Sự giao thoa trong văn hóa ẩm thực
Uống chung nguồn nước, hít chung bầu không khí của núi rừng vùng cao, có lẽ vì thế mà phong tục, tập quán, lối sống của các dân tộc xứ Tuyên có sự giao thoa. Điều này được thể hiện rõ nét trong văn hóa ẩm thực.
Quá trình cộng cư cho thấy có sự giao thoa trong văn hóa ẩm thực thể hiện ở hai phương diện: thứ nhất, dân tộc này ăn các món ăn của dân tộc kia; thứ hai, dân tộc kia sử dụng món ăn của dân tộc này nhưng có sự chế biến lại cho phù hợp với khẩu vị của dân tộc mình.
Ở cách tiếp cận thứ nhất, mỗi dân tộc đều có những món ăn rất đặc trưng. Người Tày có món bún vịt, có bánh khảo, bánh trứng kiến; người Mông có thắng cố, bánh dày; người Sán Dìu có món cháo; người Cao Lan có bánh chim gâu, người Dao có bánh sừng bò... Nhiều món trở thành phổ biến đến mức người ta không còn phân biệt món ăn nào là của dân tộc nào như thịt lợn muối chua, canh đắng, canh chua, thịt treo gác bếp... Qua thực tiễn, sự phân định nếu có chỉ mang tính tương đối, không có giới hạn rõ ràng giữa các dân tộc.
Tuy vậy, trong chế biến thức ăn, người Tày, Mông, Dao, Cao Lan,... có một số khác biệt về khẩu vị. Đa số đồng bào dân tộc thích ăn thịt hơn ăn rau. Mà theo lý giải của người cao tuổi thì thói quen này xuất phát từ điều kiện sống. Đồng bào dân tộc hầu hết sống ở vùng núi cao, rừng sâu. Do tập quán canh tác làm nương, làm rẫy nên trong lao động họ phải cần đến nhiều sức khỏe, sức bền. Họ phải ăn nhiều thịt, nhiều cơm mới chắc dạ, đảm bảo sức khỏe. Điều này cũng khiến thức ăn của họ thường đậm vị hơn.
Đó không chỉ là vị mặn mà còn là vị chua, vị đắng. Đặc sản canh đắng cũng từ đồng bào mà ra. Canh đắng rất tốt cho sức khỏe nên sau mỗi buổi đi làm về, họ đều nấu bát canh đắng như món khai vị để bồi bổ sức khỏe, cũng là để bữa cơm thêm ngon miệng. Rồi món thịt chua trứ danh. Họ làm thịt chua không chỉ vì vị này rất dễ đưa cơm mà còn bởi để bảo quản được lâu. Dịp Tết đến, nhà nào cũng mổ lợn. Trước đây, cuộc sống còn nghèo khó, họ bảo quản thịt lợn bằng cách muối chua, ủ vào chum và để dành ăn trong cả tháng. Có nhà thì lại cắt thành từng miếng treo lên gác bếp. Với đồng bào, họ nấu ăn bằng bếp củi nên bếp lúc nào cũng đỏ lửa. Miếng thịt treo gác bếp được hong khói bếp đỏ au, rất thơm ngon. Đây cũng là đặc sản họ thết đãi khách trong dịp Tết hay những ngày gia đình có công việc trọng đại.
Ở cách tiếp cận thứ hai, chúng ta thấy quá trình cộng cư kéo dài, các món ăn cũng dần chuyển hóa gần giống nhau. Các dân tộc sử dụng món ăn của nhau nhưng chế biến lại cho phù hợp với khẩu vị. Phổ biến là món bánh chưng. Vào dịp Tết Nguyên đán, người Kinh gói bánh chưng xanh, người Dao là bánh chưng đen, bánh chưng gù, người Tày là bánh dài... Với bánh dày, các dân tộc đều cho vào cối đá, giã bằng tay và lấy vừng đen làm nhân nhưng bánh dày của người Mông to hơn so với các dân tộc Tày, Dao, Nùng...
Với người Kinh, chiếc bánh dày thường nhỏ, nhân làm bằng đỗ hoặc lạc và bột cũng được xay nhuyễn chứ không làm thủ công. Đồng bào dân tộc chỉ làm bánh dày với dịp lễ, Tết, còn với người Kinh, bánh dày giờ làm hàng ngày được dùng trong bữa sáng hay bữa ăn nhẹ. Hay như cùng là vịt, nhưng cách chế biến của mỗi dân tộc lại khác nhau. Với đồng bào dân tộc, khi mổ vịt, họ nhất định phải nấu món canh vịt để chan bún, chan cơm. Còn người Kinh thì hầu hết chỉ làm vịt nướng, vịt hấp. Món xôi cũng vậy, đồng bào dân tộc thường làm xôi ngũ sắc được tạo bởi các loại lá lấy từ rừng, còn người Kinh thường đồ xôi trắng, hoặc vàng (lấy từ củ nghệ).
Riêng với món cơm lam, thì cả người Kinh và người Tày đều chế biến giống nhau. Cái khác có lẽ chỉ nằm ở loại gạo nếp được sử dụng để nấu cơm lam mà thôi.
Sự giao thoa trong văn hóa ẩm thực không chỉ làm dày thêm vốn văn hóa ẩm thực mà còn thể hiện tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng 22 dân tộc trong tỉnh. Đây là niềm tự hào làm nên bản sắc riêng có của người dân xứ Tuyên.
Hoàng Anh/ Báo Tuyên Quang
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/su-giao-thoa-trong-van-hoa-am-thuc-676366.html