Tại sao mâm cúng vía thần Tài của người miền Nam luôn có cá lóc nướng?

Cá lóc nướng là lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ cúng vía thần Tài của người dân Nam Bộ, tại sao món ăn này lại có vai trò quan trọng như vậy?

Mỗi năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, nhiều gia đình và đặc biệt là người kinh doanh buôn bán lại chuẩn bị mâm cúng vía thần Tài với hy vọng mang lại may mắn và tài lộc cho cả năm. Tùy theo phong tục, tập quán ở các vùng miền mà mâm cúng thần Tài ngày mùng 10 có những khác biệt. Mâm cỗ cúng thần Tài của người miền Nam ngoài những lễ vật cơ bản thì không thể thiếu cá lóc nướng.

Món cá lóc nướng trong mâm cúng vía thần Tài của người miền Nam

Trả lời Znews, chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh lý giải, mâm cúng vía thần Tài của người miền Nam luôn có cá lóc nướng là do đời sống của người dân miền Nam gắn liền với miền sông nước, kênh rạch. Thời xưa, cư dân nơi đây sống dựa vào nguồn thủy sản phong phú. Cá lóc, với khả năng thích nghi cao và sống phổ biến trong môi trường này, trở thành một loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người miền Nam.

Cá lóc không chỉ là thực phẩm, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và cần cù lao động. Việc chọn cá lóc làm lễ vật trong mâm cúng thần Tài là cách để người dân bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng thiên nhiên. Họ cầu mong thần Tài ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là cách để tưởng nhớ đến cuộc sống vất vả nhưng đầy nghị lực của ông cha, những người đã khai phá và xây dựng nên vùng đất trù phú này.

Mâm cúng Thần Tài miền Nam không thể thiếu món cá lóc nướng. (Ảnh: Eric Nguyễn)

Mâm cúng Thần Tài miền Nam không thể thiếu món cá lóc nướng. (Ảnh: Eric Nguyễn)

Ngoài ra, trong phong thủy, cá lóc được coi là biểu tượng của sự sung túc và thịnh vượng. Đặt một con cá lóc trên mâm cúng thần Tài có nghĩa là cầu mong cho cuộc sống gia đình lúc nào cũng đủ đầy, khỏe mạnh và phát triển không ngừng.

Cá lóc nướng là món ăn dân dã, dễ chế biến nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng. Việc chọn cá lóc nướng không những thể hiện được tinh thần giản dị mà còn tôn vinh nét văn hóa ẩm thực truyền thống của vùng sông nước.

Món cá lóc nướng không chỉ được dâng cúng trong ngày vía thần Tài mà còn là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng tiễn ông Công ông Táo chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp.

Lưu ý khi cúng vía thần Tài

Mâm cúng ngày vía thần Tài cần được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt, với đầy đủ các lễ vật hoa tươi, trái cây, nhang đèn, vàng mã, bộ tam sên gồm thịt heo, tôm, trứng. Việc sắp xếp lễ vật nên hài hòa, đúng hướng phong thủy để tạo không gian tôn nghiêm và trang trọng.

Mọi người cần lưu ý cá lóc nướng dùng cúng vía thần Tài phải để nguyên con, không cạo vảy, không cắt vây và đuôi. Khi đem đi nướng trui, cần dùng mía chẻ xiên thẳng qua miệng cá để định hình cho thẳng.

Cá lóc nướng dùng cúng vía thần Tài phải để nguyên con. (Ảnh: Thy Huệ)

Cá lóc nướng dùng cúng vía thần Tài phải để nguyên con. (Ảnh: Thy Huệ)

Lựa chọn giờ cúng trong ngày vía thần Tài cũng cần được chú ý. Theo quan niệm dân gian, việc cúng thần Tài vào buổi sáng sẽ mang lại nhiều may mắn và thuận lợi cho gia chủ. Tuy nhiên, nếu không thể cúng vào buổi sáng, bạn có thể cúng vào buổi trưa hoặc buổi chiều, tránh cúng vào buổi tối muộn.

Khi thực hiện lễ cúng, tâm thế của gia chủ rất quan trọng. Hãy làm lễ với lòng thành kính và thái độ tôn trọng.

Sau khi hoàn tất lễ cúng, cá lóc nướng sẽ để các thành viên trong gia đình cùng thụ lộc, thưởng thức và không nên để cá thừa mứa hoặc lãng phí.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tai-sao-mam-cung-via-than-tai-cua-nguoi-mien-nam-luon-co-ca-loc-nuong-ar924020.html