Tạo cơ chế thuận lợi để Thủ đô phát triển

Ngày 27/4, tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn báo cáo tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về Báo cáo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo đó, các đại biểu cơ bản đánh giá cao việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời tập trung vào 12 nội dung Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin ý kiến. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ về việc hoàn thiện bộ máy chính quyền, khai thác công tư, phân quyền trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục.

"Đối với các ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin tiếp thu và bổ sung vào các quy định nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, tạo cơ chế thuận lợi để Thủ đô phát triển theo đúng định hướng đã nêu tại Nghị quyết số 15/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô", Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu về Báo cáo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu về Báo cáo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cũng tổng hợp 11 nhóm ý kiến, trong đó, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về: Chính sách cải cách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cả lĩnh vực công và tư; phân cấp, phân quyền cao hơn đối với cấp huyện… Một số đại biểu cũng nêu các ý kiến đóng góp về lĩnh vực quy hoạch nông nghiệp, đất rừng, bố trí nhà đất tái định cư ở nơi khác cho người dân bị thu hồi đất.

Liên quan đến việc khai thác quỹ đất hai bên sông Hồng, một số đại biểu đề xuất cho phép lập quy hoạch đê điều tại những tuyến sông có đê để quản lý khai thác hiệu quả hơn nhất là với khu vực nội đô lịch sử, tạo cảnh quan hai bên sông Hồng… để tiếp thu vào dự thảo luật

Một số đại biểu cũng nêu ý kiến về tỷ lệ đất để xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp để làm kho bãi, nơi chế biến, bảo quản nông sản; duy trì bảo dưỡng công trình, tài sản công; đãi ngộ nghệ nhân thủ công làng nghề, trùng tu di sản văn hóa; xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao; phát triển nhà ở xã hội; xây dựng cơ chế tài chính thuế phí miễn giảm thuế một số lĩnh vực để phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng công nghệ cao, hiện đại; tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực sự nghiệp đầu tư công; quản lý nhân khẩu theo Luật Cư trú; hoàn thiện các quy định về quản lý tổ chức bộ máy…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, các nhóm ý kiến các đại biểu nêu đều là những nội dung phù hợp với quá trình phát triển Thủ đô theo đúng các định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15/NQ-TƯ. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tổng hợp và hoàn thiện Báo cáo về Luật Thủ đô trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

Liên quan đến nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với Báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó lưu ý hoàn thiện về nội hàm, cơ sở lý luận, thực tiễn của chính sách để đảm bảo tính khả thi, hợp lý và có tính thuyết phục cao khi đưa ra đề xuất với Trung ương, Chính phủ và Quốc hội.

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị tiếp tục có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá rõ hơn cả về lý luận, thực tiễn và pháp lý; làm rõ được những yếu tố tác động, mặt tích cực, tiêu cực của từng phương án; qua đó so sánh, lựa chọn được phương án, giải pháp phù hợp nhất với đặc điểm, tình hình và vị thế của Thủ đô.

Tiếp tục rà soát, tiếp thu, thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù tại các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị trong thời gian qua về phát triển đô thị Việt Nam, về đất đai, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng…

Từ kết quả nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua; những văn bản tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ (như trong việc triển khai dự án đường vành đai 4); nghiên cứu, chọn lọc những nội dung phát huy tốt được hiệu quả trong thực tiễn để đưa vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng thời, bám sát quá trình xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, chọn lọc những chính sách đặc thù, có sự tương đồng giữa 2 thành phố lớn, đô thị đặc biệt của cả nước.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát các chính sách về đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy, biên chế để bổ sung, hoàn thiện; trong đó lưu ý làm rõ nội hàm, cụ thể hóa các chính sách.

Đặc biệt là các cơ chế về tỷ lệ điều tiết ngân sách, cơ chế tài chính đất đai; cơ chế đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đầu tư theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT); cơ chế cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; cơ chế tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (thành dự án độc lập); cơ chế, chính sách để xử lý, thúc đẩy các dự án chậm triển khai, nhất là các dự án được phê duyệt từ trước thời điểm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô…

Theo Kế hoạch đã đề ra, dự kiến 3 nội dung nêu trên sẽ cố gắng trình Bộ Chính trị vào những tháng cuối năm 2023, thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, do đó, để đảm bảo tiến độ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban cán sự đảng UBND Thành phố cần phải xây dựng kế hoạch với tiến độ chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân để bảo đảm công việc theo tiến độ đã đề ra.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tao-co-che-thuan-loi-de-thu-do-phat-trien-20230427152119176.htm