Tản mạn hình tượng rắn trong tâm thức dân gian

Rắn là hình tượng quen thuộc trong đời sống văn hóa người Việt Nam. Ở mỗi một hình thức thể hiện, mỗi một biến thể, hình tượng rắn đều mang ý nghĩa nhất định.

Trong mười hai con giáp, rắn là con giáp thứ 6 và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của dân tộc. Là loài động vật hoang dã tồn tại trong thiên nhiên, nhưng rắn không tách khỏi đời sống con người.

Từ xa xưa, trong sinh hoạt văn hóa dân gian, rắn rất ít khi vắng mặt. Rắn, với hình ảnh đa dạng và đôi khi đối lập, vừa gần gũi vừa bí ẩn. Rắn là hiện thân của sự phồn thực, được tôn thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu, gắn liền với những ước vọng về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, rắn cũng là biểu tượng của sự bảo vệ, oai nghiêm canh giữ chùa chiền, đền miếu, hiện diện uy nghi trong hình hài thần rắn Naga.

Không chỉ dừng lại ở đó, sự thông thái, tinh ranh của loài rắn còn được khắc họa rõ nét qua kho tàng truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao. Tất cả đều góp phần tạo nên một bức tranh đa sắc màu về loài rắn trong tâm thức người Việt. 134 Trong văn hóa dân gian người Việt, tục lệ thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy mang hai ý nghĩa: thủy thần và vật tổ. Việc xem rắn là thủy thần gắn với những ý niệm về sông nước của cư dân nông nghiệp phổ biến ở nhiều vùng. Ngày nay, chúng ta vẫn bắt gặp những đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông như sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống… Nhiều nghiên cứu chứng minh thuyết phục dấu vết của tục thờ vật tổ rắn ở nhiều nơi nước ta. Mô-típ rắn xanh được nhắc đến nhiều lần không chỉ trong văn hóa người Kinh mà có ở nhiều cộng đồng dân tộc khác. Con rồng không có thật, chỉ là sự cách điệu, tổng hợp từ hình ảnh con rắn và cá sấu mà thành. Chùm thần thoại Lạc Việt cũng coi rắn là vật tổ, Lạc Long Quân thuộc họ rồng nên có tục thờ giao long. Người dân xăm hình "giao long" có thể mang ý nghĩa tôn sùng tổ tiên mong tổ tiên luôn đi cùng để phù hộ, giúp đỡ, mọi lúc, mọi nơi… Có nhiều truyền thuyết kể rắn là con nuôi, là mẹ, là vợ, là chồng của người.

Chùm sự tích về Chu Văn An kể học trò của ông là một thủy thần - một con "giao long" đội lốt học trò. Có một chàng trai trẻ vẻ ngoài tuấn tú đến xin học, thầy Chu Văn An nghe trò nói về "tiểu sử" liền bảo rằng đã hiếu học thì ai cũng có thể học. Bạn đồng môn lại thấy người này từ đầm Lân Đàm đi đến trường. Một hôm nhìn thấy trên chỏm đầu anh ta có cánh bèo tấm, nên càng băn khoăn. Năm ấy trời làm đại hạn, thầy Chu hỏi trò ai có cách gì giúp dân, trò thủy thần thưa: "Trái lệnh thiên đình sẽ bị trừng phạt nhưng con xin làm". Người ấy lấy hai nghiên mực một đen, một đỏ và bút lông, mài mực đầy nghiên, ngửa mặt đọc chú, cầm bút chấm mực vẩy lên trời. Lập tức, mực đỏ vung lên thành sấm chớp, mực đen vung lên thì mây đen kéo đến, mưa rơi tầm tã, nước đen như mực.

Tại Thanh Hóa, đền thờ rắn được đặt tại xã Cẩm Lương, huyện Cảm Thủy cạnh suối cá thần. Theo người dân trong vùng, rắn chính là vị thần bảo hộ cho loài cá sống trong suối cá thần này. Tại đình làng Phú Bài, xã Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế có lập bài vị thần hai vị thần rắn là ông Dài, ông Cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn một dài một cụt vốn là con của thần gió từng hiện linh giúp đỡ dân làng đem lại mưa thuận, gió hòa nên được dân làng tôn xưng là thủy thần.

Linh vật rắn của Huế đang được đặt tại Quảng trường Bia trước Trường Quốc Học Huế.

Linh vật rắn của Huế đang được đặt tại Quảng trường Bia trước Trường Quốc Học Huế.

Có thể thấy, hình dạng và đặc điểm di chuyển của rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn với những con sông và nguồn nước. Việc thờ thần rắn là hình tượng tiểu biểu nhất trong tục thờ thủy thần. Đây là lớp văn hóa sớm nhất của người Việt cổ đi từ vùng núi xuống chinh phục đồng bằng.

Rắn là loài động vật đáng sợ, nhưng theo dân gian, không ít lần rắn đã giúp người Việt lập công đánh bại kẻ thù. Nhiều truyền thuyết về rắn thần đặc biệt gắn với triều Lý ở thế kỷ 11. Tương truyền, bài thơ thần Nam quốc Sơn hà của Lý Thường Kiệt được ghi lại từ lời của hai vị thần Trương Hống và Trương Hát báo trong giấc mộng. Hai vị này được cho là hóa thân của rắn thần trong đầm lầy Dạ Trạch, từng biến thành người để phò giúp Dạ Trạch vương Triệu Quang Phục đánh đuổi quân Lương. Sau này, khi Lý Phật Tử cướp ngôi, họ đã tự tử bằng lá ngón. Đền thờ của họ được lập ở ngã ba Xà, phía Nam sông Cầu. Vào thế kỷ thứ 11, Lý Thường Kiệt trong trận chiến ở phòng tuyến sông Như Nguyệt đã may mắn được hai vị thần Trương Hống, Trương Hát về hứa giúp mang thần binh đến quét sạch lũ giặc. Trong giấc mộng của Lý Thường Kiệt, hai thần ngâm bài thơ: "Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Tiếng ngâm vừa dứt, hai vị thần hóa thành đôi rắn có mào, trườn về phía sông Cầu. Lý Thường Kiệt liền truyền quân đốt đèn, lấy bút nghiên chép lại bài thơ thần trong trí nhớ. Cùng với giọng đọc hào sảng vang ra từ đền thờ thần Trương Hống - Trương Hát, quân ta đã tràn lên như vũ bão tiêu diệt quân Tống và giành thắng lợi.

Vào thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn từng nổi tiếng khi còn là cậu bé Lê Danh Phương với bài thơ Rắn đầu biếng học bằng chữ Nôm. Bài thơ 8 câu 7 chữ đã nhắc đến 8 thứ rắn phổ biến ở Việt Nam (rắn liu điu, rắn hổ lửa, rắn mai gầm, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ trâu, rắn hổ mang). Nhờ có bài thơ này mà cậu bé Lê Quý Đôn thuở nhỏ đã tránh được một trận đòn của cha vì tội biếng học, mải chơi.

Điểm qua kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao của người Việt, còn có rất nhiều hình ảnh đề cập đến rắn: Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra; Vẽ rồng vẽ rắn; Vẽ rắn thêm chân; Khẩu Phật tâm xà; Khẩu xà tâm Phật; Vóc rồng thì để phần vua, bao nhiêu vải rắn thì lừa cho dân; Lấy chồng thì phải theo chồng, chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.… và còn vô vàn câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác về loài rắn.

Trong mỹ thuật điêu khắc, rồng và rắn không phải lúc nào cũng được phân biệt rành rọt. Đôi khi nó bị biến dạng như con rồng chạm trổ trên các đồ đồng Đông Sơn mang hình con rắn nước, miệng há, đang chờ chim thiêng lao vào. Vào đời Lý, chúng ta hay nghe thành ngữ "rồng, rắn lên mây" nên con rồng chúng ta thấy trên các mái đình, chùa, thời Lý- Trần mang hình dạng rắn gọi là rồng rắn.

Như vậy, có thể thấy hình tượng rắn là rất phổ biến trong đời sống, văn hóa của người Việt từ xưa tới nay. Hình tượng rắn trong văn hóa Việt Nam, dù không hoành tráng hay huyền ảo như trong truyền thuyết của các nền văn hóa châu Âu hay châu Phi, lại mang tính phổ biến, gần gũi với đời sống thường nhật. Sự kết tinh của tín ngưỡng dân gian, triết lý sinh tồn và sự sáng tạo mang đậm bản sắc dân tộc.

Phương Thúy

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tan-man-hinh-tuong-ran-trong-tam-thuc-dan-gian-96406.html