiến việc sưởi ấm gần như không được thực hiện. Nhiệt độ làm tôi cảm thấy bị siết chặt. Mùi ẩm mốc của đá bỏ hoang khiến không gian càng thêm ngột ngạt, khó chịu.
Tôi xoa xoa đôi tay rồi thổi hơi ấm lên. Tôi ngồi xuống một hàng ghế ở cuối nhà thờ, gần cửa ra vào. Trước khi bước lên dọc theo gian chính để đến bàn thờ, tôi muốn có thời gian. Thời gian để nhận ra rằng ở đây, không còn là nơi họp chợ ồn ào ngoài kia, mà là nhà thờ – nơi chỉ có sự yên lặng. Tôi tắt điện thoại, không muốn làm phiền ai. Thành thật mà nói, chỉ có hai, ba người đang đi lại trong nhà thờ, khám phá những nhà nguyện nhỏ được dành riêng cho các vị thánh.
Ánh sáng trong nhà thờ không nhiều, ba chiếc đèn chùm treo giữa không gian không sáng hơn mấy so với vài ngọn nến sắp tắt. Giống như tôi vậy.
Trên chiếc ghế của mình, tôi ngồi đó. Bất động. Tôi cố gắng cầu nguyện. Nhưng vô ích. Cái lạnh khiến mọi việc trở nên khó khăn. Sau đó, khi sự yên tĩnh dần tràn ngập trong tôi, tôi nhận ra có một người phụ nữ đang ngồi cách đó năm hàng ghế phía trước. Mái tóc dài nâu sẫm của cô ấy buông xõa dọc theo tấm lưng cong khiến tôi ấn tượng. Chiếc kẹp tóc lớn cố định một phần tóc phía sau đầu làm tôi nhận ra cô ấy còn trẻ, có lẽ không quá ba mươi tuổi.
Bên cạnh cô, trên chiếc ghế trống, là một chiếc túi vải đầy ắp. Chắc hẳn là những món đồ cô đã mua ở chợ, có lẽ cô cũng vừa đi qua nơi đó trước khi đến đây. Thân hình cúi nhẹ về phía trước dường như không màng đến cái lạnh. Cô ngồi im, không hề cử động dù chỉ một chút.
Tựa như một bức tượng trong tư thế cầu nguyện, cô mặc áo khoác xanh nhạt và quàng khăn màu đỏ mâm xôi. Từ vị trí ngồi, tôi không thấy gì ngoài dáng hình tĩnh lặng ấy, từ phía sau, như một bức tượng không hề dao động. Không một cử động. Không gì cả. Không một chuyển động nhỏ nhất.
Tôi ngưỡng mộ sự tập trung của cô ấy, nhưng đồng thời, tôi cũng tò mò. Cô gái này là ai? Tại sao cô ấy lại ở đây? Liệu cô ấy đã dự định từ trước hay chỉ ngẫu nhiên bước vào? Cô ấy đang nói gì với Chúa? Cô ấy mong muốn điều gì? Cô ấy có thực sự là tin vào Chúa? Những nỗi lo, hy vọng, hay mong cầu nào đang chất chứa trong lòng cô? Điều gì đã khiến cuộc sống cô tan vỡ? Gia đình có mang lại niềm vui cho cô ấy không, hay ngược lại, đó lại là một nguồn cơn đau khổ?
Một dáng người nghiêng về phía trước, bất động trước mọi thứ xung quanh, chắc phải đang mang trong mình biết bao nỗi niềm chất chứa! Đó không phải điều hiển nhiên sao? Khuôn mặt cô ấy trông như thế nào? Liệu có còn nét tươi trẻ, mịn màng của thanh xuân, hay đã mang những dấu vết của đau thương? Cô có những hình xăm kỳ lạ hay những đôi khuyên tai nổi bật? Cô ấy có quan tâm đến vẻ ngoài của mình không, hay cô chọn bỏ qua tất cả để tập trung vào điều quan trọng hơn?
