Tăng người nhập viện vì cúm A, người có bệnh nền không nên chủ quan
Nhiều bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận các ca nhập viện do cúm A có xu hướng gia tăng và gây biến chứng viêm phổi ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Nhiều người bị cúm A nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng.
Tuy nhiên, nhiều người khi bị sốt, đau họng, lại tự ý dùng kháng sinh điều trị, khi đi khám xét nghiệm mới biết mắc cúm A. Hoặc có người mắc cúm đã tự mua thuốc kháng virus Tamiflu về uống.
Cả nhà mắc cúm, biến chứng viêm phổi
Đau đầu, đau họng, nhức mỏi người, sau 2 ngày sốt cao, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) đi khám. Kết quả chị bị nhiễm cúm A, bác sĩ kê đơn thuốc và cho về nhà theo dõi. Theo Bệnh viện Medlatec, tại đây vừa ghi nhận 3 bệnh nhi trong cùng một gia đình đến khám với các triệu chứng sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái, nhiều dịch mũi. Xét nghiệm test nhanh cúm cho kết quả cả 3 đều dương tính với cúm A. Trong đó, 2 bé gái có tình trạng nặng hơn, được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc cúm tới khám. Chị Phạm Thị Xuân (Ba Đình, Hà Nội) đưa con 7 tuổi tới khám cho biết: “Cháu sốt cao, ho khan, đau đầu, mệt mỏi mấy hôm nay, ở nhà cho uống hạ sốt, bù nước, không thấy đỡ nên cho đi khám”. Trẻ mắc cúm A, B có dấu hiệu biến chứng viêm phổi được chỉ định nhập viện, còn trẻ nhẹ hơn bác sĩ cho về theo dõi tại nhà.
Cùng với trẻ nhỏ, người già nhiễm cúm cũng để lại nhiều hệ lụy. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, nhiều bệnh nhân phải nhập viện từ sự tấn công của virus cúm A. Đưa mẹ đi khám tại đây, anh Nguyễn Thành Dũng (Hà Nội) cho biết, mẹ anh có bệnh nền huyết áp, tiểu đường, khi bị ho, sốt, gia đình mua thuốc tự điều trị tại nhà. Bệnh tình không đỡ và tình trạng khó thở tăng dần, gia đình đưa đến cơ sở y tế thăm khám được phát hiện mắc cúm A. Do bệnh nặng nên mẹ anh được chuyển tuyến lên Bệnh viện Hữu nghị để tiếp tục điều trị cúm A, nấm phổi và vi khuẩn đa kháng.
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 ca nhiễm cúm A nặng và rất nặng từ các tuyến chuyển lên. Trong đó có bệnh nhân phải can thiệp ECMO – tim phổi ngoài lồng ngực do cúm A biến chứng dẫn đến phổi bị tổn thương lan tỏa 2 bên. Mặc dù được điều trị tích cực, thở máy, hết sốt, nhưng 3 ngày sau, bệnh nhân này lại sốt cao, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh chóng và tiến tới sốc nhiễm trùng, suy hô hấp nặng.
Cùng mất chức năng phổi sau khi nhiễm cúm A là bệnh nhân 62 tuổi ở Đông Triều, Quảng Ninh. Nam bệnh nhân có bệnh nền là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vì vậy, khi nhiễm cúm A đã nhanh chóng rơi vào nguy kịch, suy hô hấp, thở máy. Theo các bác sĩ, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mãn tính. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh.
Người nào nên dùng thuốc kháng virus?
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm mùa đa số diễn biến nhẹ, có tình trạng sốt cao, viêm đường hô hấp, ho, hoắt hơi, đau đầu, đau mỏi người… sau vài ngày sẽ đỡ dần, hồi phục. Nhưng vẫn có người ho kéo dài, một tỷ lệ nhỏ diễn biến nặng như viêm phổi, tỷ lệ rất nhỏ có thể dẫn đến tử vong. Cúm có 3 chủng A, B, C, trong đó cúm A chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người, hay gây dịch hơn cả. Virus cúm A có thể lây từ gia cầm mắc bệnh sang người khi có tiếp xúc gần, tuy nhiên, phổ biến hơn cả là lây lan từ người sang người qua đường hô hấp.
BS Cấp cũng cho biết, người có yếu tố nguy cơ cao (người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch, ghép tạng...) khi mắc cúm nên đi khám ở bệnh viện vì có thể diễn biến nặng. Người mắc cúm bình thường khi thấy khó hạ sốt, mệt lả bất thường cũng nên đi khám để kiểm tra xem ngoài cúm còn mắc vấn đề gì khác hay không?
Dịch cúm A đang có xu hướng gia tăng, nhiều người ho, sốt đã mua kháng sinh hoặc mua thuốc kháng virus Tamiflu về uống để ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng. Theo BS Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm mùa có thể nói có "độc lực thấp" nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao. Vì vậy, mọi người không phải quá hoang mang lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không nên chủ quan, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng.
BS cũng khuyến cáo, khi bị cúm, người dân không tự ý mua kháng sinh dùng, bởi lẽ kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này. Đồng thời, không nên tự ý mua thuốc kháng virus uống để điều trị cúm. Việc tự mua thuốc kháng virus uống gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gia tăng đề kháng thuốc.
“Thuốc kháng virus chỉ có lợi cho những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng”, BS Khiêm nhấn mạnh. Theo một chuyên gia, 48h sau khi phát bệnh cúm được biết đến là “giờ vàng”, nếu nhóm có nguy cơ cao không sử dụng thuốc kháng virus hiệu quả bệnh có thể phát triển thành viêm phổi hay các biến chứng nghiêm trọng khác, có thể đe dọa tính mạng. Vì biểu hiện của cúm rất khó phân biệt với các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các căn nguyên khác, nên việc chẩn đoán sớm, dùng thuốc kháng virus phù hợp có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng, thậm chí tử vong cho nhiều người.
BS Khiêm khuyến cáo, những người có bệnh lý nền, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi nên được đi khám sàng lọc cúm để được bác sĩ đánh giá, cân nhắc cho dùng thuốc kháng virus cúm sớm, giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng.