Tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho phóng viên
Ngày 10/7, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng, chống thiên tai (PCTT). Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và PCTT; đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ và đồng chí Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch dự tập huấn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và PCTT khai mạc tập huấn. Ảnh: Bích Nguyên
Tham dự tập huấn, các phóng viên đã nghe giới thiệu 4 chuyên đề gồm: Tổng quan tình hình thiên tai tại Việt Nam; Một số vấn đề trọng tâm về PCTT khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp; Thực trạng báo chí Việt Nam và huy động các cơ quan báo chí tuyên truyền về PCTT; Báo chí với công tác thông tin, truyền thông về PCTT và những định hướng trong thời gian tới; Kỹ năng sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp.
Tại buổi tập huấn, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và PCTT giới thiệu chuyên đề Tổng quan tình hình thiên tai tại Việt Nam; Một số vấn đề trọng tâm về PCTT khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp.
Theo đó, Việt Nam ghi nhận xảy ra 22 loại hình thiên tai. Trong vòng 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai làm 240 người chết, gây thiệt hại kinh tế 1-1,5% GDP.
Đáng lưu ý, loại hình thiên tai mưa lũ lớn xảy ra bất thường hơn về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ. Mưa lớn không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà cả trong mùa khô. Trong khi đó, trước đây bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, nhưng từ năm 2016 đã xuất hiện siêu bão, tức là cấp 16 trở lên.
Đồng chí Hải cũng nêu một số vấn đề trọng tâm về PCTT khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, trong đó nhấn mạnh 12 nhiệm vụ cấp xã cần thực hiện trong công tác quản lý đê điều và PCTT (bao gồm các nhiệm vụ do cấp huyện trước đây thực hiện).
Phát biểu tại buổi tập huấn, đồng chí Đặng Khắc Lợi khẳng định, chuyển đổi số đã và đang tạo ra nền tảng phát triển mới cho tuyên truyền về PCTT. Các cơ quan báo chí cần chủ động triển khai nhiều giải pháp số hóa hoạt động tuyên truyền: từ thiết lập các website hiện đại, fanpage, kênh YouTube, TikTok của báo; đến ứng dụng các công nghệ mới như AI, chatbot trong tư vấn, giải đáp thắc mắc về PCTT. Nhờ đó, nội dung và hình ảnh về công tác này được lan tỏa đa nền tảng, tiếp cận nhanh chóng, rộng rãi tới công chúng, doanh nghiệp. Nhiều sự kiện tổ chức như, tọa đàm, hội thảo, giao lưu… được tổ chức linh hoạt qua hình thức trực tuyến, livestream - điều mà cách làm truyền thống khó có thể đạt được hiệu quả.

Cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý (BĐBP tỉnh Lào Cai) phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở đất tại thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũ (nay là tỉnh Yên Bái). Ảnh: Đức Quyết
Đồng chí Lợi đề nghị các cơ quan báo chí đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống truyền thông đa phương tiện theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, lấy nền tảng số làm động lực phát triển. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phụ trách tuyên truyền, xây dựng năng lực làm chủ các công cụ số mới, ứng dụng phân tích dữ liệu trong hoạch định và triển khai chiến lược tuyên truyền. Đồng thời phát triển nội dung số sáng tạo, gần gũi với học sinh, sinh viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhóm người luôn hướng tới công nghệ và truyền thông số…
Định hướng thông tin truyền thông về PCTT trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Thúy Ái, Phó trưởng phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về thể chế chính sách về PCTT trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, đưa tin về công tác chỉ đạo, điều hành PCTT của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bộ, ngành liên quan; Tiếp tục công tác truyền thông ở cả ba giai đoạn PCTT, trong đó tăng cường thông tin phản ánh thiên tai dưới góc nhìn rủi ro và phòng ngừa, thay vì chỉ tập trung vào thiệt hại và cứu trợ sau thiên tai. Cùng với đó, ưu tiên truyền thông dựa trên cảnh báo sớm và hướng dẫn hành động cụ thể, giúp người dân chủ động ứng phó theo từng loại hình thiên tai.
Các đại biểu, phóng viên dự tập huấn cũng trao đổi, chia sẻ kỹ năng tác nghiệp báo chí trong tình huống thiên tai. Ngoài nội dung tập huấn, các phóng viên chuyên trách về PCTT đã đi thực tế tại các địa phương, phỏng vấn lãnh đạo địa phương và người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.