Tạo động lực các ngành hàng nông nghiệp phát triển

Trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp cho rằng đối với ngành hàng nông sản, việc công bố hợp quy và chứng nhận quy chuẩn đang là một gánh nặng cho các doanh nghiệp, cần một hệ thống quản lý linh hoạt hơn, hiệu quả hơn.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng đối với ngành hàng nông sản, việc công bố hợp quy và chứng nhận quy chuẩn đang là một gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng đối với ngành hàng nông sản, việc công bố hợp quy và chứng nhận quy chuẩn đang là một gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Nhiều rào cản hành chính làm khó doanh nghiệp

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, ngày 4/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có buổi làm việc với các Hiệp hội ngành hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Tại buổi làm việc các đại biểu tập trung thảo luận và trao đổi về ba vấn đề lớn: Góp ý, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; các nội dung cụ thể trong công tác quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là việc công bố hướng dẫn và quy trình liên quan đến chất lượng; xác định danh mục các nhóm hàng hóa, đặc biệt là nhóm hai, những mặt hàng có yêu cầu nghiêm ngặt về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kỳ vọng thông qua việc trao đổi thông tin giúp các cơ quan Nhà nước hiểu rõ hơn về khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời đây là cơ hội giúp các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp những ý tưởng sáng tạo để hoàn thiện hệ thống pháp lý và quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kỳ vọng thông qua việc trao đổi thông tin giúp các cơ quan Nhà nước hiểu rõ hơn về khó khăn của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kỳ vọng thông qua việc trao đổi thông tin giúp các cơ quan Nhà nước hiểu rõ hơn về khó khăn của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng hiện nay vẫn còn một số thủ tục hành chính không cần thiết đang gây khó cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đại diện Hội chăn nuôi kiến nghị cần bỏ hình thức công bố hợp quy đối với hàng hóa đã được kiểm tra và chứng nhận chất lượng. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần công bố thông tin chất lượng và an toàn của sản phẩm ngay từ giai đoạn đăng ký lưu hành sản phẩm, và cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra khi cần thiết.

Theo ông Dương điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giúp công tác quản lý của Nhà nước trở nên hiệu quả hơn. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, trong ngành nông sản, việc công bố hợp quy và chứng nhận quy chuẩn đang là một gánh nặng cho các doanh nghiệp, trong khi chúng ta cần một hệ thống quản lý linh hoạt hơn, hiệu quả hơn.

“Vì vậy, chúng tôi kiên quyết đề nghị bỏ quy định về chứng nhận quy chuẩn và công bố hợp quy, nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Ngọc kiến nghị.

Liên quan đến công tác quản lý hiện nay. Ông Ngọc tán thành cách chuyển từ mô hình kiểm tra tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng “cách thức quản lý hiện tại vẫn còn chưa phù hợp”.

Theo ông Ngọc, hiện nay, thế giới quản lý các sản phẩm theo nhóm, đặc biệt là những sản phẩm có rủi ro thấp (được gọi là nhóm 2). Điều này giúp giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước và tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

“Tôi cho rằng chúng ta cần học hỏi mô hình quản lý hiện đại này, để giúp cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường quốc tế.” ông Ngọc xây dựng ý kiến.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, trong ngành nông sản, việc công bố hợp quy và chứng nhận quy chuẩn đang là một gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, trong ngành nông sản, việc công bố hợp quy và chứng nhận quy chuẩn đang là một gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Tạo hành lang pháp lý thông thoáng

Lắng nghe kiến nghị của các Hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành hàng và nền kinh tế.

Đối với nội dung về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, Bộ trưởng cho rằng, việc yêu cầu chứng nhận, công bố hợp quy đối với một số sản phẩm đã được cấp phép lưu hành làm tăng chi phí, tăng thủ tục, tăng thời gian, nhưng chất lượng không thay đổi.

Do vậy, để bảo đảm tính nhất quán với các luật chuyên ngành như Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, cần nghiên cứu điều chỉnh để tránh tình trạng đánh giá chất lượng nhiều lần không cần thiết.

Về kiểm soát danh mục hàng hóa nhóm 2 và tiêu chí trong các quy chuẩn kỹ thuật, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Môi trường thông tin, Bộ đã thực hiện rà soát và hủy bỏ 149 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) trong ngành nông nghiệp và môi trường, chiếm gần 60% tổng số QCVN đã ban hành.

Trong năm 2025, tiếp tục đưa vào kế hoạch rà soát, sửa đổi hoặc hủy bỏ 59 QCVN có nội dung không còn phù hợp điều kiện thực tiễn.

Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, chỉ giữ lại các sản phẩm, hàng hóa đặc biệt có nguy cơ gây hại cao. Trong đó, rà soát, điều chỉnh khái niệm “sản phẩm, hàng hóa nhóm 2” trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng chi tiết, cụ thể hơn theo các cấp độ: rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao. Chỉ sản phẩm hàng hóa thuộc cấp độ rủi ro cao mới cần công bố hợp quy và chứng nhận hợp quy.

“Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hiệu quả, bền vững, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dong-luc-cac-nganh-hang-nong-nghiep-phat-trien-post870204.html