Tâm lý học đường - Giải pháp giảm áp lực học hành

Những năm gần đây, tại Việt Nam, thực trạng tự tử ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ em và thanh, thiếu niên vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Áp lực học tập khiến tỷ lệ học sinh, sinh viên trầm cảm, lo âu gia tăng.

Áp lực học tập khiến tỷ lệ học sinh, sinh viên trầm cảm, lo âu gia tăng.

Tham vấn tâm lý học đường được xem là một trong những giải pháp gỡ rối.

Tham vấn tâm lý học đường được xem là một trong những giải pháp gỡ rối.

Tham vấn tâm lý học đường là nhu cầu cần thiết tại các trường học Âu Mỹ.

Tham vấn tâm lý học đường là nhu cầu cần thiết tại các trường học Âu Mỹ.

Chính vì thế, tham vấn tâm lý học đường đã được xem là một trong những giải pháp giúp tháo gỡ áp lực của học sinh. Thế nhưng, thực tế những phòng tham vấn học đường tại các trường học vẫn còn nhiều hạn chế.

Đã có hướng dẫn nhưng phần lớn chỉ hoạt động… cầm chừng

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Trong Thông tư đã hướng dẫn cụ thể về nội dung, hình thức thực hiện và công tác phối hợp trong tư vấn tâm lý trong nhà trường, giữa nhà trường với các lực lượng bên ngoài như thế nào.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tâm lý, các phòng tham vấn tâm lý học đường ở trường học hiện nay “hầu như chỉ hoạt động cầm chừng, cho có”. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Theo đó, ngày 31/8/2022, Bộ GD&ĐT lại tiếp tục ban hành Công văn số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Trong văn bản chỉ ra những hạn chế của công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý hiện tại như: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Thêm vào đó, công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu; chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục; năng lực của một số cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý học đường còn hạn chế; nguồn lực cho hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh chưa được đầu tư. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc hiện tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục còn chưa được thường xuyên.

Đặc biệt, sau 02 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều học sinh phổ thông đã gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử,... Cụ thể, một thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) được công bố vào đầu năm nay cho thấy, trước đại dịch COVID-19, Việt Nam có khoảng 3% trẻ có suy nghĩ liên quan đến tự tử. Nhưng con số này đã tăng lên thành gần 24%, cao hơn nhiều so với chỉ số trung bình trên thế giới là khoảng 9%.

Tham vấn tâm lý học đường được xem là một trong những giải pháp gỡ rối.

Tham vấn tâm lý học đường được xem là một trong những giải pháp gỡ rối.

Bên cạnh đó, một loạt các nghiên cứu về tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên tại Việt Nam trong thời gian qua cũng cho thấy tỷ lệ trầm cảm, lo âu, căng thẳng tăng đột biến, đây cũng là những vấn đề làm kích hoạt hành vi tự tử xảy ra. Trong các loại căng thẳng thường gặp ở học sinh, sinh viên, áp lực học tập thường được đánh giá có tác động lớn nhất, bên cạnh đó còn có các tác nhân khác như bất hòa trong gia đình, bạn bè, rắc rối liên quan đến giới tính, tiền bạc, sức khỏe, thói quen nghiện chơi điện tử,…

Trước thực trạng khủng hoảng tâm lý trong lứa tuổi học đường ngày một phức tạp hơn bởi nhiều yếu tố tác động, việc thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường là một giải pháp quan trọng nhằm góp phần phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với học sinh đang hoặc có nguy cơ gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Tại nhiều quốc gia Âu Mỹ, tham vấn tâm lý học đường là nhu cầu cần thiết tại các trường học. Các mô hình tham vấn học đường đa dạng đã ngày càng phổ biến và phát triển trong hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia phát triển, góp phần đưa ra các ý tưởng và giải pháp đối với việc quản lý nhà trường, đồng thời tư vấn cho việc ra các quyết định mang tính chất hết sức cá nhân của học sinh và phụ huynh.

Tại Việt Nam, khi thành lập các tư vấn tâm lý học đường tại nhiều trường học, hiệu quả nhãn tiền chính là nhận thức của lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong các nhà trường về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh ngày càng được nâng cao. Trên cở sở đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng tư vấn tâm lý học đường cho đội ngũ giáo viên trong trường cũng được quan tâm, chú trọng hơn.

Ngừng đổ lỗi mà hãy phối hợp để tìm giải pháp

Nhằm cải thiện công tác tham vấn tâm lý học đường, nhiều chuyên gia tâm lý đã nêu các nhận định đa chiều trước truyền thông, báo chí. Đơn cử, TS Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, nêu nhận định về vấn nạn học sinh tự tử gia tăng rằng “nếu đổ lỗi tất cả cho gia đình, thầy cô, nhà trường khá phiến diện. Áp lực có thể ở môi trường nào cũng có, nhiều học sinh cũng trong tình huống tương tự, nhưng tại sao mỗi em lại lựa chọn một hướng giải quyết khác?”.

Tham vấn tâm lý học đường là nhu cầu cần thiết tại các trường học Âu Mỹ.

Tham vấn tâm lý học đường là nhu cầu cần thiết tại các trường học Âu Mỹ.

Rõ ràng, để giải quyết vấn đề này cần sự tìm hiểu kỹ lưỡng về các khúc mắc tâm lý của các em học sinh và đưa ra các giải pháp căn cơ hơn để cải thiện trạng thái tâm lý và sức khỏe tâm thần của các em, hơn là đổ lỗi. Mặt khác, chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy cho rằng “trường học tuyệt đối không có tư tưởng “mọi chuyện là do học sinh hư hỏng” mà đổi sang hướng tìm kiếm những cản trở và nâng đỡ học sinh”.

Nhấn mạnh vai trò của cơ chế phối hợp, Công văn số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV đã nêu rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT trong triển khai phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp với những trường hợp học sinh có khó khăn về tâm lý.

Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể và hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, hình thức, nội dung tư vấn tâm đường; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời về tư vấn tâm lý học đường; có đánh giá, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục về tư vấn tâm lý học đường.

Về phía các trường học phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn học đường, từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến tâm lý của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, thông tin về việc khuyến khích các trường ký hợp đồng với cán bộ, giáo viên hoặc chuyên gia có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp trong việc tư vấn tâm lý ngay lập tức thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo phụ huynh, học sinh trên cả nước.

Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, để bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục là tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT liên quan đến công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, gia đình - nhà trường - xã hội về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Hoạt động truyền thông cần thực hiện thường xuyên, liên tục, có chiều sâu và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

Diệu Bảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tam-ly-hoc-duong-giai-phap-giam-ap-luc-hoc-hanh-post458354.html