Sự đổi thay thành phố Móng Cái, địa đầu Tổ quốc: Bài 3: Tạo cú hích trên tiềm năng
Để tạo lập Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, Móng Cái tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để chuẩn bị mặt bằng sạch đón các nhà đầu tư chiến lược.
Móng Cái tập trung phát triển 4 trụ cột
Theo Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam, thành phố đang trong hành trình trở thành trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu, cảng biển và logistics. Nói một cách khác là tạo cú hích trên nền tảng hạ tầng được Trung ương và tỉnh Quảng Ninh đầu tư.
Móng Cái cũng là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế. Đến nay thành phố đã được công nhận Khu du lịch quốc gia Trà Cổ và quy hoạch khu du lịch này đang được điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Móng Cái sẽ phát triển các trụ cột: công nghiệp chế biến, chế tạo; hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đón các nhà đầu tư về chế biến, chế tạo. Đặc biệt, đưa công nghệ cao để phục vụ cho phát triển 4 trụ cột: thương mại biên giới, du lịch - hậu cần cảng biển, công nghiệp sạch công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái.
Ngoài ra, một chiến lược cũng được Móng Cái xác định tập trung là tiếp tục tập trung vừa phát triển vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ thực tế, khi các dự án khu dịch vụ thương mại, khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch được đưa vào hoạt động, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, Móng Cái hướng đến đối tượng nhập cư lao động, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng người lao động và hợp tác chuyên gia. Hiện, thành phố có đủ điều kiện để hợp tác với các chuyên gia nước ngoài theo các dòng vốn đầu tư FDI để nâng cao chất lượng phục vụ chiến lược phát triển.
Đặc biệt, Móng Cái dù phát triển như thế nào cũng phải giữ được ổn định tình hình, đặc biệt là xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định hợp tác phát triển trong đó có yếu tố đối ngoại về tình hình biên giới.
Trong thời gian vừa qua, việc hợp tác giữa Móng Cái với Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc) đã tạo được niềm tin chiến lược. Khi có tình huống đột xuất xảy ra tại biên giới, giữa hai nước sẽ phối hợp xử lý rất nhanh. Hai bên đều thống nhất nhận thức chung trên nền tảng quan hệ hợp tác đối ngoại giữa nhân dân hai nước.
"Chúng tôi thực hiện để giữ được tình hình biên giới, khi biên giới ổn định kinh tế cũng phát triển và ngược lại kinh tế phát triển mới giữ được biên giới ổn định", Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết.
Một vấn đề cũng mang tính quyết định là muốn cửa khẩu thông thương, một trong những vấn đề rất quan trọng mà Móng Cái đang thực hiện là chuyển nhanh sang cửa khẩu số, thông minh cùng với tuyến cửa khẩu Lạng Sơn, cải cách giúp giải quyết nhanh các thủ tục hành chính giúp cho người dân, doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng
Mục tiêu của Móng Cái là phát triển kinh tế gắn với quốc phòng – an ninh, lấy quốc phòng – an ninh giữ vững tình hình để phát triển kinh tế - xã hội.
Thông điệp chung của Móng Cái: "Đảng bộ chính quyền nhân dân thành phố Móng Cái luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, sẵn sàng chia sẻ và giải quyết những vấn đề khúc mắc. Lợi ích của Đảng bộ chính quyền, nhân dân Móng Cái được đặt trong tổng thể phát triển của thành phố Móng Cái và đặt trong sự quan tâm của nhà đầu tư".
Còn theo ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái, để tiếp tục xây dựng Móng Cái trở thành điểm đến đầu tư mới, hấp dẫn, thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút đầu tư.
Móng Cái cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư và cả trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới mà Móng Cái đang có, trên hết là một sự nghiêm túc, cầu thị, muốn làm bạn, làm đối tác, với tinh thần cùng nhau phát triển của thành phố đã tạo ra một hình ảnh Móng Cái năng động, hấp dẫn.
Sự nổi trội và khác biệt đó chắc chắn sẽ còn tiếp tục tạo ra điểm nhấn, điểm đến mới hấp dẫn cho nhà đầu tư, để nhà đầu tư cùng với thành phố từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Móng Cái trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh", ông Huy nói.
Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái được quy hoạch là Khu Kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng vùng Bắc Bộ của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)- Hà Nội- Hải Phòng- Móng Cái- Phòng Thành (Trung Quốc).
Đây là quy hoạch chung của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 được Chính phủ phê duyệt ngày 26/3/2021.
Theo Quyết định, quy mô lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là trên diện tích tự nhiên khoảng 121.197 ha, trong đó diện tích đất tự nhiên là 69.399 ha và diện tích mặt biển là 51.798 ha.