Tái hiện Tết Đoan Ngọ xưa tại Hoàng thành Thăng Long

Chương trình 'Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa' được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long có nhiều điểm mới, mang đậm dấu ấn cung đình.

Nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” vào đầu tháng Năm âm lịch.

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch hàng năm. Đây là một ngày Tết truyền thống của một số quốc gia Đông Á. Đối với người Việt, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tết giết sâu bọ”.

 Nghi thức cung đình được tái hiện trong chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2023. Ảnh: HT

Nghi thức cung đình được tái hiện trong chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2023. Ảnh: HT

Theo các nhà nghiên cứu, “Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ, là lúc mặt trời ở gần trái đất nhất. Đoan Ngọ nghĩa là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm.

Để chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh, cha ông ta có nhiều kinh nghiệm độc đáo như tục ăn trái cây, ăn bánh tro, ăn cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm.

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng Năm, từ chốn cung đình cho đến những miền quê đều hân hoan đón Tết Đoan Ngọ. Vào dịp này, người dân kinh thành Thăng Long xưa lại nhộn nhịp đi mua chỉ ngũ sắc, túi thơm trên phố Hàng Mụn về đeo cho trẻ con; đi mua lá thảo mộc về làm trà đun nước uống, mua thảo dược về phòng bệnh.

Trong cung đình, Tết Đoan Ngọ được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi tôn nghiêm. Đây cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành.

Theo thông lệ, Tết Đoan Ngọ cũng là dịp các bề tôi được ban thưởng. Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng vào lúc thời tiết nóng nực, chiếc quạt là vật dụng làm mát vô cùng thiết yếu, nên ngoài ban yến, nhà vua còn tiến hành ban quạt.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” diễn ra từ ngày 1/6, tại nhà 19C - Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Những phong tục đón Tết Đoan Ngọ xưa sẽ được tái hiện lại một cách chân thực và dung dị thông qua không gian thờ cúng và không gian trưng bày.

 Những món ăn có tác dụng “giết sâu bọ” trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: HT

Những món ăn có tác dụng “giết sâu bọ” trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: HT

Đặc biệt, nghi lễ cúng tế tổ tiên và lễ ban quạt là hai nghi lễ đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và sự quan tâm đến bề tôi của nhà vua.

Năm nay, việc tái hiện nghi lễ này sẽ diễn ra ngày 6/6 (ngày 1 tháng Năm âm lịch) tại sân điện Kính Thiên, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Cũng trong khuôn khổ chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” ngày 6/6 tại Lầu Bát giác, cổng Đông, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà vào lúc 10 giờ, ngày 6/6 và 10 giờ, ngày 9/6.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-hien-tet-doan-ngo-xua-tai-hoang-thanh-thang-long-post297346.html