Sửa đổi Luật Di sản văn hóa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, Thạc sỹ Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần bổ sung điều luật bảo vệ những 'báu vật nhân văn sống' là những nghệ nhân đang sở hữu những kỹ năng, kỹ thuật thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận.
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), trong đó một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân ở khắp mọi miền đất nước.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực, cụ thể như: Luật về lĩnh vực chuyên ngành nhưng nhiều điều khoản, quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung; hoặc chưa có các điều khoản giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể.
Một số quy định chưa tạo thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn như: Quy định chi tiết về những hành vi bị cấm; về trình tự, thủ tục hủy bỏ xếp hạng, ghi danh di sản, hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia; thủ tục điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích; quy trình tiếp nhận giao nộp, phân chia, quản lý hiện vật, di vật, cổ vật sau khi khai quật khảo cổ; quy trình tiếp nhận, loại bỏ hiện vật ở di tích.
Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa… Trong đó, thực tiễn xã hội hiện đại, các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội nên thu hút doanh nghiệp có đóng góp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Luật hiện hành cChưa có các quy định về chức năng nhiệm vụ giáo dục và ứng dụng công nghệ của bảo tàng; chuyển quyền sở hữu đối với bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; thẩm quyền thẩm định các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp bảo tàng, các dự án trưng bày, chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng; đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước.
Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như quy định về báo cáo định kỳ tình trạng di sản và tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các Danh sách của UNESCO; nội dung, cơ chế thực hiện, triển khai, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo cam kết với UNESCO.
Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động giá trị di sản văn hóa của dân tộc phù hợp với tình hình mới và khắc phục một số hạn chế phát sinh trong thực tiễn.
Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa còn nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa…, và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần tiếp tục quy định rõ hơn về một số chính sách:
Thứ nhất, đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo Luật cần xem lại cách phân loại các loại hình. Vì Công ước 2003 của UNESCO chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình/lĩnh vực, bao gồm: các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống. Trong khi đó, dự thảo Luật chia thành 6 loại hình/lĩnh vực, tách lễ hội truyền thống thành mục riêng, trong khi lễ hội truyền thống phải gắn chặt với tín ngưỡng, không thể bóc tách lễ hội truyền thống ra khỏi tín ngưỡng, độc lập với tín ngưỡng.
Thứ hai, cần bổ sung điều luật bảo vệ những “báu vật nhân văn sống” là những nghệ nhân đang sở hữu những kỹ năng, kỹ thuật thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, thông qua các hình thức như vinh danh, cấp giấy chứng nhận, cấp kinh phí hỗ trợ hàng năm, hỗ trợ khám chữa bệnh.
Thứ ba, đưa công nghệ vào số hóa các di sản nhằm quảng bá các di sản trên không gian mạng, đưa di sản Việt Nam ra thế giới, để giới thiệu về vùng đất, con người, lịch sử Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đặc biệt là giới trẻ, thế hệ thích khám phá, tìm hiểu góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển.
Thứ tư, Bảo tàng tư nhân hiện nay rất phát triển và có xu hướng phát triển mạnh, như vậy đã huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Vì, thế cần tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ hướng đến bảo tàng ngoài công lập là điều mà cơ quan quản lý rất cần làm.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/goc-nhin.aspx?itemid=88835