Tại sao nhiều bộ ngành đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?
Mới đây, góp ý về sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, các bộ ngành đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Theo VCCI, đặc điểm của xăng dầu không phải là mặt hàng có thể dễ dàng thay thế bằng loại khác, bản chất không phải là mặt hàng xa xỉ, nhưng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng (là thuế TTĐB và TBVMT).
Góp ý về sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tư pháp cho rằng đối tượng chịu thuế trong dự thảo chủ yếu kế thừa các quy định hiện hành. Bộ này đề nghị cơ quan soạn thảo thực hiện một đánh giá toàn diện hơn để có căn cứ đề xuất loại bỏ một số mặt hàng khỏi đối tượng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, Bộ Tư pháp đã nêu ví dụ về xăng E5 và E10, là loại nhiên liệu chứa 5% và 10% cồn sinh học, được sử dụng làm đầu vào cho nhiều ngành sản xuất. Theo ý kiến của họ, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể không còn phù hợp, vì mục đích của loại thuế này là định hướng tiêu dùng nhưng hiện chưa có mặt hàng thay thế cho xăng trong sản xuất.
Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng, trong khi có thể xem xét điều chỉnh tăng thuế suất bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu đánh thuế.
Hiện tại, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%; trong khi dầu không phải chịu thuế này. Giá xăng RON 95-III hiện là 22.880 đồng, trong khi dầu diesel là 20.320 đồng, tức là mỗi lít xăng hiện đang bao gồm hơn 2.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (trước thuế VAT). Ngoài ra, mỗi lít xăng cũng phải chịu thuế bảo vệ môi trường, là 2.000 đồng đối với xăng, 1.900 đồng với E5 và 1.000 đồng với dầu diesel.
Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất các cơ quan chức trách xem xét việc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, vì cho rằng đây không phải là mặt hàng xa xỉ. Họ cũng nhấn mạnh rằng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ môi trường có thể trùng lặp với thuế bảo vệ môi trường hiện hành.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, bao gồm cả xăng sinh học, là hợp lý và chưa thể bỏ trong bối cảnh hiện tại, nhằm chống biến đổi khí hậu và cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm điều tiết tiêu dùng đối với mặt hàng cần sử dụng tiết kiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, xăng E5 và E10 được pha chế với tỷ lệ lần lượt là 95% và 90% xăng RON 92 cùng với 5% và 10% cồn sinh học. Xăng khoáng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không thể tái tạo, do đó, việc sử dụng cần phải tiết kiệm, và hầu hết các quốc gia đều áp dụng thuế này. Để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn cho loại này so với xăng khoáng.
Theo số liệu của Bộ Công Thương,Việt Nam tiêu thụ khoảng 22-23 triệu m3 xăng dầu mỗi năm. Trong nửa đầu năm nay, cả nước đã tiêu thụ khoảng 13,2 triệu m3 xăng dầu, giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021, tổng thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ xăng các loại đạt khoảng 9.777 tỷ đồng, bao gồm cả nhập khẩu và tiêu thụ nội địa, chiếm 6,88% tổng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Liên quan đến ý kiến của Bộ Tài Chính, trao đổi với Petro Times, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, theo quan điểm của chúng tôi chính vì mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu mà mặt hàng xăng đã là mặt hàng phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt nữa, đây là mặt hàng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng (là thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường). Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Chúng tôi hiểu rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế điều chỉnh hành vi, nhắm vào các mặt hàng mà Nhà nước hạn chế người dân tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá, golf.. Nhưng thực ra xăng là mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành quan trọng khác của đất nước trong đó có nông nghiệp, trồng trọt chăn nuôi cho đến thủy sản, vận tải...
“Đặc điểm của xăng dầu là nó không phải là mặt hàng có thể dễ dàng thay thế bằng loại khác, bản chất không phải là mặt hàng xa xỉ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, vì xăng là nguyên liệu đầu vào quan trọng của các ngành hàng khác nên khi xăng chịu thêm thuế chắc chắn sẽ làm tăng chi phí và giá cả đối với các mặt hàng khác so với việc không áp dụng. Đây cũng là một tác động mà Ban soạn thảo luật cần phải tính đến một cách đầy đủ. Tất nhiên chúng tôi hoàn toàn hiểu ban soạn thảo còn tính đến một yếu tốt nữa là áp lực của nguồn thu ngân sách khi đây là một nguồn thu quan trọng đối với ngân sách nhà nước.