Tái khẳng định vị thế 'thành đồng kinh tế' cho TPHCM

Gần 4 thập niên qua, với vị thế là một trung tâm kinh tế lớn, TPHCM luôn là đầu tàu, là động lực tăng trưởng của cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 tăng trưởng kinh tế của TPHCM đóng góp khoảng 21,8% GDP cả nước.

Một góc TPHCM.

Một góc TPHCM.

Nhưng từ khi đại dịch bùng phát và những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu lộ diện, tăng trưởng kinh tế của TPHCM bắt đầu rơi xuống chỉ còn ở mức 15,46% năm 2021, 15,55% vào năm 2022 và quý I-2023 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022 nằm ở nhóm thấp nhất của cả nước.

Đúng là nền kinh tế của TPHCM tỏ ra dễ bị tổn thương hơn và chịu tác động lớn hơn so với nhiều tỉnh thành khác, trước sự thay đổi về điều kiện thị trường từ ngoại cảnh. Nhưng cũng phải thừa nhận nền kinh tế TP đã bộc lộ những hạn chế trong cấu trúc trong nội tại. Và vị thế “thành đồng kinh tế” chỉ có thể trở lại nếu đánh giá một cách tổng thể về cơ cấu kinh tế hiện nay và có các chiến lược để tái cấu trúc mạnh mẽ, có sức bền và năng lực chống chịu mạnh.

Tạo động lực bằng cơ chế rõ ràng

Trong khi giải ngân vốn đầu tư công và chi tiêu Chính phủ được các tổ chức quốc tế và các cơ quan trong nước đánh giá là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, thì trong quý I TPHCM chỉ giải ngân được 2% vốn đầu tư công so với mức trung bình của cả nước là 9,7%.

Rồi sự suy giảm của ngành bất động sản (BĐS) tới 16% có một phần lớn liên quan tới các thủ tục pháp lý, trong khi sự quyết liệt tháo gỡ của các cơ quan chức năng chưa rõ nét. Chính vì vậy mà trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) năm 2022, TPHCM đứng ở vị trí 27/63 tỉnh thành, và chỉ số tính năng động của các cơ quan chính quyền TP ở vị trí 62/63.

Một vài con số như vậy cho thấy động lực tăng trưởng của TPHCM không chỉ hoàn toàn xuất phát từ các yếu tố ngoại cảnh mà còn từ các vấn đề nội tại. Chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết thủ tục để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) có những nguyên nhân đến từ cơ chế, từ tình trạng cán bộ công chức “sợ” trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất.

Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo TP nhận diện là một thách thức mà TP cần vượt qua. TP rất cần những cơ chế để lãnh đạo chính quyền các cấp mạnh dạn, chủ động quyết liệt trong thực hiện nhằm tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn. Những cơ chế đó mới giúp TP thoát cảnh “phá đáy” như hiện nay.

Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận từ cấp trung ương chưa công bằng. Đó là đóng góp tới 15% GDP và 30% NSNN của cả nước, nhưng TPHCM đang phải mặc chung một chiếc áo về quy định, chính sách và cơ chế với tất cả các địa phương còn lại. Rồi các thẩm quyền của TP về con người, bộ máy, ngân sách, nguồn lực, đầu tư, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ cũng không khác nhiều so với quy định được áp dụng ở các tỉnh thành khác.

Khi các quy định quá chặt chẽ, không rõ ràng, cộng với tâm lý e ngại trách nhiệm, việc trì hoãn ra quyết định và thường xuyên gửi văn bản hỏi ý kiến các bộ, ngành trung ương là điều dễ hiểu. Và sau cùng, DN, nhà đầu tư và người dân cũng như nền kinh tế của TP và của cả nước sẽ chịu thiệt hại từ tâm lý e ngại, trì hoãn này.

Khẳng định lại vị thế "thành đồng kinh tế"

Thực ra TP có những “con bài” để có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Đó là các dự án đầu tư quy mô lớn của các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký và chuẩn bị triển khai. Đó là danh sách dài các dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm hiểu và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục đăng ký đầu tư vào TP.

Bên cạnh đó là các dự án đầu tư công quy mô lớn như dự án giao thông liên vùng như cao tốc TPHCM - Mộc Bài, mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, metro Bến Thành - Suối Tiên.

Nhưng để đẩy nhanh các dự án này, TP cần có những cơ chế đặc thù vượt trội để quá trình thẩm duyệt dự án được nhanh hơn, việc huy động vốn từ các nguồn từ đất đai, từ sự tham gia của khu vực tư nhân được thuận lợi hơn.

TPHCM cũng có một thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước. Tiềm năng phát triển ngành dịch vụ và du lịch cũng có những lợi thế mà ít địa phương nào có thể sánh được. TP có lực lượng DN, cơ sở kinh doanh hùng hậu nhất nước với hơn 210.000 DNNVV, 7.300 DN FDI, 387.500 hộ kinh doanh đang hội tụ tại TP.

Những tiềm năng này sẽ được khai thác mạnh mẽ hơn nếu như không khí, nhiệt huyết kinh doanh được ngập tràn trở lại. Với vai trò kiến tạo, nếu chính quyền TP mạnh dạn, chủ động thực hiện các biện pháp cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của DN, nhà đầu tư, thì họ sẽ xắn tay áo cùng với Chính quyền TP vượt qua khó khăn, quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trước đây và tái khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, động lực tăng trưởng của cả nước.

Một Nghị quyết mới (thay thế Nghị quyết 54) cũng đang được xây dựng với kỳ vọng hình thành cơ chế đặc thù, vượt trội cho TPHCM với các quy định rõ ràng, bảo vệ được những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì người dân, DN và nhà đầu tư. Từ đó sẽ từng bước đẩy lùi được sự trì trệ của hệ thống hành chính vốn đã được lãnh đạo TP nhận diện là một trong những trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng của TP.

Cơ chế đó sẽ lấy lại động lực tăng trưởng của TP vốn đã suy giảm trong nhiều năm qua lại bị thách thức, bào mòn rất lớn sau đại dịch Covid-19 và của sự suy giảm của kinh tế toàn cầu. Đồng thời tạo những động lực mới, không gian phát triển mới cho TP. Từ đó hình thành một nền kinh tế của TP có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ với sức chống chịu lớn hơn.

TPHCM luôn chứng minh được năng lực thích ứng và vượt trội của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. TP cũng có những tiềm năng và nội lực để đảo ngược lại xu thế tăng trưởng chậm lại, tỷ trọng giảm dần về đóng góp trong GDP cả nước.

TS. LÊ DUY BÌNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tai-khang-dinh-vi-the-thanh-dong-kinh-te-cho-tphcm-post103908.html