Những câu hỏi không lời đáp cứ luẩn quẩn trong đầu khi tôi cố gắng thì thầm vài lời cầu nguyện trong lòng. Cái lạnh vẫn luôn quấy rầy sự tập trung của tôi. Tôi run lên vì rét. Tuy vậy, tôi vẫn chậm rãi đọc những lời cầu nguyện quen thuộc. Không có gì là lỗi thời khi nói đến đức tin hay tình yêu. Tôi tự nhủ như vậy, nhớ lại một câu nói mà tôi đọc được gần đây: “Tình yêu luôn được nói ra mà không bao giờ lặp lại”. Tôi thực sự tin câu nói ấy.
Tôi vụng về đọc những lời cầu nguyện thuộc lòng, vì không thể chìm đắm trong sự cầu nguyện sâu sắc. Cái lạnh khiến tôi chỉ dừng lại trên bề mặt, như một chú cá mắc kẹt ngay dưới lớp băng.
Cô gái trẻ đó, ở phía trước, vẫn không cử động. Cô ấy dần chiếm trọn không gian trong tâm trí tôi. Cuối cùng, tôi cầu nguyện cho cô ấy, dù không biết cô ấy là ai, chưa từng nhìn thấy khuôn mặt. Cô ấy không thể biết rằng sự hiện diện của mình đã gợi lên bao nhiêu câu hỏi trong tôi. Cô ấy là ai? Cô ấy có yêu cuộc sống không? Cô ấy đã ở đó bao lâu rồi? Liệu cô ấy có đang ngủ quên? Cô ấy bao nhiêu tuổi? Để chấm dứt dòng suy nghĩ đang áp đảo trong đầu, tôi cúi xuống, giống như cô ấy, cố gắng cầu nguyện sâu hơn.
Thoát khỏi khung cảnh xung quanh, mùa Đông giá buốt và những âm thanh hỗn loạn trong tâm trí. “Thôi nào, hãy tập trung, Chúa đang ở đây, còn mình thì lại lải nhải như một con chim nhiều chuyện!”. Tôi nở nụ cười tự giễu bản thân.
Nhưng không có tác dụng gì. Cô ấy vẫn ở đó, như một bức tượng, còn tôi thì bị cuốn vào vô vàn sự phân tâm. Tôi bắt đầu nghĩ về cuộc đời mình, về những khó khăn, và đặc biệt là sự cô đơn. Tôi đã không thể, suốt bao năm, duy trì hay xây dựng được những mối quan hệ, có lẽ vì tôi không phải là “người địa phương”.
Nói như vậy có phải là xúc phạm không? Tôi vừa là nạn nhân của cách hành xử tự kỷ tiềm ẩn, vừa chịu ảnh hưởng từ sự bài ngoại thường thấy. Tại sao lại phải phủ nhận điều đó? Việc hòa nhập ở một nơi không phải quê hương mình chưa bao giờ là dễ dàng.
Làm sao để kết bạn? Làm sao để tiếp cận họ? Làm sao biết được rằng, đâu là lúc có thể trò chuyện và trở thành bạn thân? Làm sao mà những chú chim di cư lại có thể quyết định đồng loạt rằng đã đến lúc tụ họp lại với nhau để bay đến những phương trời mới? Làm thế nào để nhận ra thời điểm cần xây dựng một tình bạn bền chặt dựa trên tiếng cười và sự sẻ chia? Tôi chưa bao giờ biết cách làm điều đó.
Tôi nhớ lại những lần thử sức trong quá khứ. “Đi nào, lại gần đi, bình tĩnh nào, mỉm cười nào!”. Là một diễn viên giỏi, tôi đã thành công. Nhưng những gì là giả tạo thì không thể tự nhiên. Sách Phúc Âm có viết, một ngôi nhà xây trên cát không thể tồn tại lâu dài, chỉ có ngôi nhà xây trên đá mới có thể chịu đựng được mọi gió bão mà không bị sụp đổ. Vậy nên dù tôi có thành công trong các màn trình diễn, không có tình bạn nào có thể tồn tại lâu dài. Tôi chưa từng biết cách xây dựng tình bạn đó.
Tôi nhớ năm 18 tuổi, tôi không dám nói chuyện với ai trong trường, càng không dám nói chuyện với các bạn trong lớp. Giờ ra chơi, tôi đọc sách của Thánh Jean de La Croix, Pascal, Thérèse d’Avila, trong khi những người khác nói chuyện về trò chơi điện tử mới nhất, máy nghe nhạc Walkman, những ca khúc hot của Marc Lavoine và những chiếc quần jacquard siêu “phong cách”.
