Tại sao Quách Quỳ đại bại khi mang quân xâm lược Đại Việt?
Cái dở trong dùng người của Tống Thần Tông chính là cái may cho nước ta.
Trong chiến thắng của quân ta thời Lý trước quân Tống xâm lược thì phải kể đến cả 3 yếu tố ta có mà Tống thiếu. Thứ nhất là thiên thời khi vận khí nước ta đang lên, nhà Tống đang xuống. Về địa lợi là ta có phòng tuyến Như Nguyệt vững chắc trong khi quân Tống lại từ xa đến, thiếu thốn trăm bề. Còn nhân hòa là ta có tài dùng binh của Lý Thường Kiệt và quân dân cả nước đồng lòng còn ngược lại thì quân Tống không có sự thống nhất.
Chính việc quân Tống không có tiếng nói chung khi sang xâm lược nước ta khiến các chiến dịch của họ không đạt được hiệu quả cao nhất và cuối cùng rơi vào thất bại nhanh hơn, ta cũng đỡ tốn xương máu hơn trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Như đã biết, khi biết dã tâm nhà Tống sớm muộn sẽ xâm lược nước ta, thái úy Lý Thường Kiệt chủ trương “Ngồi đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Bởi vậy, cuối năm 1075, 10 vạn quân thủy bộ của ta do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, bất ngờ tập kích vào các căn cứ xâm lược của quân Tống mà trung tâm là thành Ung Châu.
Nhà Tống rất bất ngờ trước cuộc tập kích của quân đội nhà Lý. Lúc đầu Tống triều hoang mang, lúng túng rồi sau mới đề ra được chủ trương: lợi dụng khi quân Lý Thường Kiệt đang bị giam chân Ở Ung Châu, điều đại quân đánh thẳng sang chiếm lấy nước ta. Nhưng chủ trương đó chưa kịp thực hiện thì quân ta đã hạ xong thành Ung Châu và ung dung rút về nước đầu năm 1076.
Theo cuốn "Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam", vua Tống cử Quách Quỳ là một võ tướng cao cấp đã từng giúp Phạm Trọng Yêm giữ biên thùy phía bắc chống lại nước Hạ, làm chánh tướng. Triệu Tiết giữ chức viên ngoại lang bộ lại đang coi Diên Châu (Thiểm Tây) được điều về làm phó tướng.
Nhưng thực ra ban đầu thì ý định của Tống Thần Tông không phải sử dụng cặp Quách Quỳ - Triệu Tiết mà là muốn để Triệu Tiết làm chủ tướng. Tống sử quyển 312 phần Triệu Tiết chép: "Giao chỉ bạn, chiếu vi An nam hành doanh kinh lược, chiêu thảo sử, tổng cửu tướng quân thảo chi, dĩ trung quan Lý Hiến vi nhị" cho thấy Tiết được bái làm An nam hành doanh kinh lược còn Lý Hiến (Gia Châu phòng ngự sử) làm phó. Thế nhưng, "Tiết dữ nghị bất hợp, thỉnh bãi Hiến" cho biết Tiết và Hiến bất hòa với nhau nên Tiết dâng sớ đòi bãi Hiến.
Tống Thần Tông không muốn mang quân đi đánh xa mà 2 tướng thống soái lại bất hòa nên đã thuận theo lời của Tiết mà bãi Hiến. Tiếp đến, Thần Tông lại hỏi Tiết nên cử ai là tướng đi cùng trong chiến dịch xâm lược Đại Việt. Tống sử chép: "Thần tông vấn khả đại giả, Tiết dĩ Quách Quỳ lão biên sự, nguyện vi bì tán, ô thị dĩ Quỳ vi tuyên phủ sử, Tiết phó chi". Theo Tống sử thì sau khi Thần Tông hỏi ý Tiết thì Tiết tiến cứ Quách Quỳ, tự nguyện làm phó. Sở dĩ Tiết tiến cử Quỳ vì trước đó Tiết và Quỳ đã từng làm việc khá ăn ý trong việc phòng thủ ở biên giới với Tây Hạ. Còn việc tự nguyện làm phó thì có lẽ chỉ là khiêm tốn để tỏ ra mình không muốn tranh công, đoạt chức để vua Tống khỏi hoài nghi. Việc Tiết được trao quyền thống lĩnh một lượng quân lớn mà lại tìm cách đẩy quan thân cận với nhà vua là Lý Hiến ra khỏi ekip lãnh đạo thì Tiết cũng sợ bị Thần Tông nghi ngờ có bụng khác lắm chứ.
