Tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững
Ngày 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp với việc xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ, công tác này đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, song cũng nhấn mạnh những giải pháp trọng tâm để khắc phục hạn chế, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Kết quả nổi bật trong quản lý nguồn lực quốc gia
Chính phủ nhận định, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, cần triển khai ngay để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Năm 2024, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí; ban hành Quyết định số 1764/QĐ-TTg về Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cùng nhiều chỉ thị, công điện nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp. Các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và người dân.
Trong lĩnh vực lập pháp, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 24 nghị quyết và cho ý kiến 18 dự án luật, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ ban hành 185 nghị định, 329 nghị quyết, 1.846 quyết định, 47 chỉ thị, trong khi các bộ, ngành ban hành 104 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực từ năm 2024 và 2025. Về ngân sách, thu ngân sách nhà nước đạt 2,043 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán, trong khi chi ngân sách ước đạt 1,83 triệu tỷ đồng, tiết kiệm 64.014 tỷ đồng nhờ cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Nợ công được kiểm soát chặt chẽ, với nợ công/GDP ở mức 34,7%, nợ Chính phủ/GDP 32,2% và nợ nước ngoài/GDP 31,8%, nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép.
Quản lý tài sản công cũng đạt nhiều tiến bộ, với 67.480 tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và 15.460 công trình nước sạch nông thôn được đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, tổng giá trị lần lượt là 3,8 triệu tỷ đồng và 38.388 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 70.743,08 tỷ đồng cho 9 dự án giao thông trọng điểm, tương ứng 72,9% kế hoạch, góp phần khởi công và đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình hạ tầng. Trong quản lý đất đai, Chính phủ ban hành 5 nghị định và 8 thông tư để thi hành Luật Đất đai 2024, đưa vào vận hành 4 khối dữ liệu đất đai quốc gia. Tuy nhiên, vi phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên vẫn tồn tại, đòi hỏi xử lý nghiêm minh.
Công tác tinh gọn bộ máy ghi nhận kết quả tích cực, với việc giảm 13 sở, 2.613 tổ chức cấp phòng tại địa phương, cùng 12 chi cục và 29 phòng thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, với thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp tại 5 địa phương, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại 4 tập đoàn, tổng công ty, đồng thời xây dựng dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thanh tra, kiểm tra được tăng cường, với 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm kinh tế trị giá 157.585 tỷ đồng và 245 ha đất, kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và 41 ha đất, xử phạt hành chính 4.150 tỷ đồng. Những nỗ lực này góp phần đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1,93% và đưa 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chính phủ nhấn mạnh việc ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và tăng cường thanh tra, kiểm tra
Tăng tốc, bứt phá
Chính phủ xác định năm 2025 là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, với mục tiêu GDP tăng 7,0-7,5% và GDP bình quân đầu người đạt 4.900 USD. Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025, đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp. Các giải pháp bao gồm siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách, quản lý vốn vay và sử dụng hiệu quả tài sản công, ưu tiên vốn cho dự án trọng điểm. Chính phủ sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát hệ thống pháp luật để khắc phục bất cập trong các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí.
Chính phủ nhấn mạnh việc ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thu hồi tài sản thất thoát. Đồng thời, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước và khuyến khích người dân thực hiện trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Dù đạt nhiều kết quả, Chính phủ thừa nhận một số hạn chế, như tiến độ sắp xếp nhà, đất còn chậm, giải ngân đầu tư công tại 30/46 bộ và 26/63 địa phương thấp hơn bình quân chung và vi phạm trong quản lý tài nguyên chưa được xử lý triệt để. Những vấn đề này sẽ được tập trung khắc phục để tạo đà cho tăng trưởng bền vững trong năm 2025.
Mặc dù đạt nhiều thành tựu, nhưng Ủy ban Kinh tế Tài chính chỉ ra rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn tồn tại hạn chế. Một số bộ, ngành chậm trễ trong lập kế hoạch lập pháp, xin rút hoặc lùi dự án luật, pháp lệnh, hoặc nộp hồ sơ không đầy đủ, thiếu nghiên cứu kỹ về phạm vi điều chỉnh và tác động chính sách. Dự báo thu ngân sách nhà nước chưa sát thực tiễn, dẫn đến chênh lệch lớn giữa dự toán và thực tế, trong khi nợ đọng thuế tăng so với năm 2023. Giải ngân đầu tư công chậm, chi chuyển nguồn còn lớn, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Việc sắp xếp, xử lý nhà, đất công chưa được đẩy mạnh ở một số bộ, ngành, địa phương, với tiến độ lập phương án chậm và thiếu kiểm tra hiện trạng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa đạt tiến độ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Lãng phí đất đai vẫn xảy ra, với nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng, đất nông, lâm trường bị hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm chưa rõ ràng. Việc tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian vẫn gặp bất cập, đòi hỏi giải quyết quyết liệt hơn.
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chưa có chuyển biến tích cực. Các công ty nông, lâm nghiệp quản lý diện tích rừng lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực. Để khắc phục, Ủy ban kinh tế đề nghị Chính phủ thể chế hóa Chỉ thị số 27-CT/TW và ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, khẩn trương hoàn thiện thể chế, sớm sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ cần siết chặt kỷ luật tài chính, kiểm soát bội chi, khắc phục hạn chế trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án theo nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban cũng kiến nghị đẩy mạnh sắp xếp nhà, đất công, chuyển giao các cơ sở kém hiệu quả cho địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xử lý tình trạng hoang hóa đất đai, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi. Cần có kế hoạch tổng thể để sử dụng hiệu quả trụ sở sau tinh gọn bộ máy, bố trí cho các công trình phúc lợi, y tế, hoặc khai thác kịp thời. Chính phủ nên tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các công ty nông, lâm nghiệp, để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tao-nen-tang-cho-tang-truong-ben-vung-163368.html