Tái cấu trúc hệ thống giáo dục vùng khó
Sau sáp nhập, một số địa phương bắt đầu giải quyết bài toán thiếu giáo viên vùng khó, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo duy trì chế độ chính sách cho học sinh - giáo viên vùng đồng bào dân tộc.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Trà Tập, Đà Nẵng). Ảnh: NTCC
Điều hòa chất lượng
Sau khi thực hiện chính quyền hai cấp, Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Plô (Đăk Plô, Quảng Ngãi) đang từng bước gỡ khó về nhân lực, hướng tới mô hình trường bán trú nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số.
Ông Đặng Quốc Vũ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2024 - 2025, trường thiếu giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Mỹ thuật. Giáo viên không đảm bảo nên Ban giám hiệu nhà trường phải kiêm nhiệm.
“Môn Mỹ thuật, thầy giáo Âm nhạc đứng lớp giảng dạy cho học sinh. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, giáo viên phải tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức trên Internet. Dù chỉ dạy kiến thức cơ bản, mỗi tiết một tuần, tuy nhiên không đúng chuyên môn nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh”, ông Vũ nói.
Nhằm đảm bảo giáo viên trong năm học mới và nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Plô đăng ký tuyển bổ sung 2 giáo viên tiểu học, 2 giáo viên THCS; Đồng thời, đề xuất 2 giáo viên biết tiếng Lào nhằm phục vụ nhu cầu học sinh vùng biên.
Sau sáp nhập, Trường Tiểu học và THCS Đăk Plô cũng xây dựng đề án thành lập trường bán trú, trước mắt là tổ chức cho khối lớp 8 và 9. Mô hình này hướng đến việc đón học sinh từ các thôn cách xa trường từ 15 - 25km, như Đăk Nhoong, Đăk Man. “Khí hậu vùng biên khắc nghiệt, mưa nhiều, đường trơn trượt, ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyên cần của học sinh.
Chúng tôi mong mô hình trường bán trú sớm được phê duyệt và đầu tư cơ sở vật chất phù hợp. Có chỗ ăn ở tại trường, thầy cô yên tâm dạy học, học sinh cũng có điều kiện học tập ổn định hơn”, ông Vũ bày tỏ.
Theo thống kê, năm học vừa qua, nhà trường có 68 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo quy định. Ngoài ra, trẻ vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng hỗ trợ chi phí học tập và với sự quan tâm hỗ trợ của nhà hảo tâm, các em được hỗ trợ sách vở, quần áo...

Lớp ghép thiếu thốn đủ bề tại xã biên giới ở Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Dung
Tuy nhiên, không phải tất cả khu vực đều thuộc xã biên giới như Đăk Man nên có sự chênh lệch về chế độ hỗ trợ giữa học sinh trong lớp/trường. Vì vậy, nhà trường mong các cấp sớm xem xét đưa thêm khu vực này vào diện biên giới hoặc vùng đặc biệt khó khăn, để đảm bảo đầy đủ chính sách cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Tương tự, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Ia Grai, Gia Lai) trong năm học 2024 - 2025 thiếu 12 giáo viên, buộc phải hợp đồng tạm thời. Cán bộ quản lý như hiệu trưởng, hiệu phó thường xuyên phải đứng lớp giảng dạy, kiêm nhiệm nhiều tiết. Đơn vị đã đề xuất với ngành chức năng để được tuyển đủ giáo viên trong năm học mới, đảm bảo hoạt động dạy học ổn định, giảm tải cho giáo viên hiện tại.
Trước khi sáp nhập, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 41/2025 để tuyển bổ sung 584 hợp đồng lao động được ký kết theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ để bố trí giáo viên tăng thêm tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trực thuộc UBND 15 xã, phường.
Tuy nhiên, tại Quảng Nam (cũ), với 2.792 giáo viên trong biên chế/1.404 lớp, các trường học vẫn thiếu 431 người so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, Sở GD&ĐT Đà Nẵng (mới) kiến nghị UBND TP cần sớm tổ chức tuyển dụng giáo viên để kịp cho năm học mới.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra tập trung ở một số trường khu vực miền núi, kéo dài trong nhiều năm nay với nghịch lý là càng tổ chức thi tuyển thì càng thiếu do có một số lượng giáo viên trong biên chế thi tuyển viên chức trở lại để chuyển về vùng đồng bằng. Trước khi sáp nhập địa giới hành chính, Quảng Nam xây dựng đề án hỗ trợ một lần đối với giáo viên nhận công tác tại các địa bàn vùng khó nhưng chưa trình Hội đồng nhân dân.
Theo dự thảo, Quảng Nam hỗ trợ một lần với mức từ 50 - 100 triệu đồng khi giáo viên lên nhận công tác ở vùng cao và tiền sinh hoạt hằng tháng từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/người. “Chính sách thu hút này cần được thực hiện để giải quyết phần nào bài toán thiếu giáo viên, giúp các trường học vùng khó ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng dạy học”, ông Nam kiến nghị.