Sau khi nhận tấu của Tiết, vua Thần Tông thuận nước đẩy thuyền nên đảo lại luôn chánh phó. Thay vì để Quỳ thay vị trí của Hiến làm phó cho Tiết thì Thần Tông lại để Quỳ làm chánh, còn Tiết là phó. Thực ra việc hoán đổi chánh phó này cũng có cái lý của Thần Tông. Triệu Tiết xuất thân tiến sĩ, giữ viên ngoại lang bộ lại, coi Diên Châu (Diên An, Thiểm Tây) rất được thừa tướng Vương An Thạch tin dùng. Khi Thần Tông muốn cử Tiết làm chánh tướng thì là lúc Vương An Thạch đang được tín nhiệm. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, Vương An Thạch không còn được tín nhiệm thì Triệu Tiết cũng không còn được trọng dụng làm chánh tướng. Quách Quỳ lớn hơn Triệu Tiết 4 tuổi và từng là chỉ huy của Triệu Tiết tại biên giới với Tây Hạ nên được Thần Tông đôn lên làm chánh tướng.
Động thái mang màu sắc chính trị này của Thần Tông có vẻ không làm Triệu Tiết hài lòng. Cái dở trong dùng người của Tống Thần Tông chính là cái may cho nước ta. Tổng sử chép: "Quỳ chí, triếp dữ Tiết dị", có nghĩa là Quỳ đến thì lại bất hòa tiếp với Tiết. Quỳ vốn hơn tuổi Tiết, từng là chỉ huy của Tiết lại tự phụ con nhà danh tướng, có nhiều kinh nghiệm thực tế chiến trường hơn Tiết vốn xuất thân thư sinh. Còn Tiết thì vốn hậm hực vì việc từ chánh thành phó nên cũng muốn "thể hiện" và không hợp tác toàn diện với Quỳ.
Bất đồng giữa hai người được Tống sử chép: "Tiết dục thừa binh hình vị động, tiên phủ tập lưỡng giang động đinh, trạch tráng dũng đạm dĩ lợi, sử chiêu lai huề nhị, huy kỳ phúc tâm, nhiên hậu dĩ đại binh kế chi, Quỳ bất thính" tạm hiểu là "Tiết muốn nhân lúc chưa động binh, phủ dụ tập hợp người Động ở Lưỡng Giang, dùng lợi ích dụ dỗ những kẻ tráng dũng, sai sứ giả chiêu nạp những kẻ hai lòng, phá hủy cơ sở của họ, về sau sẽ đưa đại quân đến "đánh dẹp", Quỳ không nghe".
Hay "Tiết hựu dục sử nhân tê sắc bảng nhập tặc trung chiêu nạp, hựu bất thính. Toại lệnh yến đạt tiên bị quảng nguyên, phục hoàn vĩnh bình. Tiết dĩ vi quảng nguyên gian đạo cự giao châu thập nhị dịch, thú lợi yểm kích, xuất kỳ bất ý, xuyên đồ tịnh tiến, tam lộ trí thảo, thế tất phân hối, cố tranh bất năng đắc". tạm hiểu là: "Tiết lại muốn sai người treo sắc bảng chiêu nạp ở Giao châu (tức chỉ Đại Việt), Quỳ lại không nghe. Trước đó Quỳ lệnh cho Yến Đạt phòng bị châu Quảng Nguyên, rồi lại điều ông ta về Vĩnh Bình; Tiết cho rằng Quảng Nguyên chỉ cách đai bản doanh Giao châu khoảng chừng 12 trạm dịch, có thể tập kích, nên chia quân 3 lộ, thủy bộ cùng tiến, ắt đánh cho quân Nam tan vỡ; vì thế Tiết cố gắng tranh luận, nhưng vẫn không được".
Vì những bất đồng đó, mà chẳng ai chịu ai. Trong lúc hành quân hạ trại thì chánh tướng và phó tướng tự chỉ huy khối quân của mình. Sức mạnh tổng hợp của đạo quân viễn chinh này tự bị xé nửa. Tuy rằng trong binh thư của Trung Quốc có nói đến việc chia quân tạo thế "ỷ giốc" để đầu đuôi ứng cứu được với nhau nhưng trên thực tế thì sự phối hợp liên lạc giữa hai khối quân này rất hạn chế. Ngay khi đóng trại tại phía Bắc phòng tuyến sông Như Nguyệt thì hai bên cũng hạ trại cách nhau đến 60 dặm, khoảng 30 cây số.
Sau khi thất bại và phải kéo tàn binh về nước, cả Quách Quỳ và Triệu Tiết đều bị giáng tội nhưng mức độ khác nhau. Tống sử chép: "Quỳ ký tọa biếm, Tiết diệc dĩ bất tức bình tặc, giáng vi Trực long đồ các, tri Quế châu", tạm hiểu là Quỳ bị biếm chức vì tự ý giảng hòa còn Tiết chỉ bị trách tội không chịu đánh trận kịp thời nhưng vẫn được làm Trực Long Đồ các, Tri Quế Châu.
Tại sao Tiết lại bị luận tội "bất tức bình tặc"? Phải chăng vì không xuất quân theo lệnh của chánh tướng? Nhưng vì chính kế hoạch của chánh tướng cũng chẳng mang lại hiệu quả nên thành ra việc không nghe lệnh đó lại không bị kết án nặng nề. Sau đó, Tống sử cũng không còn chép thêm về hoạt động chung nào nữa của Quỳ và Tiết.