Tầm nhìn cho văn hóa Hà Nội

Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm văn hóa chính trị, kinh tế, bộ mặt của quốc gia, nơi đầu mối giao lưu với toàn thế giới nên văn hóa càng cần phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong đời sống Thủ đô.

Quy hoạch các không gian văn hóa ven sông

Sau Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Hà Nội đã có nhiều đổi mới và bước tiến trong chỉ đạo phát triển văn hóa, nhằm hiện thực hóa các chủ trương của T.Ư: chẳng hạn như, Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hay mới đây, Hà Nội có Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Gần đây nhất là Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có thể nói, những Nghị quyết, chủ trương, chính sách của T.Ư cũng như Hà Nội là tiền đề vô cùng quan trọng cho sự phát triển văn hóa của Thủ đô.

Theo tầm nhìn phát triển của Hà Nội trong tương lai thì sông Hồng sẽ là trục chính của Thủ đô. Đây là một bước thay đổi căn bản về không gian kinh tế, văn hóa. Điều này tạo cho Hà Nội giống nhiều TP lớn trên thế giới như Moscow (Nga), Paris (Pháp), London (Anh), Seoul (Hàn Quốc)… với một dòng sông lớn là trục chính.

Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Đứng từ góc quy hoạch văn hóa, trên trục dòng sông này là những thực thể văn hóa. Theo đó, hệ thống di tích ven hai bên bờ sông từ đầu nguồn thuộc địa phận Hà Nội đến phía Nam, nổi bật là các di tích thờ Hai Bà Trưng, Chử Đồng Tử - Tiên Dung và các vị thần khác. Nếu như khu vực xứ Đoài ven sông Đà là hệ thống di tích thờ Tản Viên Thánh, thì hai bên sông Hồng là các di tích thờ nhị vị Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các vị tướng của Hai Bà và những vị thần khác.

Kèm theo các di tích này là hệ thống lễ hội, phong tục tập quán, nghi lễ, trò diễn của các cộng đồng làng sinh sống nhiều đời tại đây. Sông Hồng là một con sông cổ, do vậy cư dân sinh sống hai bên từ lâu đời và vốn đã có truyền thống văn hóa kế thừa của nền văn minh sông Hồng xưa. Đó là các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, quận Bắc Từ Liêm, quận Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm, huyện Thanh Trì, Thường Tín bên hữu ngạn và Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm bên tả ngạn.

Cùng với lễ hội, phong tục, diễn xướng dân gian là hệ thống làng nghề của các làng hai bên bờ sông Hồng và xa hơn là phần sông Đà thuộc địa phận Hà Nội. Đây là những di sản quý giá cho việc quy hoạch các giá trị văn hóa nhằm phát triển kinh tế của Hà Nội với lụa Cổ Đô, gốm Bát Tràng và những làng nghề khác. Tóm lại là toàn bộ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng hai bên sông Hồng sẽ là một phần đóng góp đáng kể vào trục văn hóa sông Hồng trong tương lai cần phải lưu ý.

Thiết nghĩ, theo từng đoạn sông Hồng có thể tiến hành những hoạt động văn hóa xuyên suốt như du lịch trên, có thể thiết kế các tuyến du lịch ngắn trong nội bộ từng đoạn hoặc xuyên đoạn hoặc kết nối với địa phương khác.

Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa ở khu vực giữa các cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, Long Biên và Chương Dương, Nhật Tân và Thăng Long… Giữa hai cầu và trên các cầu có thể tổ chức những hoạt động trình diễn nghệ thuật ánh sáng, pháo hoa, âm nhạc như ở các nước. Không gian sông Hồng hoàn toàn phù hợp để thực hiện những ý tưởng đó.

Ngoài trục sông Hồng là chính thì về lâu dài cũng cần tính đến các dòng sông huyền thoại khác của Hà Nội như Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Đáy, sông Tích... Một khi các dòng sông đó được khơi thông, làm sạch môi trường thì không chỉ là giao thông, du lịch và đặc biệt là văn hóa truyền thống của dân cư hai bên bờ từ bao đời nay cũng là những tầm nhìn cần được xem xét. Mặc dù hai bờ của sông Kim Ngưu, Tô Lịch tất cả các làng cổ nay đã thành phố thị, song văn hóa của họ với các di tích, lễ hội một thời sẽ là giá trị không nhỏ góp sức cho phát triển TP.

Lý tưởng nhất là khi tất cả các dòng sông của Hà Nội được kết nối với nhau thì chắc chắn các hoạt động văn hóa tại đây sẽ vô cùng phong phú và đa dạng, tăng sức hấp dẫn đối với người dân TP và du khách thập phương. Vì thế, việc quy hoạch văn hóa của các dòng sông với trục chính là sông Hồng là vấn đề phải được lưu ý. Kinh nghiệm từ hai dòng Kim Ngưu, Tô Lịch cho thấy, nếu không có sự quy hoạch ngay từ đầu thì việc cắt xén, lấn chiếm, xẻ thịt những không gian quanh những dòng sông này sẽ là bài học đắt giá cho trục sông Hồng trong thời gian tới.

