Tăng trưởng kinh tế Bình Phước đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ

Sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Phước tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

May hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Phước. )Ảnh tư liệu: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

May hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Phước. )Ảnh tư liệu: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bình Phước ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18 so với cả nước.

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 5.355 tỷ đồng, đạt 44% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 42% dự toán Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện là 16.376 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 43% kế hoạch năm.

Hoạt động thương mại-dịch vụ tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 42.767 tỷ đồng, tăng 12,85% so với cùng kỳ và đạt 57,41% kế hoạch năm.

Về xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 18,59 tiêu chí. Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 73/86 xã, chiếm 84,9%. Số xã nông thôn mới nâng cao là 21/86 xã, chiếm 24,4%.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, phát huy những kết quả tích cực, thời gian tới, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả cao nhất để có nguồn thu giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ rà soát vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án.

Bên cạnh đó, tổ chức điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các công trình trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục duy trì giao ban định kỳ, thường xuyên hàng tháng về giải ngân vốn đầu tư công để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Bình Phước đề cao vai trò và gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để dánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quân.

Đối với vốn phân cấp các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về phân bố và giải ngân vốn phân cấp được giao.

Địa phương cũng triển khai quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước về thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Cùng đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án “Đầu tư thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số, địa phương thông minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025."

Tỉnh liên kết hợp tác với các tập đoàn viễn thông để phát triển hạ tầng số, lắp đặt mạng 5G trên địa bàn tỉnh.Riêng đối với vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh duy trì giao ban định kỳ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các địa phương; tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, kịp thời, hiệu qua để đẩy mạnh giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là giải quyết thủ tục đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất. Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bình Phước còn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp; thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường các dự án; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tỉnh kiểm soát chặt chẽ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tang-truong-kinh-te-binh-phuoc-dung-thu-2-vung-dong-nam-bo-post959974.vnp