TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI: Thế hệ nông dân thời đại mới: Xứng đáng là 'chủ thể' của nông thôn mới (Bài 1)
Lâm Đồng là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp; trong đó, nông dân chiếm hơn 60% dân số, tỉ trọng ngành Nông nghiệp chiếm gần 40% GRDP. Vì vậy, lực lượng nông dân không chỉ giữ vai trò trung tâm và tiên quyết đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn quyết định đến sự phát triển bền vững của địa phương. Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, cổ vũ to lớn từ cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, nông dân Lâm Đồng đã phát huy sự năng động, sáng tạo của mình, chủ động trong công cuộc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh.
Bài 1: Khát vọng vươn cao (Bài 1)
Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, người nông dân luôn có khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp - văn minh. Tuy nhiên, để nông dân phát huy hết nội lực và sức sáng tạo của mình, những khát vọng đó cần được khơi dậy, hỗ trợ để họ thật sự tự tin thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, khẳng định vai trò và vị thế trong sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
• KHỞI NGHIỆP TỪ GIAN KHÓ
Năm 2000, dù đang là giáo viên hóa - sinh tại một trường THCS ở Kon Tum, anh Huỳnh Trung Quân (sinh năm 1975) vẫn quyết định đổi nghề để tìm kiếm cơ hội mới tại Lâm Đồng - nơi anh cho là “vùng đất hứa” của nông nghiệp công nghệ cao.
Thời gian mới đến Đức Trọng, anh lận đận trải qua nhiều nghề chân tay từ bốc xếp, cày cuốc, bón phân... cho đến khi bén duyên với cây phúc bồn tử tại Công ty Agropac. Tại đây, nhờ có nhiều đề xuất, cải tiến hữu hiệu, anh được công ty tin tưởng giao trọng trách quản lý nông trại phúc bồn tử. Dù sau đó, công ty giải thể, anh vẫn tin tưởng vào lợi ích, tiềm năng kinh tế của phúc bồn tử và táo bạo thuê 1.000 m2 đất để trồng thử nghiệm. “Ở nhà thuê, lương không đủ ăn, quyết định này khiến nhiều người gọi tôi là ‘Quân khùng’”, anh cười nói.
Nguồn vốn ít ỏi, phần lớn phúc bồn tử được anh trồng ngoài trời, do đó, cây sinh trưởng kém, tỷ lệ chết cao. Không nản lòng, anh lại lặn lội tìm đến bạn bè, người thân hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư làm nhà kính. “Phúc bồn tử canh tác trong nhà kính phát triển tốt, cho năng suất cao gấp 10 - 15 lần so với trước đây, đạt khoảng từ 2 đến 3 tấn/1.000 m2/năm - đến đây, coi như bài toán sản xuất đã được hóa giải”, anh cho biết.
Thách thức tiếp theo anh phải chinh phục là tìm kiếm đầu ra cho nông sản của mình. Anh cho biết, dù được đối tác của công ty cũ chấp nhận đưa vào hệ thống phân phối, nhưng sức tiêu thụ không đạt mức kỳ vọng vì sản phẩm “quá mới lạ”. Vì vậy, công ty anh đã chế biến phúc bồn tử thành rượu, mứt, mật, nước cốt... để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Trong đó, công ty tập trung vào tiếp thị và bán hàng tại các điểm du lịch và thông qua các công ty liên kết… Hiện nay, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân có 1,5 ha trồng phúc bồn tử. Năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha/năm đối với phúc bồn tử đỏ và 20 tấn/ha/năm đối với phúc bồn tử đen; giúp mang lại thu nhập cho gia đình hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ này, anh Quân đã bước đầu gặt hái thành công và khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm phúc bồn tử của mình. 7 sản phẩm của anh đã được chứng nhận OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao. “Dù thất bại hay thành công, tôi vẫn cho rằng mình ‘may mắn’, bởi với tôi thành công là động lực, thất bại là bài học để hoàn thiện bản thân”, anh chia sẻ.
Từ những nỗ lực lao động hăng say này, anh Huỳnh Trung Quân đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và trở thành một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, kiên trì theo đuổi mục tiêu, làm giàu cho bản thân và gia đình; qua đó, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
• KHƠI DẬY KHÁT VỌNG, NÂNG CAO NĂNG LỰC
Những thành tựu mà anh Huỳnh Trung Quân đạt được là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, kiên trì và sáng tạo trong lao động. Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng đủ kiên trì để đi đến thành công như anh, do chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin thị trường, chưa làm chủ được khoa học kỹ thuật (KH-KT), nguồn lực eo hẹp... Những rào cản này đã tạo ra tâm lý trì hoãn, e ngại thay đổi trong một bộ phận không nhỏ người nông dân. Vì vậy, để người dân không đơn độc trên hành trình vươn lên của mình, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ.
“Các mô hình Dân vận khéo đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thay đổi nhận thức của nông dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nông dân đã chủ động thay đổi tập quán sản xuất, tích cực học hỏi và ứng dụng KH-KT, sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, lao động, nguồn vốn hỗ trợ... để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh”, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Phúc cho biết.
Ngoài ra, việc triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cũng đã góp phần tạo động lực hăng hái thi đua trong mỗi nông dân. Nhờ vậy, số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi tăng đều qua các năm - từ hơn 56.000 hộ năm 2013, đến nay toàn tỉnh có hơn 66.500 hộ. Xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như ông Nguyễn Hữu Trí (Xuân Thọ, TP Đà Lạt), ông Võ Tiến Huy (Hiệp An, Đức Trọng), Nguyễn Thành Vang (Thạnh Mỹ, Đơn Dương), anh K’Brêm (Lộc Thắng, Bảo Lâm)...
Mặt khác, để hỗ trợ nông dân ứng dụng KH-KT, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KH-KT và đào tạo nghề. Chỉ riêng trong giai đoạn 2018 - 2023, địa phương đã tổ chức hơn 7.100 lớp tập huấn cho hơn 519.000 lượt hội viên, hơn 380 lớp dạy nghề cho hơn 15.000 lượt nông dân... Đồng thời, Hội cũng ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn với tổng dư nợ hơn 1.600 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân vay vốn với tổng dư nợ hơn 1.226 tỷ đồng... Sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp nông dân tự tin áp dụng KH-KT vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại.
Mặt khác, việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở địa phương cũng đã góp phần phát triển hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông, đèn đường chiếu sáng, thủy lợi giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, giảm chi phí vận chuyển. Mạng lưới internet băng thông rộng, mạng 4G giúp nông dân nắm bắt thông tin thị trường kịp thời, chủ động trong việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, mà hành trình vươn lên làm giàu chính đáng của người nông dân bớt gập ghềnh, gian khó hơn và có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
(CÒN NỮA)