Sửa Luật Ngân sách nhà nước: Tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các địa phương
Tiếp tục phiên làm việc tại kỳ họp thứ 9, chiều 14/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc.

Toàn cảnh phiên làm việc
Sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Theo đó, Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật NSNN năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng NSNN một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng trưởng ở mức 02 con số trong Kỷ nguyên phát triển - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc
Trong đó, mục đích xây dựng luật nhằm:
Thứ nhất, thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về NSNN.
Thứ hai, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW, tăng tính chủ động của NSĐP.
Thứ ba, phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, gắn với quyền và trách nhiệm của từng cấp theo phương châm cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ tư, cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục trong quy trình NSNN. Thúc đẩy cơ cấu lại NSNN, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, phạm vi điều chỉnh của luật gồm các quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, công khai, giám sát NSNN; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực NSNN. Đối tượng áp dụng không thay đổi so với Luật NSNN hiện hành.
Đáng chú ý về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, trong công tác xây dựng dự toán, dự thảo Luật đã cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục, gồm:
Thứ nhất, quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm, dự kiến thu, chi ngân sách 02 năm tiếp theo cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm đến các cấp có thẩm quyền;
Thứ hai, việc xác định tỷ lệ phân chia một số khoản thu giữa NSTW và NSĐP do tỷ lệ phân chia đã được quy định, giảm bớt quá trình xác định tỷ lệ phân chia sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách;
Thứ ba, trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
Thứ tư, về xử lý nhu cầu kinh phí tăng thêm đối với các chế độ, chính sách do Luật quy định theo hướng lập dự toán ngân sách năm sau bao quát các chế độ, chính sách tại thời điểm lập.

Các đại biểu tham dự phiên làm việc
Bên cạnh đó, trong quá trình chấp hành ngân sách, đã cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục do đã sửa Luật theo hướng tăng phân cấp, phân quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, gồm các quy định liên quan đến việc điều chỉnh dự toán ngân sách; Bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng NSTW, bổ sung kinh phí từ các khoản dự toán chưa phân bổ chi tiết đầu năm; Đơn giản hóa quá trình kiểm tra phân bổ, kiểm soát thanh toán do đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị dự toán và đơn vị sử dụng ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết trong quá trình quyết toán NSNN, đã đơn giản hóa và giảm thủ tục về Quy trình kiểm tra và nội dung, thủ tục xét duyệt quyết toán của cơ quan tài chính và đơn vị dự toán cấp I; Bỏ thủ tục thẩm định quyết toán của cơ quan tài chính cấp trên đối với ngân sách cấp dưới trực tiếp ở địa phương.
Trong quá trình ban hành chính sách ở địa phương, đã cắt giảm thủ tục một số chế độ, chính sách giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trong các trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao; Các chế độ, chính sách phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nghiêm trọng.
Chỉ quy định việc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, về nhiệm vụ chi của NSNN tại khoản 11 Điều 8, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết dự thảo Luật bổ sung quy định về các nhiệm vụ chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) so với quy định hiện hành.
Đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị không bổ sung nội dung trên do một số nội dung chi đã được quy định tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó, việc chi cho công tác quy hoạch liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Đề nghị Chính phủ hướng dẫn thực hiện theo đúng thẩm quyền, bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra
Liên quan đến nội dung phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP tại Điều 35, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết về nguyên tắc, Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP. Theo đó bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách.
Về phạm vi, đa số ý kiến nhận thấy, việc thực hiện phân cấp nguồn thu giữa Trung ương và địa phương có ảnh hưởng lớn tới nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là quy định mới, cần có thời gian đánh giá mức độ phù hợp, khả thi, hiệu quả trong thực tế. Vì vậy, nhất trí với phương án Chính phủ trình, chỉ quy định việc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương. Giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh việc sáp nhập các xã, cần có thời gian để làm rõ quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã để bố trí ngân sách và phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp trong quản lý điều hành ngân sách.
Về tỷ lệ phân chia, Cơ quan thẩm tra cho rằng để bảo đảm việc linh hoạt trong điều chỉnh tỷ lệ phân chia giữa các nguồn thu phân chia trong trường hợp có biến động lớn hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi NSNN giữa các địa phương, không phải trình Quốc hội sửa Luật, đa số ý kiến nhất trí với phương án 2 trong Dự thảo Luật. Theo đó chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia. Giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.

Các đại biểu tham dự phiên làm việc
Về xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước tại Điều 58, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết tại điểm b khoản 2, dự thảo Luật bổ sung đối tượng sử dụng nguồn tăng thu cho “tăng dự phòng ngân sách”. Cơ quan thẩm tra đề nghị không bổ sung trường hợp này, vì Dự toán trong năm đã quy định khoản dự phòng ngân sách từ 2-4% theo đó bảo đảm cân đối cho các nhiệm vụ phát sinh.
Về thời điểm phân bổ, theo quy định nguồn tăng thu được Chính phủ trình UBTVQH trước ngày 10/4, trên thực tế, tại thời điểm này nguồn dự phòng ngân sách cơ bản chưa được phân bổ, sử dụng. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách phải được phân bổ vào các nhiệm vụ cụ thể, xác định được các nhiệm vụ chi để tránh lãng phí nguồn lực./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94103