Tái hiện Tết Đoan Ngọ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long
Sáng 1/6, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức chương trình 'Tết Đoan Ngọ xưa và nay'.
Trong cung đình, dưới thời Lê, vào dịp Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch, dân gian gọi là ngày giết sâu bọ) vua và triều đình tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan.
Trong các nghi lễ, lễ ban quạt cho các quan là nghi lễ quan trọng bậc nhất của Tết Đoan Ngọ. Trước đó, triều đình giao cho làng Đào Xá (nay là làng Đào Quạt, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) làm quạt để vua ban. Quạt sau khi làm xong được đệ tiến vào Văn Miếu, Vũ Miếu, sau đó vua ban cho quần thần. Trong thời tiết nóng bức của ngày Tết Đoan Ngọ, nghi thức ban quạt thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà vua dành cho các quan, mang theo ý nghĩa ban cho “phúc lành, sức khỏe, bình an”.
Để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính truyền thống đến với du khách, năm nay, lần đầu tiên trong chương trình “Tết Đoan Ngọ xưa và nay”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tái hiện không gian nghi lễ ban quạt trong Cung đình. Các diễn viên quần chúng đóng vai “bách quan” tề tựu đông đủ trước điện Kính Thiên, thực hành các nghi lễ và nhận quạt “vua ban” tạo nên một khung cảnh hết sức đẹp mắt.
Năm nay, Ban tổ chức còn trưng bày chiếc quạt mang tính chất cung đình có kích thước 2,4m đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503; trưng bày một số quạt dành cho vua, hoàng hậu và quan được phỏng dựng.
Không gian trưng bày còn giới thiệu với du khách còn được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ như tục “giết sâu bọ”, tục đeo bùa ngũ sắc thông qua những chiếc bùa ngũ sắc, tục hái thuốc nam, trưng bày quạt trong đời sống xưa và nay... Trong dịp này, công chúng được nghe Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết… trò chuyện những phong tục xưa, mâm cỗ xưa trong ngày Tết Đoan Ngọ.