Tăng ca, bứt tốc thi công trên công trường quốc lộ 45-Nghi Sơn
Dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn I) đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư đang trong giai đoạn 'bứt tốc' để phấn đấu hoàn thành, về đích vào tháng 9 tới theo đúng tiến độ đề ra.
Trên công trường, các nhà thầu đang dồn lực thi công những hạng mục “đường găng” của dự án, không ngơi nghỉ ngay cả trong dịp Tết Dương lịch vừa qua.
Tranh thủ từng giờ
Trong đêm tối, nếu nhìn từ trên cao xuống qua thiết bị flycam, có thể thấy hình ảnh rất thú vị: từng vệt sáng rực kéo dài hàng km, tạo ra bởi ánh điện công suất lớn do nhà thầu bật lên dọc công trường để tranh thủ thi công trong đêm. Giám đốc quản lý dự án cao tốc quốc lộ 45-Nghi Sơn (Ban Quản lý dự án 2) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho hay, dự án có chiều dài tuyến hơn 43km, tổng mức đầu tư hơn 5.534 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Giá trị sản lượng thực hiện tính từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại đạt gần 1.700 tỷ đồng, đạt gần 55% giá trị hợp đồng. Các gói thầu đều đang được đơn vị thi công đồng loạt các hạng mục đào nền đường, đắp gia tải, công trình cầu, hầm chui dân sinh,... với khối lượng lớn và kịp tiến độ đề ra.
“Tuy nhiên, nếu đánh giá tổng thể, tiến độ dự án vẫn chậm gần 1% so mốc kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh thẳng thắn thừa nhận. Điều này cũng dễ hiểu bởi đến tận cuối tháng 11/2022, công trường dự án vẫn phải hứng chịu những trận mưa lớn kéo dài. Nếu tính từ khi Bộ Giao thông vận tải phát động đợt cao điểm thi công 120 ngày đêm cuối năm 2022 tăng tốc tiến độ cao tốc bắc-nam, trên địa bàn thuộc phạm vi dự án đã có khoảng 70% số ngày mưa, khiến nhà thầu buộc phải dừng máy chờ tạnh ráo.
Phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, những ngày thời tiết mưa lớn không thể triển khai thi công nền đường, các nhà thầu tập trung nguồn nhân lực và thiết bị chuyển sang thi công hạng mục cầu, hầm chui, cống hộp nhằm tiết kiệm thời gian. Bất kể lúc nào, khi thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đều tận dụng tối đa, đổ quân chạy máy ra công trường làm xuyên ngày đêm.
“Dịp Tết Dương lịch vừa qua, nhà thầu huy động thiết bị, máy móc làm không ngơi nghỉ, chỉ nghỉ vài tiếng buổi chiều tối 1/1 cho công nhân liên hoan đón Tết rồi lại tiếp tục lao động”, ông Quỳnh cho hay. Các nhà thầu trên tuyến cũng đã lên phương án thi công xuyên Tết Nguyên đán, nhưng do vướng phải một số vấn đề vướng mắc liên quan công tác vận chuyển nên nhiều khả năng Ban Quản lý dự án 2 sẽ để nhà thầu linh hoạt cho công nhân nghỉ ngày 30 và mồng 1 Tết, sau đó tiếp tục triển khai.
Mốc tiến độ của các hạng mục, gói thầu đã được vạch ra chi tiết đến từng ngày. Cụ thể, gói XL01 (đoạn Km337-Km349) theo kế hoạch kết thúc vào ngày 17/7/2023, đến ngày 15/12/2022 vừa qua đã hoàn thành đắp gia tải và đắp đất thông thường, mục tiêu đến ngày 30/5 tới tiến hành dỡ tải; ngày 7/6 hoàn thành lu lèn lớp cấp phối đá dăm, cấp phối gia cố xi-măng và hoàn thành thảm bê-tông nhựa vào ngày 28/6/2023.
Còn gói XL02 (đoạn Km349-Km364+410,7), sẽ kết thúc vào ngày 25/8/2023, ngày 31/12/2022 vừa qua, nhà thầu đã hoàn thành đắp gia tải, phấn đầu dỡ tải vào cuối tháng 5 tới và đến cuối tháng 6/2023 sẽ hoàn thành lớp cấp phối đá dăm và cấp phối gia cố xi-măng; hoàn thành thảm lớp bê-tông nhựa mặt đường vào ngày 10/8 tới. Công ty cổ phần Lizen là nhà thầu đảm trách thi công 5,7km tuyến chính và 4,3km tuyến nối của gói thầu XL02, tiến độ hiện tại của gói thầu đạt khoảng 58%, vượt mốc tiến độ so kế hoạch hợp đồng đã ký.
