Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)

Bộ Công Thương xác định, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp, vì vậy, Bộ đã tăng cường trao đổi và hợp tác với tỉnh Sơn Đông thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và hỗ trợ doanh nghiệp…

Những năm gần đây, dưới sự định hướng chiến lược của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với Chính quyền nhiều địa phương của Trung Quốc, coi mỗi địa phương nước này là một “thị trường” riêng biệt có quy mô kinh tế, thương mại và dân số lớn với thói quen và văn hóa tiêu dùng mang những đặc thù khác biệt.

Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm định hướng, hướng dẫn các doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền địa phương Việt Nam tiếp cận, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, đối tác hợp tác đầu tư tại thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống.

Bộ Công Thương xác định Sơn Đông là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và khu vực phía Bắc Trung Quốc

Bộ Công Thương xác định Sơn Đông là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và khu vực phía Bắc Trung Quốc

Tăng cường kết nối giao thương với tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)

Sơn Đông một trong những địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc với quy mô dân số lớn (hơn 101,6 triệu người), GDPR xếp thứ 03 Trung Quốc (năm 2023 đạt 1.278,1 tỷ USD). Đây cũng là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp (có 41 ngành công nghiệp lớn) và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.

Năm 2023, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Sơn Đông với Việt Nam đạt 10,75 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, nhập khẩu của Sơn Đông từ Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD.

Bộ Công Thương xác định Sơn Đông là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và khu vực phía Bắc Trung Quốc. Vì vậy, từ năm 2023, Bộ Công Thương đã tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác với tỉnh Sơn Đông. Hai bên liên tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể như:

Tháng 5/2023, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc và đồng chủ trì Hội nghị giao thương và hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) với sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan, Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại, chế biến nông thủy sản, logistics của phía Sơn Đông.

Gần 100 đại biểu tham gia Đoàn công tác do Bộ Công Thương tổ chức làm việc tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Gần 100 đại biểu tham gia Đoàn công tác do Bộ Công Thương tổ chức làm việc tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Đến tháng 6/2023, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Sơn Đông tổ chức “Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)” tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Trong khuôn khổ Hội nghị, doanh nghiệp hai bên đã tiến hành giao thương trong các lĩnh vực nông sản và thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su và phụ tùng ô tô, xây dựng và vật liệu, các ngành công nghiệp khác.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc) tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) tháng 6/2023

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc) tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) tháng 6/2023

Tháng 3/2024, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Chính quyền tỉnh Sơn Đông tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu doanh nghiệp Việt - Trung thuộc nhiều lĩnh vực như sản xuất, xuất nhập khẩu, nông sản, thực phẩm chế biến, logistics, xây dựng, đầu tư. Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị đã chứng kiến Lễ Ký kết 12 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông trong lĩnh vực thương mại và hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Lễ ký kết 12 Thỏa thận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc) trong lĩnh vực thương mại và hợp tác đầu tư tại Việt Nam tháng 3/2024

Lễ ký kết 12 Thỏa thận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc) trong lĩnh vực thương mại và hợp tác đầu tư tại Việt Nam tháng 3/2024

Mở rộng hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có buổi tiếp và làm việc với Lãnh đạo Chính quyền tỉnh Sơn Đông để trao đổi các định hướng, kế hoạch triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai bên đã thống nhất triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm mở rộng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và xây dựng thương hiệu tại thị trường tỉnh Sơn Đông, dành các gian hàng miễn phí tại Hội chợ Triển lãm lớn của Sơn Đông cho doanh nghiệp Việt Nam; hợp tác trao đổi kinh nghiệm về xây dựng các khu thương mại tự do, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, bán dẫn...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Lãnh đạo tỉnh Sơn Đông nhất trí giao các đơn vị đầu mối hai bên khẩn trương đàm phán, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền tỉnh Sơn Đông

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Lãnh đạo tỉnh Sơn Đông nhất trí giao các đơn vị đầu mối hai bên khẩn trương đàm phán, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền tỉnh Sơn Đông

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Lãnh đạo tỉnh Sơn Đông đã nhất trí giao các đơn vị đầu mối hai bên khẩn trương đàm phán, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền tỉnh Sơn Đông. Ngay sau đó, cuối tháng 5/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn công tác sang Sơn Đông đàm phán nội dung dự thảo Bản ghi nhớ nhằm tiến tới ký kết vào thời điểm phù hợp.

Trên cơ sở định hướng của Bộ Công Thương, các hoạt động tăng cường giao lưu, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa nhiều địa phương Việt Nam như Đà Nẵng, Bình Phước, Sóc Trăng, Bắc Ninh với tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thời gian qua cũng được hai bên phối hợp triển khai thường xuyên, liên tục.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chú trọng hợp tác với các địa phương Trung Quốc, tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương có tiềm năng nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững, theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” năm 2023.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chú trọng hợp tác với các địa phương Trung Quốc, tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương có tiềm năng nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chú trọng hợp tác với các địa phương Trung Quốc, tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương có tiềm năng nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững

Tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có diện tích 157.900 km2 (chiếm 1,64% diện tích Trung Quốc), chiều dài từ Bắc tới Nam khoảng hơn 420 km, từ Đông sang Tây khoảng hơn 700 km. Sơn Đông gồm 16 thành phố (Tế Nam, Thanh Đảo, Tân Châu, Đức Châu, Đông Dinh, Hà Trạch, Tế Ninh, Liêu Thành, Lâm Nghi, Nhật Chiếu, Thái An, Duy Phường, Uy Hải, Yên Đài, Tảo Trang và Truy Bác).

Năm 2023, GDP của Sơn Đông đạt 9.200 tỷ NDT (NDT ~ 1278,1 tỷ USD), tăng 6% so với năm 2022. Trong đó, giá trị gia tăng của các ngành nông nghiệp công nghiệp và dịch vụ lần lượt đạt 650,6 tỷ USD (tăng 4,5%), 3598,8 tỷ USD (tăng 6,5%), 4957,5 tỷ USD (tăng 5,8%).

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với các nước đạt khoảng 464 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 276 tỷ USD, giảm 4,1%; nhập khẩu đạt 187,9 tỷ USD, giảm 2,7%. Các đối tác thương mại chính của Sơn Đông theo thứ tự bao gồm: Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil, Australia, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Sơn Đông - Việt Nam đạt 10,75 tỷ USD (chiếm 2,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 11,8% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN), giảm 9% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,1% (chiếm 3% xuất khẩu của Sơn Đông ra thế giới và 19,8% xuất khẩu tới ASEAN), nhập khẩu của Sơn Đông từ Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, giảm 19,6% (chiếm 1,4% nhập khẩu của Sơn Đông từ thế giới và 5,1% nhập khẩu từ ASEAN).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Sơn Đông sang Việt Nam năm 2023 bao gồm: máy móc thiết bị cơ khí đạt 1,08 tỷ USD; máy điện và thiết bị điện đạt 1,06 tỷ USD, nhựa và sản phẩm bằng nhựa 568 triệu USD; ô tô và linh phụ kiện ô tô đạt 373 triệu USD, sản phẩm hóa chất hữu cơ đạt 345 triệu USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Sơn Đông từ Việt Nam: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 783,9 triệu USD; cao su và các sản phẩm bằng cao su 470 triệu USD; máy điện và thiết bị điện đạt 279,2 triệu USD, máy móc thiết bị cơ khí đạt 273,8 triệu USD, cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm đạt 90,8 triệu USD, quả và quả hạch đạt 75,6 triệu USD.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tang-cuong-xuc-tien-thuong-mai--ket-noi-giao-thuong-voi-tinh-son-dong--trung-quoc-122096.htm