Tấm lòng của nhà thơ Quách Tấn với 'Nhật ký trong tù'

Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà thơ Quách Tấn phỏng dịch. Đây là ấn phẩm kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác (19-5-1890 - 19-5-2023) và 80 năm (1943 - 2023) ngày Bác Hồ hoàn thành tập thơ Nhật ký trong tù.

Dịch thơ vì cảm mến cụ Hồ

Tập thơ Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm tại Quảng Tây, Trung Quốc. Bản dịch Nhật ký trong tù được tập thể dịch giả Viện Văn học chuyển ngữ, xuất bản lần đầu tiên năm 1960 nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Bác Hồ. Ít tháng sau, do cơ duyên, nhà thơ Quách Tấn (sống ở Nha Trang) đã có được tập thơ Nhật ký trong tù do một người họ hàng gửi từ Pháp về. Vì yêu thích thơ Đường, vì cảm mến cụ Hồ, ông đã âm thầm dịch lại tập thơ này.

Ấn phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Quách Tấn phỏng dịch) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản.

Theo ông Quách Giao (con trai nhà thơ Quách Tấn), khi nhận được tập thơ, thi sĩ Xứ Trầm Hương đã rất vui mừng. Ông đã dành nhiều ngày để nghiền ngẫm nguyên tác tập thơ cùng phần dịch thơ của nhà thơ - dịch giả Nam Trân và một số bậc túc nho khác, tuy nhiên có một số bài dịch ông không thích lắm. “Vốn là người yêu thơ Đường luật, cha tôi bắt đầu dịch lại một số bài thơ trong tập Nhật ký trong tù mà ông cho là dịch chưa hay. Dần dần ông mở rộng ra toàn tập, chỉnh sửa nhiều lần, mãi đến khoảng năm 1975, bản thảo dịch thơ mới hoàn thành”, ông Quách Giao kể.

Một điều khá lạ, dù là một nhà thơ rất giỏi thơ Đường (từng nổi tiếng với tập thơ Mùa cổ điển), từng dịch rất nhiều thơ Đường, nhưng khi dịch Nhật ký trong tù, nhà thơ Quách Tấn lại chuyển một số bài như: Trúc lộ phu (Phu làm đường), Đăng quang phí (Tiền đèn), Ngục đinh thiết ngã chi sĩ đích (Lính ngục trộm mất cây gậy)… sang thể thơ lục bát. Ông Quách Giao giải thích: “Cha tôi thấy nhiều bài dịch thành lục bát nó ý vị hơn nên ông đã chuyển sang thể thơ này”. Cũng chính vì có sự hoán đổi về thể thơ ở một số bài nên Quách Tấn đã khiêm tốn để là “phỏng dịch”.

Duyên kỳ ngộ với bản dịch

Cuối năm 1975, nhà thơ Quách Tấn đã tự tay chép kỹ lưỡng phần dịch thơ, nhờ nhà thư pháp Trần Thúc Lâm (1913 - 1981) viết phần chữ Hán của tập Nhật ký trong tù để cất làm kỷ niệm chứ không muốn in ấn. Cũng chính vì vậy, bản dịch này đã được cất giữ 40 năm cho đến ngày nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam giới thiệu với các NXB.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, năm 1978, trong một lần cùng đoàn cán bộ của Viện Sử học đến Nha Trang để thu thập các tác phẩm khảo cứu văn hóa - lịch sử được xuất bản dưới chế độ cũ, ông đã tìm gặp nhà thơ Quách Tấn để nhờ “chỉ bảo” việc thu thập. Vì cảm mến, trước khi chia tay, tác giả Xứ Trầm Hương đã cho ông Quốc xem bản thảo dịch Nhật ký trong tù. “Tôi cảm cụ Hồ là một nhà thơ nên tôi đọc kỹ phần dịch ra quốc ngữ của các bậc túc nho ngoài Bắc dịch, thấy có nhiều điều hay nhưng cũng có điều chưa thật ưng ý. Vả lại, với cái thú của người vốn thích dịch thơ Đường nên tôi cất công ngồi dịch lại… Suốt từ đó đến nay tôi vẫn cất kín đáo ở đây, chẳng mấy cho ai xem, và nhất là bây giờ thì càng giữ kín, kẻo người ta coi là xu thời. Tôi thấy cậu thích sách vở nên cho cậu xem để biết thôi và đừng nói với ai cả…”, nhà sử học Dương Trung Quốc kể tâm sự của nhà thơ Quách Tấn ngày hôm đó trong bài viết “Một lần gặp Quách Tấn” .

Sau này khi có dịp vào Nha Trang, nhà sử học Dương Trung Quốc đến thăm gia đình nhà thơ Quách Tấn và được ông Quách Giao tặng một bản sao bản thảo tập thơ dịch Nhật ký trong tù (có phần chữ Hán do ông Trần Thúc Lâm viết). Đến lúc đó, ông mới chính thức được đọc toàn bộ bản dịch. Nhiều lần thấy bản thảo của Quách Tấn chữ thật đẹp, dịch thật hay và muốn giới thiệu cho mọi người cùng đọc nhưng lại chợt nhớ đến điều cụ nói “không muốn phù thịnh, xu thời” nên ông ngại ngần không dám in. Mãi đến năm 2015, sau gần 40 năm, được sự đồng ý của gia đình Quách Tấn, nhà sử học Dương Trung Quốc mới phối hợp với NXB Thế giới xuất bản bản dịch thơ Nhật ký trong tù và để nguyên chữ “phỏng dịch” như trong di cảo của nhà thơ .

Đến nay, nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã in lại bản dịch Nhật ký trong tù của nhà thơ Quách Tấn. Và cũng như lần xuất bản trước, lần này bản dịch cũng chỉ mang cái tên khiêm tốn “phỏng dịch”. Dẫu vậy, không ai có thể phủ nhận những đóng góp của Quách Tấn trong việc dịch tập thơ nổi tiếng của Bác Hồ. “Với tư cách là một dịch giả thơ chữ Hán, nếu trước đây, người đọc đã biết tài năng dịch thuật của nhà thơ Quách Tấn qua việc dịch thơ Nguyễn Du, Thái Thuận… thì hôm nay, trong cuốn sách này của ông, chúng ta hiểu và trân trọng hơn tài năng dịch thuật, đặc biệt là về tình cảm của Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, qua những trang dịch thơ tập “Ngục trung nhật ký”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) bày tỏ trong lời giới thiệu.

Tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 133 bài được viết bằng chữ Hán, phản ánh một cách chân thực về chế độ nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch; đồng thời khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Trên tất cả, tập thơ toát lên một tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, tập thơ đã được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp chữ Việt, Hán, Triều Tiên, Nhật Bản... Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận tác phẩm Nhật ký trong tù (bản gốc chữ Hán) là bảo vật quốc gia.

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202305/tam-long-cua-nha-tho-quach-tan-voi-nhat-ky-trong-tu-858014f/