Giữ văn hóa truyền thống trong nhịp đô thị hóa

Văn hóa truyền thống đang tồn tại trong đô thị ở những làng đã lên phố. Đó là những sinh hoạt văn hóa dân gian trong các phố phường đô thị Hà Nội như các lễ hội chùa, đền, các nghi lễ trong phố cổ. Đặc biệt là các phong tục tập quán, nếp sống, nếp ăn, chơi của người phố cổ xưa sẽ là một đặc sản vô cùng quý báu cho văn hóa Hà Nội trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa hiện nay.

Những “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng, “Phở” của Nguyễn Tuân; chả cá Hà Nội, cốm Vòng… trong “Vang bóng một thời” cũng của Nguyễn Tuân nay sẽ là niềm say mê khám phá, trải nghiệm, hấp dẫn không chỉ với khách nước ngoài mà ngay cả người dân trong nước.

Những góc phố, quán ăn vỉa hè với những món ngon dân dã suốt bao năm day dứt những người Hà Nội xa xứ liệu có còn được khôi phục hay không trong tương lai, đó có phải là một việc cần làm của quy hoạch văn hóa Hà Nội hôm nay?

Với 1.750 làng nghề trên địa bàn, Hà Nội cũng đứng đầu cả nước về số lượng làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguy cơ mai một của các làng nghề đang là hiện hữu. Vì thế, bên cạnh xác định làng nghề thủ công truyền thống là một ngành kinh tế, cũng nên xem xét khía cạnh văn hóa của làng nghề Thủ đô.

Điều này thể hiện ở sản phẩm nghề từ những làng nghề này, không còn đơn thuần chỉ là những hàng gia dụng nữa, mà cần hướng tới những sản phẩm văn hóa, chứa đựng trí tuệ và sự sáng tạo nghệ thuật thì các sản phẩm đó mới tồn tại một cách lâu dài, bền vững.

Chương trình nghệ thuật Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình tại Hà Nội tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Chương trình nghệ thuật Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình tại Hà Nội tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế, gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ cũng như nhiều làng nghề khác đang bắt đầu tìm ra những hướng đi cho riêng mình. Mẫu mã, chất lượng và đặc biệt là sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của con người hiện đại, sự thay đổi, cập nhật với văn hóa thế giới… là những yêu cầu cấp thiết để “thay máu” các làng nghề của Thủ đô hôm nay. Nhìn từ góc độ chính sách quy hoạch thì chính quyền TP như một bà đỡ để các làng nghề có thể phát triển mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế văn hóa chung của toàn Thủ đô.

Cùng với việc bảo tồn các làng cổ và văn hóa làng ở đó, một đô thị lớn với số dân đông, nhu cầu của một không gian văn hóa sinh thái là hiện hữu. Hà Nội có ngọn núi thiêng Ba Vì, có khu thắng cảnh Hương Sơn, Quan Sơn, Đồng Mô và khu vực rừng tự nhiên Sóc Sơn..., nếu không có kế hoạch bảo vệ sẽ mất đi lá phổi lớn của TP.

Trong tương lai, không gian môi trường sinh thái sẽ là một không gian văn hóa đáng kể của tất cả các TP cũng như cộng đồng dân cư trên toàn thế giới. Hà Nội cũng không là ngoại lệ khi mà tốc độ dân số cơ học càng ngày càng tăng lên thì nhu cầu không gian này càng cấp thiết.

Vì thế, việc quy hoạch dành ra những không gian môi trường sinh thái là vấn đề sống còn của sự phát triển đô thị. Nó không còn là vấn đề của kinh tế, của môi trường sinh thái mà là vấn đề của văn hóa. Hãy nhìn tất cả những TP đáng sống trên thế giới sẽ thấy họ quan tâm đến vấn đề này như thế nào. Hiện tại Hà Nội đang còn cơ hội này, song cũng không còn nhiều nếu không có một tầm nhìn sớm.

Bên cạnh đó, sở hữu 1.206 lễ hội dân gian trên địa bàn, Hà Nội là địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất và cũng đa dạng, phong phú nhất sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội.

Hà Nội có đầy đủ văn hóa cũng như lễ hội của bốn xứ (tứ trấn) Đông, Nam, Đoài, Bắc và còn một phần dân tộc thiểu số. Khi công cuộc đổi mới của đất nước được tiến hành, hầu hết các lễ hội dân gian đều được khôi phục và phát triển. Các lễ hội truyền thống chứa đựng không chỉ những di sản văn hóa đa dạng, phong phú của cha ông, mà còn luôn luôn thể hiện sự sáng tạo và phục hưng văn hóa của người dân các địa phương.

Phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo

Trong bối cảnh mới, di tích lịch sử, văn hóa không chỉ còn thuần túy là những bảo tàng cố định, mà là những địa điểm tham quan, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt khi Hà Nội là TP của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.

Thực tế cho thấy, những di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, đền Cổ Loa và nhiều di tích khác thời gian qua đã không dừng lại ở chuyện thăm viếng, học hỏi, mà đã là những không gian văn hóa rất phong phú.

Tại đây có thể tổ chức những sự kiện, những thực hành văn hóa với nhiều màu sắc khác nhau như triển lãm, thời trang, thư pháp, trình diễn nghệ thuật... Di tích, bảo tàng không còn thuần túy những thiết chế tĩnh tại, khô cứng, mà đã trở thành những không gian văn hóa sáng tạo cho nhiều thế hệ, nhiều hoạt động nhằm phục vụ con người. Đây sẽ là xu thế mạnh mẽ của văn hóa Hà Nội trong tương lai cần được chú trọng.

Cùng với các di tích này là những không gian đường phố và không gian công cộng như thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Hồ Gươm, Tây Hồ, hồ Thiền Quang, các công viên trong nội đô và tại tất cả các quận, huyện đều là tiềm năng vô tận của một thành phố sáng tạo. Những công viên mới được xây dựng tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Long Biên… đang cho thấy tiềm năng to lớn này.

Ngoài ra, những di sản một thời như các công trình kiến trúc Pháp thời thuộc địa với các nhà cửa, đường phố, trường học, công sở… đã và sẽ là những địa điểm sáng tạo, du lịch văn hóa hấp dẫn. Những công trình công nghiệp thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội nay đã đổi mới và di chuyển địa điểm, nhưng không gian của chúng lại là những địa điểm lý tưởng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, khu Cao Xà Lá…

Trước khi có những ngành văn hóa hiện đại thì công nghiệp văn hóa nên chăng phải bắt đầu từ các văn hóa truyền thống. Thực tế như các lễ hội, nghề thủ công, trình diễn nghệ thuật dân gian, thực cảnh như Tinh hoa Bắc Bộ (Quốc Oai)… tại Hà Nội đã chứng minh có thể khai thác và phát huy được để đem lại lợi ích kinh tế cho Thủ đô.

Tương tự như vậy, trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa được Hà Nội đề ra thì một thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa là hai lĩnh vực cần sự tham gia của văn hóa truyền thống nhất. Dần dần chúng ta sẽ phát triển các lĩnh vực còn lại và cần phải phát triển nó, tuy nhiên những lĩnh vực đó đòi hỏi mất thời gian, tiền bạc và công sức không hề nhỏ, không thể ngày một ngày hai mà có được.

Các loại hình văn hóa hiện đại của ngày nay có thể phát triển ngành công nghiệp sáng tạo như âm nhạc, mỹ thuật, múa, sân khấu, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt, trang trí ngoài trời… Thời gian qua, nhiều di tích đã khai thác công nghệ hiện đại, công nghệ ánh sáng, AI vào các di sản truyền thống như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn… Một xu hướng mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, đó là các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa trong các khu đô thị như trở thành một hiện tượng mới và góp phần vào đời sống văn hóa Thủ đô.

Quy hoạch không gian cho các lĩnh vực văn hóa cần được các cấp chính quyền lưu ý và có sự chuẩn bị càng sớm càng tốt. Việc quy hoạch văn hóa nói chung, cụ thể ở đây là không gian cho văn hóa phải được coi như một chiến lược, một triết lý rõ ràng.

Triết lý phát triển Thủ đô được hình thành trên cơ sở đánh giá, phân tích đặc điểm địa chính trị, kinh tế của Hà Nội; xuất phát từ việc xác định mục tiêu phát triển và đánh giá bản sắc và những lợi thế vượt trội của Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong những cơ sở quan trọng để xác định triết lý phát triển của Hà Nội.

Ngoài những “Món ngon Hà Nội” day dứt tâm hồn kẻ xa xứ, thì ẩm thực Hà Nội vô cùng đa dạng, phong phú đã và đang là nguồn hấp dẫn vô bờ đối với người Hà Nội, du khách trong nước cũng như quốc tế.

Các nguyên thủ quốc gia như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi ăn bún chả Hà Nội, Thủ tướng Australia Anthony Albanese ăn bánh mì Hà Nội… đã cho thấy ẩm thực Hà Nội có vai trò thế nào trong đời sống người Hà thành và du khách.

Ngoài những món ăn nổi tiếng trong nội thành, những quán ngon vỉa hè, ẩm thực của các vùng quê ngoại thành cũng đang là đặc sản thu hút sự tò mò, hấp dẫn du khách bốn phương. Tiềm năng này có đáng để quy hoạch như một sản phẩm văn hóa của Hà Nội hay chăng?

GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tam-nhin-cho-van-hoa-ha-noi.html