Tạo công năng mới cho công cụ cũ
Chưa chính thức trở lại cầm quyền ở nước Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố, trong ngày cầm quyền đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình, những quyết sách đầu tiên sẽ là áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với tất cả hàng hóa của Canada, Mexico và Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ông Trump cho biết sẽ áp mức thuế 25% đối với hàng hóa của Canada và Mexico, đồng thời thêm 10% thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc muốn bước vào thị trường Mỹ.
Ở nhiệm kỳ Tổng thống trước, ông Trump cũng đã dùng cách áp thuế quan bảo hộ thương mại này, tức là thực thi bảo hộ thương mại, đối với Mexico, Canada và Trung Quốc. Mục đích ông Trump theo đuổi khi đó là khắc phục tình trạng thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại song phương giữa Mỹ với Canada, Mexico và Trung Quốc.
Với quyết sách này, ông Trump trên thực tế đã vô hiệu hóa Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico, vốn đã có hiệu lực từ năm 1994; đồng thời, kích hoạt cuộc xung khắc thương mại ở quy mô lớn với mức độ quyết liệt chưa từng thấy cho tới thời điểm đó trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc xung khắc dai dẳng từ đó đến nay được Tổng thống J.Biden tiếp đà và đẩy mạnh thêm. Trong cuộc vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 5-11 vừa qua, ông Trump đã nhiều lần quả quyết sẽ hành động còn quyết liệt hơn trước và hơn cả Tổng thống Mỹ đương nhiệm trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
Vì thế, tuyên bố mới đây của ông Trump về áp thêm thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ không gây bất ngờ.
Tuy nhiên, ông Trump gây bất ngờ với chủ định áp thuế quan bảo hộ đối với Trung Quốc, Mexico và Canada ngay trong ngày trở lại cầm quyền đầu tiên ở nước Mỹ trên hai khía cạnh.
Thứ nhất, vào năm 2020, ông Trump đã thành công với việc hủy bỏ NAFTA và buộc Mexico và Canada phải nhượng bộ, thể hiện trong thỏa thuận thương mại ba bên mới với tên gọi là Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Bây giờ, lại áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của Mexico và Canada có nghĩa là ông Trump hành động trái ngược với cam kết của Mỹ - ở thời chính ông Trump cầm quyền - trong USMCA. Người ta có thể thấy, ông Trump sẵn sàng bất chấp thỏa thuận thương mại do chính mình góp phần tạo ra khi cần đạt mục đích khác.
Thứ hai, ông Trump sử dụng công cụ thuế quan bảo hộ thương mại phục vụ cho mục đích chẳng liên quan gì đến thương mại và quan hệ thương mại của Mỹ với ba đối tác kia. Cụ thể ở đây, ông Trump biện minh cho quyết sách cầm quyền nói trên với lập luận rằng Mexico và Canada đã không ngăn chặn dòng người tỵ nạn và di cư nhập cảnh trái phép vào Mỹ và để cho ma túy tuồn vào nước này. Theo quan điểm của ông Trump, Trung Quốc không ngăn chặn hữu hiệu loại ma túy cực độc Fentanyl được các nhóm tội phạm vận chuyển vào nước Mỹ. Ông Trump cũng cho rằng, người nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn bán ma túy làm trầm trọng thêm tình trạng tội phạm ở nước Mỹ.
Ông Trump đã tạo cho công cụ cũ - thuế quan bảo hộ thương mại, có công năng mới là để chống người nhập cư trái phép vào Mỹ và chống ma túy.
Ông Trump thừa biết ba đối tác kia sẽ đáp trả tương ứng. Bảo hộ thương mại và các biện pháp ứng phó của ba đối tác kia sẽ khiến Mỹ bị thiệt hại không hề nhỏ về kinh tế và thương mại, có thể dẫn tới lạm phát gia tăng và cung ứng hàng hóa khó khăn. Nhưng xem ra những hiệu ứng phản tác dụng ấy được ông Trump sẵn sàng chấp nhận đánh đổi để lấy được hiệu ứng dân túy đối nội trên phương diện khác.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-cong-nang-moi-cho-cong-cu-cu-685913.html