Tạo điểm nhấn cho các khu du lịch cộng đồng

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, du lịch sinh thái cộng đồng đã, đang được xây dựng trở thành một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, hướng tới phát triển bền vững, mỗi điểm đến cần nỗ lực tạo dựng điểm nhấn từ chính đặc trưng về thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống.

Du lịch cộng đồng xã Yên Thắng (Lang Chánh) mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, mang đậm bản sắc văn hóa.

Mặc dù mới đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch hơn chục năm trở lại đây, song Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách và tạo dựng thương hiệu “điểm đến xanh”. Nếu đã từng đến đây dù chỉ một lần, điều khiến du khách ấn tượng hẳn là bầu không khí trong lành, kiến trúc của các khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên và đa dạng hoạt động trải nghiệm gắn liền với cuộc sống, văn hóa bản địa... Bởi vậy, dù là mùa nào trong năm, Pù Luông vẫn luôn là điểm đến lý tưởng được đông đảo du khách ưu ái lựa chọn.

Cùng với tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, huyện Bá Thước hiện có 55 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khảo cổ học. Đáng chú ý, mỗi di tích đều gắn với nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như: lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, phong tục, tập quán... Đây là điều kiện thuận lợi, là sức mạnh nội sinh để du lịch cộng đồng Bá Thước phát triển mang đậm bản sắc văn hóa, mang đến cho du khách thêm những trải nghiệm hấp dẫn trong hành trình khám phá "điểm đến xanh”. Trong đó, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Khô đã, đang được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị và xây dựng trở thành “điểm hẹn văn hóa” của đông đảo Nhân dân, du khách thập phương. Về với Lễ hội Mường Khô (ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm), du khách sẽ được hòa mình vào một không gian văn hóa tâm linh vô cùng độc đáo của các nghi lễ truyền thống. Cùng với đó là những trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa như: tung còn, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ...

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước Hà Nam Khánh, cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững, huyện Bá Thước đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, đồng thời coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo dựng thương hiệu, bản sắc riêng cho du lịch địa phương. Cùng với đó, huyện chú trọng triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, góp phần gìn giữ môi trường du lịch xanh, thân thiện, hấp dẫn”.

Tại huyện Lang Chánh, với mục tiêu đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, huyện đã, đang tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình du lịch tạo điểm nhấn, đồng thời hỗ trợ cộng đồng, người dân địa phương tham gia xây dựng sản phẩm du lịch. Đến nay, cùng với Khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao (xã Trí Nang), du khách còn có thêm nhiều lựa chọn mới, hấp dẫn như: bản Ngày (xã Lâm Phú), bản Ngàm Pốc, bản Peo (xã Yên Thắng)...

Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lang Chánh, cho biết: "Huyện đang tiếp tục tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn ở các địa phương có khu, điểm du lịch như: lễ hội chùa Mèo (thị trấn Lang Chánh), lễ hội Chí Linh Sơn (xã Trí Nang), lễ hội ruộng bậc thang (xã Yên Thắng)... Qua đó nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, tạo nên điểm nhấn khác biệt cho mỗi điểm đến. Ngoài ra, huyện sẽ đẩy mạnh khai thác, phát triển thêm một số sản phẩm du lịch mới, hoạt động trải nghiệm mới phù hợp với điều kiện, bản sắc văn hóa của địa phương như: khám phá hang động, thác nước, leo núi, săn mây, du lịch dã ngoại, cắm trại, trekking...".

Có thể thấy, nếu như du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đang dần khẳng định thương hiệu “điểm đến xanh”, thì các điểm đến trên địa bàn huyện Lang Chánh đã, đang hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến giàu trải nghiệm. Từ những “cánh chim đầu đàn” của du lịch cộng đồng, một số điểm đến khác nơi miền Tây xứ Thanh như: bản Mạ (Thường Xuân); bản Hang, bản Bút (Quan Hóa); bản Ngàm (Quan Sơn)... đã, đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tạo dựng thương hiệu riêng từ chính nét đẹp cảnh quan tự nhiên và văn hóa bản địa.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tao-diem-nhan-cho-cac-khu-du-lich-cong-dong-217390.htm