Tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm: Giữ nhịp trong 'gió ngược'

Với kết quả tích cực đạt được trong nửa đầu năm nay, kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức là 8% trong năm nay. Dẫu vậy, biến động địa chính trị, địa kinh tế diễn ra thường xuyên và đa chiều hơn cũng phần nào tạo áp lực cho kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2025.

Những cơn gió ngược

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% trong sáu tháng đầu năm 2025, mức cao nhất trong 15 năm qua và đi ngược với xu hướng khó khăn của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, dẫn tới những thay đổi căn bản về cấu trúc của kinh tế toàn cầu và sự tái định hình chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng … đang là những cơn gió ngược bất ngờ cho tăng trưởng nửa cuối năm.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may khi chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu trong năm 2024. Ảnh: T.L

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may khi chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu trong năm 2024. Ảnh: T.L

Chẳng hạn, mặt bằng lãi suất thấp - yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế nửa đầu năm - dự kiến chịu thêm sức ép, do chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump và động thái trì hoãn giảm lãi suất của Fed sẽ tác động đến biến động lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam nửa cuối năm.

"Kinh tế Việt Nam có độ mở cao, thị trường xuất khẩu lớn, nhất là sang Mỹ, nên chính sách thuế sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá, lãi suất thời gian tới khi dòng vốn dịch chuyển giữa các quốc gia", ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nói.

Bổ sung, GS.TS Nguyễn Trọng Cơ, Học viện Tài chính, dự báo nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện tử… hoặc toàn bộ hàng hóa Việt Nam – tương tự việc áp dụng mức thuế chung là 10%, sẽ khiến như kim ngạch xuất khẩu sụt giảm.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), với trường hợp Mỹ áp thuế trung bình 20% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, sẽ tác động giảm 11-12 tỉ đô la Mỹ trị giá hàng xuất khẩu vào Mỹ, tương ứng mức giảm khoảng 9-10% tính trên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và làm giảm khoảng 0,7-0,8% GDP.

Không chỉ vậy, quan điểm duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài từ Fed cũng khiến đồng đô la Mỹ mạnh hơn, làm đồng Việt Nam bị mất giá. Điều này dẫn tới giá xăng dầu nhập khẩu gia tăng, ngay cả khi giá dầu thế giới không tăng, qua đó tác động tới nhóm hàng hóa và dịch vụ giao thông, gồm xăng dầu.

“Chi phí vận tải tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá vé các loại hình giao thông và gián tiếp đến giá của hầu hết các mặt hóa tiêu dùng khác. Thậm chí, hàng hóa sản xuất trong nước cũng phải chịu phần chi phí vận chuyển gia tăng, đẩy giá thành lên”, ông Cơ phân tích.

Với bối cảnh trên, chuyên gia này nhận định NHNN có thể phải cân nhắc giữa việc giữ ổn định tỷ giá để kiềm chế lạm phát chi phí đẩy và nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi việc can thiệp vào thị trường ngoại tệ để ổn định tỷ giá có thể làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh những khó khăn trên, tại diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) diễn ra tuần qua, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới 2.887 dự án gặp vướng mắc, với quy mô vốn hơn 235 tỉ đô la và diện tích đất khoảng 347.000 ha - tương đương gần 50% quy mô nền kinh tế, như một “điểm nghẽn” ngăn cản sự phát triển. Con số này cao hơn nhiều so với thông tin 2.200 dự án được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đáng lưu ý, nguồn lực khổng lồ bị đóng băng vì vướng mắc pháp lý, một vấn đề được các hiệp hội doanh nghiệp nhiều lần kêu cứu. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) và Công ty GP.Invest, cho rằng rào cản với nhiều đơn vị là những rắc rối trong “ma trận” về thủ tục đầu tư và sự chồng chéo trong các hệ thống văn bản hiện nay.

“Một nguyên nhân rất cơ bản là mỗi bộ, ngành đều soạn thảo ban hành văn bản theo quan điểm riêng và thiếu sự tham khảo, thống nhất với các bộ, ngành liên quan, dẫn tới chất lượng các văn bản còn hạn chế, thiếu tính thực tiễn. Hơn nữa, với số lượng văn bản phát hành hiện nay và quy trình kiểm soát chất lượng văn bản còn hạn chế, nên có văn bản vừa phát hành lại phải sửa ngay vì có những bất cập buộc phải sửa”, ông Hiệp cho biết.

Muốn kinh tế tăng trưởng, thể chế phải đi trước

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 ít nhất 8% và tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn tiếp theo, thì đất nước phải có bước phát triển mang tính đột phát. Trong ba đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nhân lực, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá thể chế là đột phá đầu tiên, nên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu như: đất đai, khoáng sản, quy hoạch…

Ngoài ra, đầu tư công sẽ tiêp tục giữ vai trò dẫn dắt và là “vốn mồi” huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, với mục tiêu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia.

Công trình cầu Rạch Miễu 2 được kỳ vọng hoàn thành trước dịp 2-9-2025. Ảnh: H.P

Công trình cầu Rạch Miễu 2 được kỳ vọng hoàn thành trước dịp 2-9-2025. Ảnh: H.P

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường (VinaCapital), lượng vốn đầu tư công được giải ngân có sự tăng trưởng trở lại trong quí 2-2025 nhờ hai yếu tố, gồm: nhận thức cao hơn về việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương nhằm rút ngắn quy trình và trực tiếp thực thi các dự án trọng điểm.

Đặc biệt, lượng vốn giải đầu tư công thuộc thẩm quyền giải ngân của cấp tỉnh có xu hướng tăng mạnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Một phần tới từ quyết định sáp nhập hành chính, cùng các sáng kiến khác của Chính phủ, đã giúp bộ máy hành chính hai cấp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt với các dự án đã “sẵn sàng triển khai”. Chẳng hạn, mở rộng và nâng cấp hệ thống đường và cao tốc hiện hữu.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua một loạt biện pháp cho phép chính quyền địa phương phê duyệt các dự án quy mô lớn như sân bay và khu đô thị trên 50 ha mà trước đây phải trình Thủ tướng xem xét. Đồng thời, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy mô hình đối tác công - tư (PPP), gồm việc khôi phục lại các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) vốn đã bị đình trệ trong nhiều năm qua.

Nhưng để thực sự giải phóng nguồn lực đang vướng tại các dự án, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng cơ quản lý cần sớm xây dựng quy trình mẫu cho các thủ tục đầu tư dự án. Đồng thời, phân cấp, phân quyền triệt để và đơn giản hóa việc điều chỉnh quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 “giẫm chân” nhau.

“Cần có yêu cầu các địa phương phải thống nhất rà soát lại cách làm để thống kê cụ thể số thủ tục hành chính có thể giảm thiểu được”, ông Hiệp khuyến nghị.

Với rủi ro thương mại quốc tế trước mắt, ông Nguyễn Trọng Cơ cho rằng bên cạnh chính sách kích thích tiêu dùng nội địa và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ Bộ Công Thương và Tài chính, NHNN cần linh hoạt sử dụng các công cụ mua/bán ngoại tệ và lãi suất để giữ ổn định tỷ giá, hạn chế đà mất giá của đồng Việt Nam. Đồng thời, tăng cường dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường khi cần thiết.

Ngoài ra, kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, tránh bơm tiền quá mức vào nền kinh tế, vì có thể gây lạm phát.

Bên cạnh các giải pháp chính sách, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp về định hướng điều hành, tránh tâm lý hoang mang và hiện tượng đầu cơ, gây hệ lụy không đáng có cho nền kinh tế.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-truong-kinh-te-nua-cuoi-nam-giu-nhip-trong-gio-nguoc/