Tại sao đoàn khách Ấn sang Việt Nam phải mang theo gia vị, đầu bếp?

Do đặc thù về tôn giáo và thói quen ăn đậm gia vị, du khách Ấn Độ thường chọn món ăn của quê hương khi du lịch, dù đến các quốc gia có nền ẩm thực nổi trội.

 Khách Ấn Độ có xu hướng chọn nhà hàng bán món quê hương, mang theo nguyên liệu hoặc đầu bếp khi đi du lịch. Ảnh: Tandoor HCMC.

Khách Ấn Độ có xu hướng chọn nhà hàng bán món quê hương, mang theo nguyên liệu hoặc đầu bếp khi đi du lịch. Ảnh: Tandoor HCMC.

Du lịch không ít quốc gia, chuyến đi gần nhất đến TP.HCM vào tháng 4/2023, Naishi Shah (sống tại thành phố Mumbai, Ấn Độ) vẫn gặp nhiều hạn chế về ẩm thực. Nữ du khách tuân thủ chế độ chay nghiêm ngặt theo đạo Jain, không được phép ăn nấm, hành tây, khoai tây, tỏi và các loại củ mọc dưới đất.

"Việc nhổ củ là đánh mất môi trường sống của sinh vật dưới đất. Đến mỗi quốc gia, tôi đều vui mừng khi tìm thấy nhà hàng Ấn Độ. Dù bỏ lỡ trải nghiệm ẩm thực địa phương, tôi vẫn tin có những cách khác để bù đắp, chẳng hạn như trò chuyện với người dân hoặc tham gia lễ hội", nữ du khách chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Tôn giáo và văn hóa

Trên thực tế, văn hóa ăn chay của người Ấn Độ có lịch sử từ lâu đời. Ngoài mục đích thanh lọc cơ thể, việc ăn chay được xem như một hình thức bảo vệ và tôn kính sự sống.

Đất nước tỷ dân này cũng có tỷ lệ người ăn chay dẫn đầu thế giới với 23-37%, tức hơn 400 triệu người ăn chay, đặc biệt là miền Bắc, theo dữ liệu từ cuộc khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia 4 do Trung tâm Nghiên cứu Dân số Ấn Độ thực hiện.

Naishi Shah từng ăn tại một nhà hàng Ấn Độ thuộc quận 1 (TP.HCM). Nữ du khách phải "né" các món có nguyên liệu kiêng cữ và dặn đầu bếp loại bỏ tỏi. Ảnh: Naishi Shah.

Naishi Shah từng ăn tại một nhà hàng Ấn Độ thuộc quận 1 (TP.HCM). Nữ du khách phải "né" các món có nguyên liệu kiêng cữ và dặn đầu bếp loại bỏ tỏi. Ảnh: Naishi Shah.

Người Ấn Độ thường chia làm 3 dòng ăn uống theo tôn giáo. Đa phần không ăn thịt hoặc ăn rất ít, chú trọng vào rau, đậu và gạo. Tuy nhiên, một số người cũng không ăn chay vì văn hóa từng vùng.

Người theo đạo Hindu không ăn thịt bò vì họ thờ thần bò. Đồng thời khuyến khích ăn chay để tôn trọng sự sống. Những người ăn thịt có thể ăn sản phẩm của động vật như trứng, mật ong.
Người theo đạo Hồi ăn theo chuẩn Halal, kiêng thịt lợn. Họ cho rằng loại thịt này không sạch sẽ và không tốt cho sức khỏe. Lý do là lợn ăn tạp nên thịt chứa nhiều chất độc và vi khuẩn.
Người ăn chay tuân thủ chế độ chay nghiêm ngặt, họ chỉ ăn ngũ cốc, gạo, bột mì và không ăn thịt cá.

Vì các quy tắc ăn uống khắt khe, khi đi du lịch, du khách Ấn Độ sẽ mang theo nguyên liệu hoặc đầu bếp của vùng miền đang sống. Các đầu bếp này tự chế biến món ăn trong suốt hành trình, các công ty du lịch cũng phải làm việc với khách sạn và nhà hàng để đầu bếp của khách hàng được sử dụng nhà bếp, theo Nghiên cứu tâm lý khách Ấn Độ của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Điển hình là trong chuyến du lịch Việt Nam, 4.500 nhân viên thuộc tập đoàn dược phẩm Sun Pharmaceutical Industries được phục vụ chay kiểu tự chọn, khoảng 90% nguyên liệu đưa từ Ấn Độ sang, phía công ty du lịch cũng đưa đầu bếp và đồ phục vụ đến nhà hàng để nấu ăn.

 Cộng đồng ăn chay ở Ấn Độ ngày càng phát triển cũng khiến quy tắc càng khắt khe hơn. Trong ảnh là món thali đặc trưng. Ảnh: Zoshua Colah.

Cộng đồng ăn chay ở Ấn Độ ngày càng phát triển cũng khiến quy tắc càng khắt khe hơn. Trong ảnh là món thali đặc trưng. Ảnh: Zoshua Colah.

Ở góc độ bản địa, Naishi Shah cho biết thêm việc thưởng thức ẩm thực quê hương khi du lịch nước ngoài cũng là cách duy trì sự liên kết giữa cá nhân với bản sắc văn hóa. Đồng thời giới thiệu với nhiều người về độ phong phú của ẩm thực Ấn Độ.

"Một điểm du lịch sẽ không đủ hấp dẫn nếu thiếu ẩm thực đặc trưng Ấn Độ", nữ du khách bày tỏ.

Thói quen ăn đậm gia vị

Sự đa dạng của các loại thực phẩm và gia vị làm cho ẩm thực Ấn Độ trở thành một trong những nền ẩm thực nổi tiếng nhất thế giới. Người Ấn Độ thường ăn rất cay, nhiều gia vị để cân bằng nhiệt (ngoài nóng thì trong cũng nóng). Thậm chí, cách chế biến "không dầu mỡ" được xem như làm giảm độ ngon của món ăn.

Du khách Shaunak Bhattacharjeee (sống tại thành phố Mumbai, Ấn Độ) chưa từng thưởng thức ẩm thực địa phương trong các chuyến du lịch. Nam du khách "trung thành" với ẩm thực quê hương vì quen với thức ăn dạng nhão, đậm gia vị.

 Kết cấu nhão, nhiều gia vị và đậm mùi masala là những đặc điểm của ẩm thực Ấn Độ. Ảnh: Sean Bernstein.

Kết cấu nhão, nhiều gia vị và đậm mùi masala là những đặc điểm của ẩm thực Ấn Độ. Ảnh: Sean Bernstein.

"Cách các gia vị bùng nổ cùng lúc trong miệng rất kỳ diệu. Mỗi khi du lịch, tôi đều chọn các nhà hàng Ấn Độ để đảm bảo mức độ cay và mùi masala đúng sở thích. Trong khi ở châu Âu và châu Mỹ, thức ăn ít cay, không có bột ớt đỏ và đôi khi gia vị chỉ có muối. Còn ở châu Á, rau nguyên lá hay củ, quả thái nhỏ không dễ ăn với tôi", Shaunak Bhattacharjeee nêu quan điểm.

Nam du khách cho rằng các món ăn Ấn Độ đậm đà có thể mang đến hương vị quê nhà và duy trì cảm giác thoải mái khi đặt chân đến quốc gia khác. Chưa kể, sự có mặt của các nhà hàng Ấn Độ tại nhiều điểm đến quốc tế giúp du khách có thêm lựa chọn ẩm thực quen thuộc.

"Để chuyến du lịch thoải mái, tôi cũng dự phòng danh sách các nhà hàng chay khác, ưu tiên ẩm thực Trung Quốc và Thái Lan vì có nét tương đồng nhất định về gia vị và kết cấu", Shaunak Bhattacharjeee nói.

Ngoài ra, phương pháp chế biến cũng được du khách Ấn Độ quan tâm. Một món ăn ngon nên nướng kiểu tandoor trong lò đất sét truyền thống hoặc đun chậm trong thali - một loại đĩa tròn bằng kim loại, theo Times Of India.

Các món chay nổi bật của Ấn Độ có thể kể đến cà ri, cơm pulao (chế biến từ gạo basmati với nấm hương, nghệ tây và gia vị), bánh khai vị samosas, rau củ nghiền cùng đậu gà...

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tai-sao-doan-khach-an-sang-viet-nam-phai-mang-theo-gia-vi-dau-bep-post1494798.html