Nỗi lo nền đất yếu
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL02 của nhà thầu Lizen cho biết: Để chủ động nguồn vật liệu, Lizen đầu tư hệ thống máy xay tự xay nghiền đá tại công trường, đồng thời tập trung máy móc, thiết bị, huy động khoảng 300-400 công nhân tổ chức 10 mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ. Gói thầu do Lizen đảm trách có 4/10km đất yếu, hiện đã hoàn thành việc gia tải, xử lý lún, cuối tháng 12 vừa qua đã bắt đầu dỡ tải. Hiện, nhà thầu đang thi công lớp cấp phối đá dăm gia cố xi-măng đạt gần 1km.
Dẫn chúng tôi khảo sát thực địa trên công trường thuộc gói thầu XL02, trực tiếp chứng kiến hàng dài máy lu hiện đại, công suất lớn đang hối hả làm việc, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đánh giá, Công ty cổ phần Lizen là một trong những nhà thầu đạt tiến độ tốt nhất của dự án. Nhà thầu này đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành thảm một lớp bê-tông nhựa mặt đường trong thời gian trước Tết Nguyên đán tới đây.
Theo đánh giá, hiện tại những khó khăn khách quan của dự án đã cơ bản được cơ quan quản lý giải quyết. Về vật liệu đá, nhu cầu dự án cần hơn 700 nghìn m3, đã có 13 mỏ đá đạt tiêu chuẩn với trữ lượng khoảng 25 triệu m3 sẵn sàng đáp ứng. Vật liệu cát cần khoảng 1,21 triệu m3, hiện nay có 14 mỏ và bãi tập kết cát với trữ lượng 4,65 triệu m3, đủ đáp ứng nhu cầu.
Về vật liệu đất đắp, nhu cầu dự án cần khoảng 5,546 triệu m3, đã có 10 mỏ đất đạt tiêu chuẩn đắp nền đường K95, K98 với trữ lượng khoảng 13,21 triệu m3 (trong đó, 6 mỏ đang khai thác không giới hạn về công suất sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 133/NQ-CP), đáp ứng nhu cầu vật liệu cho dự án. Tuy nhiên, vỉa đất của một số mỏ có tính chất cơ lý phù hợp với dự án đã không còn, nhất là các mỏ đất tại khu vực thị xã Nghi Sơn. Địa phận Nghi Sơn chỉ còn 1 mỏ Đức Minh có đủ thủ tục pháp lý, đáp ứng chỉ tiêu dự án, đã đe dọa tiến độ gói thầu XL03 nói riêng và tổng thể dự án nói chung.
Cho đến nay, trên toàn dự án cao tốc đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn chưa phải đã hết những khó khăn, diễn biến bất thường cản trở tiến độ hoàn thành. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục xảy ra mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Một số hạng mục khi thi công thực tế gặp sai khác nhiều so với thiết kế kỹ thuật ban đầu, khiến quá trình triển khai bị chậm so tiến độ phê duyệt; giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có những thời điểm biến động lớn, gây khó khăn cho nhà thầu.
Nỗi lo lớn nhất của chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công chính là vấn đề xử lý nền đất yếu với phạm vi 13,6/43km công địa của toàn dự án. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Ban Quản lý dự án 2 và các đơn vị thi công đang nỗ lực bám sát tiến độ với mục tiêu cao nhất là hoàn thành dự án bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy, nhà thầu đảm nhận thi công gói thầu XL01 đánh giá: Thách thức lớn nhất của nhà thầu chính là việc phải xử lý nền đất yếu tới quá nửa phạm vi đoạn tuyến đảm nhận (Km345+770 -Km349+000, dài 3,23km), với thời gian gia tải trung bình khoảng 320 ngày. Xác định quãng thời gian “chết” chờ gia tải kéo dài gần một năm, mốc tiến độ đưa gói thầu cán đích không còn nhiều, Thành Huy đã chủ động lập lại kế hoạch thi công chi tiết từ tháng 12/2022 đến tháng 8/2023, tính toán chặt chẽ mốc tiến độ của từng hạng mục công trình, tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản, cam kết đã ký trong hợp đồng.
Riêng việc xử lý nền đất yếu, nhà thầu đã phát huy tính chủ động sáng tạo, bám sát chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khi thị sát công trường, ưu tiên tăng tốc thi công các hạng mục có thể triển khai trước để có độ dư về thời gian xử lý những sự cố kỹ thuật phát sinh như độ lún bị sai khác với thiết kế, việc gia tải đòi hỏi nhiều thời gian hơn dự kiến,…
Để đốc thúc tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án 2 đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét, chỉ đạo các Sở Xây dựng, Tài chính lên phương án tính toán, xây dựng đơn giá và công bố giá đất tại mỏ đất; xem xét nâng công suất đối với các mỏ đá đang được khai thác trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh thủ tục pháp lý còn lại đối với các mỏ đất, nhất là các mỏ trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Đồng thời, Ban cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng phù hợp mặt bằng, giá cả thực tế trên thị trường làm cơ sở cho các bên tham gia hợp đồng áp dụng, bảo đảm nguyên tắc chi phí đầu tư xây dựng được tính đúng, tính đủ và phù hợp mặt bằng giá thị trường.