Một ngày, tôi nhận thấy một cô gái khác, có vẻ cô đơn giống tôi. Tôi không biết phải bắt chuyện thế nào, không biết làm sao để làm bạn với cô ấy. Liệu tôi có nên mỉm cười với cô ấy không? Có nên lại gần cô ấy trong giờ học không? Có nên nhờ cô giúp đỡ làm bài tập không?
Tôi đã thử tất cả, trong một giờ học Toán mà tôi chẳng hiểu gì, tôi đã viết cho cô bạn một mẩu giấy: “Cậu có muốn làm bạn với tớ không?”. Cô ấy rất ngạc nhiên. Chưa từng ai tiếp cận cô ấy theo cách đó. Nỗi sợ tràn ngập trong tôi. Nhưng rồi, cô ấy bật cười lớn, vừa ngạc nhiên vừa vui vẻ, và đồng ý.
“Chưa bao giờ có người làm thế với mình! Cậu chỉ cần lại đây nói chuyện thôi, không cần phải viết giấy! Đơn giản hơn nhiều mà!”. Tình bạn đã ra đời dù bắt đầu theo cách rất khác thường.
Nhiều năm sau, trong một khóa học Tin học, khi bầu không khí giữa các học viên nữ rất hòa đồng, tôi lại tự hỏi làm cách nào để xây dựng mối liên kết với họ. Hầu hết đều đã kết hôn, có con, trong khi tôi còn độc thân, chưa gia đình. Họ có vẻ rất dễ mến và với tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong các bài thực hành Word, tôi thực sự muốn kết bạn với ít nhất một trong số họ. Tôi để ý đến một người. Vui tính, hài hước, tôi nghĩ: “Có lẽ hợp đấy chứ?”.
Cô ấy thường kể chuyện chọc cười mọi người. Tôi chú ý đến hiệu ứng mà những câu nói của cô ấy tạo ra: “Tôi đã làm những chuyện điên rồ với cơ thể mình”, “Sau hai năm, rắc rối của các cặp đôi bắt đầu nảy sinh!”, “Đừng bao giờ lấy người đầu tiên mình hẹn hò!”… Những câu nói đó, chứa đựng sự thật, tôi nhận ra, khi cô ấy nói, chắc chắn sẽ thu hút tiếng cười, những lời trêu đùa và sự chú ý.
Một số câu nói khác cũng có sức mạnh tương tự, chẳng hạn như: “Cô ấy làm gì với tôi thế?”, hay: “Chỉ là một cuộc vui thôi, không hơn”. Tôi cảm thấy bối rối. Tôi hiểu rằng những câu chuyện về tình yêu và cuộc sống hôn nhân là chủ đề yêu thích của họ.
Với mong muốn hòa nhập, dù không phù hợp với mình, tôi đã lấy hết can đảm để lặp lại những câu nói tương tự. Hòa lẫn trong những cuộc trò chuyện vừa mang tính nữ quyền vừa có phần mỉa mai hoặc hời hợt của họ, những câu nói này dường như vẫn rất phù hợp. Dù họ thắc mắc về tình trạng độc thân của tôi nhưng tôi tự cảm thấy mình đủ khả năng để trở thành bạn với một trong số họ. Tôi quyết định chọn người hướng ngoại nhất trong nhóm.
Đến cuối tuần, khi chuẩn bị chia tay, tôi đã nhẹ nhàng hỏi người phụ nữ ấy: “Chị có muốn làm bạn với em không?”.
Cô ấy bật cười, một tiếng cười chói tai như tiếng vỡ của một chiếc bình bị ném xuống đất. Cô ấy trả lời trước mặt mọi người, gọi tất cả làm chứng: “Không thể tin nổi! Cô ấy muốn chúng ta làm bạn! Cách cô ấy nói chuyện thật kỳ lạ! Ôi trời!”.
Cả lớp cười ồ lên. Bị tổn thương sâu sắc, tôi đã bỏ chạy. Không một lời xin lỗi. Tôi không quan tâm đến hậu quả ảnh hưởng đến công việc sau này nữa.
(Còn nữa)
Ngọc Anh (Dịch từ tiếng Pháp)
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/su-do-du-dang-tiec-post718400.html