Sửa Luật Thủ đô: Xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển Thủ đô

Các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm huy động mọi nguồn lực, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn cho Hà Nội.

Ngày 15/3, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Luật Thủ đô sửa đổi, xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô” với các khách mời: TS Dương Thị Thanh Mai – Nguyên chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp; TS Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý(Bộ Tư pháp); TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt nam – tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án; Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam.

Thiếu những quy định đột phá

Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, là văn bản pháp lý quan trọng, quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng phát triển, bảo vệ Thủ đô. Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của TP Hà Nội, song cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và từ thực tiễn đời sống Thủ đô, Hà Nội tập trung xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đề xuất 9 nhóm chính sách theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Các khách mời tham gia tọa đàm

Các khách mời tham gia tọa đàm

Tại tọa đàm, TS Dương Thị Thanh Mai, nguyên chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Thủ đô hiện hành còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển Thủ đô. Luật còn thiếu những quy định mang tính đặc thù, đột phá đúng với trị trí, vai trò của Thủ đô, nhằm tạo thể chế thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Một số luật được ban hành sau Luật Thủ đô đã có những tác động, ảnh hưởng lớn, làm hạn chế việc thực hiện các quy định liên quan của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thế chế

TS Dương Thị Thanh Mai cũng thống nhất với việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thế chế. Trong đó, tập trung vào 9 nhóm chính sách lớn theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Liên quan một số vấn đề đang đặt ra yêu cầu cần được TP giải quyết cấp bách, như tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí, thiếu khu vui chơi cho thiếu nhi, luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cho rằng, để xử lý một cách hệ thống, đồng bộ và có tính bền vững, cần có các giải pháp được quy định ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, phải hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô và cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại, hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh. Cùng với đó, chuyển dần một số cơ quan nhà nước, bệnh viện, nhà máy, trường đại học ra khỏi đô thị trung tâm; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối để có thể kéo giãn người dân đang sống và làm việc tại đô thị trung tâm.

Kinh nghiệm từ Thủ đô Seoul

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho hay, không ít quốc gia trên thế giới đã xây dựng những thể chế đặc thù, vượt trội cho chính quyền Thủ đô mà Hà Nội có thể học hỏi, như Thủ đô Seoul. Từ năm 1991, Hàn Quốc đã ban hành Luật về những thẩm quyền đặc biệt của chính quyền Thủ đô Seoul. Theo quy định của luật này, người đứng đầu chính quyền Thủ đô Seoul được thực hiện một số thẩm quyền vốn được trao cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, liên quan tới bổ nhiệm nhân sự theo quy định của Luật Công chức.

Quang cảnh cuộc tọa đàm

Quang cảnh cuộc tọa đàm

“Luật cũng có các quy định đặc thù liên quan tới việc phát hành trái phiếu của chính quyền Thủ đô Seoul; trao cho người đứng đầu chính quyền Thủ đô Seoul những thẩm quyền riêng… Những quy định đặc thù và vượt trội này có giá trị ưu tiên áp dụng so với các quy định trong các đạo luật áp dụng chung cho cả nước. Đây là dữ liệu rất đáng tham khảo trong quá trình xây dựng các quy định trong Luật Thủ đô” - TS Nguyễn Văn Cương thông tin.

Giải quyết bài toán kinh tế vỉa hè

Để giải quyết bài toán kinh tế vỉa hè, liệu Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể giải quyết? Luật sư Nguyễn Hưng Quang phân tích: Chúng ta cần phải xác định chức năng chính của vỉa hè là dành cho người đi bộ, nhưng vỉa hè ở Việt Nam còn có đặc trưng của phát triển kinh tế. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa cho phép làm như vậy. Do đó, cần tạo điều kiện ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để chính quyền Thủ đô có thể quản lý hài hòa 2 chức năng của hè đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hài hòa lợi ích của người dân. Đồng thời, Hà Nội có thêm nguồn thu để đầu tư cho các công trình, tiện ích khác cho người dân, như đầu tư vào giao thông công cộng.

Tại tọa đàm, các khách mời cũng thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm huy động mọi nguồn lực, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn cho Hà Nội. Đồng thời cho rằng, Hà Nội có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến; có số lượng di sản, công trình di sản vật thể lớn là nguồn lực cho phát triển kinh tế. Hà Nội có đặc trưng đô thị hình thành từ những thế kỷ trước mà các tỉnh, thành phố khác không có. Điểm thuận lợi nữa là Hà Nội có hệ thống cảnh quan đẹp, lớn, có quỹ đất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi, nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai, đặt cơ chế, nền móng bước đầu ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi), sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, phát triển.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-luat-thu-do-xay-dung-the-che-vuot-troi-cho-su-phat-trien-thu-do.html