Sức ép tỷ giá 'bào mòn' lợi nhuận của doanh nghiệp

Chi phí tài chính tại nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cùng các công ty có các khoản vay nợ bằng ngoại tệ tăng đáng kể khi nhiều cặp tỷ giá biến động trong 6 tháng đầu năm.

Đánh giá tỷ giá còn đứng trước nhiều áp lực trong những tháng cuối năm 2025, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, điều hành tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô để giữ cho thị trường ngoại tệ vận hành thông suốt.

Nhiều cặp tỷ giá biến động mạnh

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết đến hết tháng 6, VND đã mất giá khoảng 2,8% so với USD bất chấp xu hướng đi lùi về mức thấp nhất 3 năm của chỉ số đồng USD.

“Một trong những nguyên nhân chính là chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, khi lãi suất trong nước được điều hành giảm mạnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, ông Quang lý giải.

Đến ngày 25/7, tỷ giá niêm yết tại Agribank là 25.965 - 26.315 VND/USD (mua - bán), Vietcombank 25.930 - 26.320 VND/USD, BIDV: 25.970 - 26.330 VND/USD.

So với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, khi tỷ giá bán ra tại các ngân hàng neo ở mức 26.270 VND/USD, trên thị trường phi chính thức vượt mốc 26.480 VND/USD, thì tỷ giá vẫn trên đà tăng.

VND mất giá so với nhiều đồng tiền như USD, EUR, JPY...

VND mất giá so với nhiều đồng tiền như USD, EUR, JPY...

Không riêng với USD, nhiều cặp tỷ giá khác cũng ghi nhận biến động mạnh trong quý II và tháng 7. Euro (EUR) và Yên Nhật (JPY) đều lên giá mạnh, khi cần tới 31.470 VND để đổi 1 EUR và 182,08 VND đổi 1 JPY, theo cập nhật đến cuối giờ chiều 25/7 tại Vietcombank. So với thời điểm đầu năm, tỷ giá VND/EUR và VND/JPY đều tăng hơn 10%.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tỷ giá USD/VND đang chứng kiến đà tăng đáng kể khi đã vượt mốc 26.000 đồng. Nguyên nhân chính đến từ việc chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD. Ngoài ra, các sức ép lên tỷ giá gồm nhu cầu USD tăng, thặng dư thương mại không mạnh như các năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 431 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 219 tỷ USD, tăng hơn 14%; nhập khẩu đạt hơn 212 tỷ USD, tăng gần 18%. Xuất siêu chỉ đạt gần 7,2 tỷ USD, giảm gần 41% so với cùng kỳ năm 2024.

Ngoài ra, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn chứng khoán cũng gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Khối ngoại đã rút ròng khoảng 40.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán.

Ở nửa cuối năm, ông Quang dự báo tỷ giá chịu thêm sức ép từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Kinh tế Việt Nam có độ mở cao, thị trường xuất khẩu lớn, nhất là sang Mỹ, nên chính sách thuế sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá, lãi suất thời gian tới, khi dòng vốn dịch chuyển giữa các quốc gia", ông Quang nói.

Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tương đương 2,5 lần nợ nước ngoài ngắn hạn và có thể chi trả cho 2,9 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, NHNN sẽ khó có thể can thiệp mạnh vào việc ổn định tỷ giá từ việc bán ra ngoại hối.

Trước sức ép dồn dập, NHNN đã thể hiện vai trò điều hành linh hoạt, khi chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, chấp nhận một mức độ mất giá có kiểm soát.

Theo các chuyên gia, đây là bước đi hợp lý nhằm hấp thụ cú sốc từ bên ngoài, duy trì sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trong bối cảnh rủi ro thuế quan gia tăng, đồng thời bảo vệ dự trữ ngoại hối vốn đã thấp hơn ngưỡng khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Thêm gánh nặng chi phí tài chính

Mức tăng tỷ giá được giới chuyên gia và các công ty chứng khoán đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa gây sốc đến nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đồng nội tệ giảm giá so với nhiều ngoại tệ quan trọng khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rõ rệt. Tỷ giá tăng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu, cùng các công ty có các khoản vay nợ bằng ngoại tệ tăng thêm chi phí.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (RIC) ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm 34% về hơn 5,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do chênh lệch tỷ giá.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, được tổ chức cuối tháng 6, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lo ngại mặc dù ngành hàng không có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng doanh nghiệp vẫn có nguy cơ lỗ nghìn tỷ trong năm nay do ảnh hưởng tỷ giá.

Theo ông Nguyễn Văn Nhung, Kế toán trưởng của ACV, việc tỷ giá JPY so với VND tăng khiến ACV có nguy cơ đối mặt với khoản lỗ tỷ giá lên tới 1.700 tỷ đồng trong năm 2025.

Cụ thể, tỷ giá JPY so với VND từ đầu năm đã tăng từ 153 lên 182, dự kiến có thể tăng tiếp lên trên 185 vào cuối năm nay.

"Đà tăng hiện nay có thể khiến lỗ tỷ giá 1.700 tỷ đồng trong năm 2025, hiện nửa đầu năm có thể đã lỗ ngàn tỷ đồng", ông Nhung nêu lo ngại.

Tuy vậy, ông Nhung cũng cho rằng, trong các năm trước tỷ giá JPY thường giảm vào cuối năm. Nếu điều này xảy ra tương tự trong năm nay, ACV vẫn có thể có lãi tỷ giá trở lại.

Khoản lỗ lớn từ tỷ giá đã kéo lùi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Cụ thể, ACV ước tính, lợi nhuận trước thuế trong trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 5.851 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

Một "ông lớn" khác trong ngành hàng không là Vietnam Airlines cũng bày tỏ lo ngại biến động tỷ giá tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp. Chia sẻ tại một phiên họp thường niên mới đây, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, Vietnam Airlines vẫn trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cả năm nay với các chỉ tiêu khá thận trọng. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến đạt doanh thu hợp nhất 116.715 tỷ đồng, tăng 3,5% và lợi nhuận 5.554 tỷ, chỉ bằng 66% cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải về điều này, ông Lê Hồng Hà cho biết, hàng không là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm khi mọi yếu tố đều có thể ảnh hưởng. Ông dẫn chứng các chi phí bằng ngoại tệ thường chiếm khoảng 65% trong tổng chi phí hoạt động của Vietnam Airlines. Những biến động về tỷ giá khiến hãng cũng phải chịu rủi ro rất lớn.

Bên cạnh đó là ảnh hưởng từ xung đột Iran - Israel, giá dầu lên cao, khiến hãng phải hao tổn thêm chi phí nhiên liệu vì chuyển đường bay và tăng thêm chi phí.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá, "cú hích" từ thỏa thuận thương mại với Mỹ, cùng với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm đảo chiều chính sách tiền tệ... tạo kỳ vọng làm thuyên giảm các áp lực tỷ giá.

Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo, tỷ giá USD/VND cập nhật là 26.400 VND/USD trong quý III/2025; 26.200 VND/USD trong quý IV/2025; 26.000 VND/USD trong quý I/2026 và 25.800 VND/USD trong quý II/2026.

Báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, thị trường ngoại hối đang ghi nhận nhiều yếu tố tích cực, nên VND được dự báo giảm giá tương đối so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3-4% cho cả năm 2025.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/suc-ep-ty-gia-bao-mon-loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-1108409.html