Tạo cơ chế để Đà Nẵng phát triển

Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ ủng hộ phải có những cơ chế đột phá, phân cấp, phân quyền tối đa để giúp Đà Nẵng phát triển

Ngày 7-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Phải phân cấp trọn gói

Phát biểu thảo luận, đa số đại biểu QH đều bày tỏ ủng hộ và mong QH sớm thông qua nghị quyết trên để giúp Đà Nẵng phát triển. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết quan điểm của ông trong những ngày vừa qua khi phát biểu luôn ủng hộ việc phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Phải phân cấp trọn gói để Đà Nẵng có thể thực hiện được, ví dụ về tài nguyên, về khoáng sản… Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong 30 cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng nên có sự lựa chọn trong quá trình triển khai. Nếu triển khai đồng loạt có khả năng dẫn đến dở dang vì không đủ lực nên Đà Nẵng cần chọn lựa để có những bước đi vững chắc hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng rất ủng hộ cơ chế về thành lập khu thương mại tự do bởi đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới và đặc biệt những nước có ưu thế về cảng biển, như Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21 khu… Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km và đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế. Đây là điểm rất thuận lợi nên Đà Nẵng đi đầu và thực hiện cơ chế thí điểm này rất đáng hoan nghênh. Để khu thương mại tự do có thể phát triển được thì điều quan trọng nhất là hạ tầng, phải kết nối được bên trong và bên ngoài. Mặc dù xây dựng là hàng rào cứng nhưng con người qua lại cũng rất nhiều, đòi hỏi sự giao thoa và dĩ nhiên khi hàng hóa từ trong khu thương mại đi ra ngoài khu thương mại tự do là phải chịu thuế xuất nhập khẩu nhưng làm sao bảo đảm được sự kết nối này mới là điều quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng trong dự thảo nghị quyết đã thể hiện nhiều lĩnh vực trong hoạt động quản lý của TP Đà Nẵng đã được phân quyền, phân cấp mạnh. Tuy nhiên, có một vấn đề cần đẩy mạnh hơn nữa để phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và chế độ công vụ. Cụ thể là vấn đề quản lý biên chế. Ông cho rằng dự thảo chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ - công chức làm việc ở phường, xã tại Đà Nẵng cho HĐND thành phố quyết định, chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc lại vấn đề này, bởi biên chế cán bộ - công chức ở Đà Nẵng theo dự thảo nghị quyết này là một khối thống nhất từ thành phố tới quận, phường. Đại biểu đề nghị QH phân quyền quyết định biên chế cho Đà Nẵng, có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của trung ương.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, để thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng không thể thiếu các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - công chức cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa đề cập các giải pháp hoặc chính sách này và trách nhiệm thực hiện. Do vậy, ông đề nghị trong dự thảo nghị quyết nên bổ sung thêm các chính sách trên cho TP Đà Nẵng.

Nợ xây dựng cơ bản không giảm

Cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về "Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022". Dẫn số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 còn chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách; đặc biệt, số quyết toán chi NSNN giảm 407.317 tỉ đồng, số bội chi giảm 49.317 tỉ đồng, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho biết điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán NSNN, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương có nhu cầu rất lớn nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, trong khi phải hủy bỏ dự toán ngân sách. Việc sử dụng NSNN có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư còn nhiều, phải vay và trả nợ lãi để bù đắp bội chi ngân sách. Đại biểu đề nghị những bất cập trong công tác lập, thực hiện dự toán NSNN cần được đưa vào nghị quyết của QH, có giải pháp để khắc phục.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng phải đánh giá toàn diện, đầy đủ về bức tranh nợ xây dựng cơ bản, hiện chưa có xu hướng giảm, lại xuất hiện mới. Riêng năm 2022, báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho thấy đã phát hiện thêm hơn 4.000 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản. Nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề này sẽ phát sinh nợ mới. Doanh nghiệp đã phải vay vốn ngân hàng để thực hiện các dự án đầu tư công. Bộ Tài chính đã rất nỗ lực, thúc đẩy khối lượng hoàn thành cho doanh nghiệp, tuy vậy, vẫn còn nhiều chủ đầu tư chưa thật sự vào cuộc cùng nhà thầu để tháo gỡ khó khăn. Nếu không làm rõ trách nhiệm thì sẽ tái diễn tình trạng này...

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận số liệu dự toán ngân sách có chênh lệch. Bộ Tài chính đã có báo cáo, dự báo việc thực hiện dự toán ngân sách. "Khi có số liệu báo cáo thu chi ngân sách ra khỏi kho bạc, trên điện thoại của tôi sẽ báo ngày hôm nay, giờ này, phút này thu ngân sách cả nước được bao nhiêu, chi ngân sách bao nhiêu. Thủ tướng gọi điện là tôi có thể báo cáo ngay. Tuy nhiên, dự báo có thể có phát sinh vào thời điểm cuối năm, nên có thể xảy ra chênh lệch" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về nợ xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nợ ở các bộ, ngành trung ương rất ít nhưng cơ bản là ở các địa phương, đặc biệt là từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện có khoản nợ nhiều bởi vì khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, những khoản để thanh toán cho các dự án thì lại bố trí thiếu hoặc bố trí sót, chưa bố trí. Do đó bố trí đầu tư công trung hạn cho những dự án mới thì những dự án cũ mặc dù đã hoàn thành hoặc có khối lượng nhưng không được bố trí. HĐND và UBND các cấp phải kiểm soát các vấn đề, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Ngày 8-6, QH sẽ thảo luận ở hội trường về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland; thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phát huy vai trò trung tâm, động lực cho cả vùng

Giải trình thêm ý kiến của đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Đà Nẵng là một thành phố năng động với một vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, không gian và dư địa phát triển của Đà Nẵng bắt đầu bị bó hẹp nên cần một cơ chế mới để nơi đây phát huy được vai trò là trung tâm của vùng, vùng động lực miền Trung từ Huế vào đến Quảng Ngãi. Đà Nẵng là một cực tăng trưởng của cả nước nên khi bàn cơ chế không phải bàn riêng cho Đà Nẵng, mà cho cả vùng động lực này. Đà Nẵng phải đi trước, phải đạt được những thành tựu cao hơn, nhanh hơn nữa để lôi kéo, thúc đẩy và lan tỏa ra các địa phương khác.

Hơn 432.000 tỉ đồng chuyển nguồn cải cách tiền lương

Về vấn đề chi chuyển nguồn lớn từ năm 2022 sang 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương rất cao; những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau. Thực tế vấn đề này là do nguồn cải cách tiền lương chiếm 37,7%, tương đương 432.000 tỉ đồng; chi đầu tư phát triển trên 300.000 tỉ đồng, chiếm 27% số chuyển nguồn...

VĂN DUẨN - HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tao-co-che-de-da-nang-phat-trien-196240607215436525.htm