Tăng cường truyền thông về chương trình khảo sát chính thức SEA-PLM
Để nâng cao nhận thức cũng như hiểu vai trò của chương trình đánh giá, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã tăng cường tuyên truyền.

Học sinh Trường TH Kim Đồng (TP Hồ Chí Minh) tham gia khảo sát.
Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) chu kỳ 2024 với 7 quốc gia tham gia gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Đông Timo, Philippin, Malaysia và Myanma.
Quy mô khảo sát chính thức SEA-PLM năm 2024 tại Việt Nam tại 53 tỉnh/thành phố; 152 cơ sở giáo dục; 152 Hiệu trưởng; 1046 giáo viên, 6053 học sinh và 6053 cha mẹ học sinh. Thời gian khảo sát từ ngày 22/4 đến hết ngày 28/4.
Trước khi bước vào quá trình khảo sát chính thức, Bộ GD&ĐT đã thiết lập mạng lưới email, zalo, viber liên hệ thường xuyên để trao đổi thông tin cũng như khắc phục khi xảy ra sự cố, ví dụ (đến ngày thi học sinh ốm, hoặc chỉ làm một phần rồi nghỉ dẫn đến không thay thế học sinh, lỗi in ấn mờ ...).

Trường TH Kim Đồng, TP Hồ Chí Minh.
Bộ GD&Đ chỉ đạo các Sở GD&ĐT, nhà trường truyền thông đến các đối tượng tham gia khảo sát bằng nhiều hình thức như: công văn, thư ngỏ, giấy mời thông báo về đợt khảo sát;
Xây dựng, thiết kế và in ấn bảng mô hình hóa thông tin và yêu cầu của ban Thư ký SEAMEO về kỹ thuật tổ chức khảo sát, để địa phương dễ bao quát, theo dõi và ghi nhớ.
Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (Southeast Asia Primary Learning Metric, gọi tắt là SEA-PLM) là một chương trình được thực hiện theo sáng kiến của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), Văn phòng khu vực Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (UNICEF EAPRO)).

Các thông tin tuyên truyền cũng như lưu ý khi tham gia khảo sát.
Trọng tâm chính của chương trình là hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng các hệ thống đánh giá học tập hiệu quả, cho phép các quốc gia theo dõi kết quả học tập của học sinh và xây dựng các chính sách cải tiến, từ đó góp phần mang lại nền giáo dục công bằng và có ý nghĩa hơn cho tất cả trẻ em trong khu vực.
Chương trình SEA-PLM hỗ trợ đẩy nhanh mục tiêu Phát triển bền vững 4 (SDG 4) để bảo đảm giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng cũng như thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời.
Bối cảnh khu vực, các kĩ năng, thái độ và giá trị ASEAN đáp ứng nhu cầu Thế kỷ 21 là nội dung trọng tâm đánh giá của SEA-PLM.
Mục tiêu chung của chương trình giảng dạy ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là tạo nên những công dân được trang bị tốt, tích cực hòa nhập vào thế giới. Các lĩnh vực Đọc hiểu, Viết, Toán và Công dân toàn cầu là nền tảng để đạt được những kết quả này.

Trường TH 2 Lợi An (Cà Mau)
SEA-PLM đánh giá mức độ học sinh cần đáp ứng đối với mục tiêu của chương trình giảng dạy chung.
Việt Nam tham gia Chương trình SEA-PLM lần đầu tiên là chu kì 2019, đây là chu kì được xây dựng với sự phối hợp và tham vấn của các quốc gia Đông Nam Á thông qua Ban Chỉ đạo khu vực Chương trình SEA-PLM và Ban Thư ký SEAMEO.
Chu kì đầu tiên được khởi động từ năm 2012-2015 và giai đoạn triển khai các hoạt động từ năm 2016-2020 (khảo sát thử nghiệm năm 2018 và khảo sát chính thức năm 2019).

Học sinh Trường TH 2 Lợi An (Cà Mau) tham gia khảo sát.
Chương trình đã công bố kết quả khu vực ban đầu và dữ liệu so sánh vào tháng 12/2020 ở 06 quốc gia Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 lĩnh vực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết và Toán.
Chương trình SEA-PLM chu kì 2024 hoàn thiện và bền vững hơn, thúc đẩy trao đổi về chính sách và hợp tác; đồng thời mang lại những cơ hội mới để thu hút các bên liên quan, xây dựng quan hệ đối tác, thúc đẩy các quốc gia mới tham gia và cải thiện hiệu quả mô hình hoạt động.
Mục tiêu của Việt Nam tham gia Chương trình SEA-PLM
Đánh giá khách quan về chất lượng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực; phân tích thực trạng giáo dục và đề xuất các khuyến nghị đối với chính sách giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam; Hội nhập với các nước trong khu vực về giáo dục; Thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với việc xây dựng và phát triển ngôi nhà chung ASEAN.