Đường đến trường của học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Plô (Đăk Plô, Quảng Ngãi). Ảnh: Nguyễn Dung
Kế thừa chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó
Tại xã Ngok Réo (Quảng Ngãi), đơn vị hành chính mới hình thành từ việc sáp nhập hai xã Ngok Réo và Ngok Wang, chính quyền địa phương cũng từng bước rà soát lại toàn bộ hệ thống trường lớp sau sáp nhập.
Ông Đặng Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Ngok Réo, cho biết: Chính quyền hai cấp mới đi vào hoạt động nên địa phương sẽ làm việc với các trường để nắm thông tin về số lượng giáo viên, học sinh và các chế độ, chính sách liên quan. Từ đó có cái nhìn tổng quát về tình hình giáo dục tại địa phương.
Ngok Réo hiện quản lý 5 trường học các cấp từ mầm non đến THCS. Theo ông Tiến, khi hai xã sáp nhập thành một, ít nhiều có tác động đến một số chế độ đãi ngộ dành cho người dân, giáo viên và học sinh.
“Sau khi tổng hợp lại thông tin, địa phương sẽ phối hợp với ngành chức năng để cân đối, điều chỉnh hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi và điều kiện học tập, sinh hoạt cho các em; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó”, ông Tiến nhấn mạnh.
Từ năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) ban hành Nghị quyết 27 quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số không thuộc diện hỗ trợ của Trung ương.
Theo đó, mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh hưởng chính sách của địa phương là 300 nghìn đồng/tháng, kéo dài từ 2021 - 2026. Để phù hợp với mức hỗ trợ của những học sinh hưởng chính sách theo Nghị định 116/2016 khi tăng lương cơ sở, Quảng Nam đã tăng mức hỗ trợ cho học sinh thụ hưởng đề án lên 360 nhìn đồng/tháng.
Ngoài ra, Quảng Nam còn có chính sách hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho trẻ mầm non đối với cơ sở giáo dục công lập (4,47 triệu đồng/tháng/cấp dưỡng, sau đó tăng lên 5,4 triệu đồng); các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung là hơn 7 triệu đồng/tháng/cấp dưỡng. Số tiền hỗ trợ trong 3 năm, từ 2022 - 2025 là hơn 68 tỷ đồng.
Các nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh Quảng Nam (cũ) ban hành đều dựa trên cơ sở của Nghị định 116/2016 của Chính phủ. Song đến nay, Nghị định 116/216 hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 66/2025. Do đó, địa phương cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hợp nhất thành một nghị quyết mới thay thế các nghị quyết trước đây nhằm đảm bảo tính pháp lý, liên tục khi thực hiện chính sách.
Trước khi tiến hành sáp nhập tỉnh, thành, theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 24/6, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 48 thống nhất chủ trương trình cấp có thẩm quyền thành phố Đà Nẵng (mới) ban hành chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn để triển khai các chính sách được kịp thời, không bị gián đoạn ngay từ đầu năm học 2025 - 2026.
Theo ông Nam, các chính sách hỗ trợ đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học giữa chừng ở học sinh vùng dân tộc thiểu số miền núi; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Trà Leng, Đà Nẵng) tiếp nhận bảng trượt, tivi 55 inch và đầu phát wifi phục vụ cho việc dạy - học ở các điểm trường lẻ từ nguồn hỗ trợ của nhà hảo tâm. Ảnh: NTCC
Cần sự ổn định lâu dài
Trong số 1.600 học sinh của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Ia Grai, Gia Lai), có 16,7% học sinh dân tộc thiểu số. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trường, trường hiện có 165 học sinh được miễn, giảm học phí; nhiều em khác hưởng chế độ bán trú, hỗ trợ chi phí học tập theo các chính sách vùng khó.
Xã Ia Grai mới nơi trường đóng chân được hình thành sau khi sáp nhập 3 đơn vị hành chính: Thị trấn Ia Kha, xã Ia Bă và Ia Grăng. Dù trước mắt các chính sách cho học sinh vẫn được giữ nguyên, nhưng nhà trường cũng có những lo ngại nhất định.
“Về lâu dài, nếu phân loại vùng thay đổi, các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số có thể bị ảnh hưởng. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục và khả năng học tiếp của học trò ở bậc phổ thông. Chúng tôi mong các cấp giữ ổn định hoặc có lộ trình phù hợp để không làm gián đoạn quyền lợi học sinh”, ông Trường bày tỏ.
Còn theo đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, tại một số xã vùng khó khăn sau khi sáp nhập hoặc thay đổi địa giới hành chính có thể được xếp vào xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này có thể làm phát sinh những lo ngại về quyền lợi cho học sinh, giáo viên đang được hưởng chính sách. Do đó, trước mắt, các đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện chế độ chính sách như cũ, không để giáo viên và học sinh bị thiệt thòi.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã kiến nghị UBND thành phố rà soát, kế thừa và triển khai hiệu quả các nghị quyết quan trọng mà HĐND tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã thông qua trong thời gian qua, đặc biệt là đề án, chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Trong đó, đề nghị ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm triển khai các đề án nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm công bằng giữa các địa phương trong quá trình sáp nhập và phát triển đồng bộ sau này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tai-cau-truc-he-thong-giao-duc-vung-kho-post740538.html